ĐỔI MỚI NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY MÔN HÌNH HỌA TẠI KHOA TẠO DÁNG CÔNG NGHIỆP VIỆN ĐẠI HỌC MỞ HÀ NỘI

Đăng lúc: Thứ tư - 27/03/2019 02:53 - Người đăng bài viết: Nguyen Quoc Chinh
.

.

Hình họa là môn cơ sở ngành (cơ bản), đóng vai trò quan trọng trong các chuyên ngành thiết kế. Cải tiến nội dung và đổi mới phương pháp dạy-học giúp sinh viên tăng cường tính chủ động, có phương pháp học tập tích cực trên lớp và hoàn thiện bài tập ở nhà. Qua đó, sinh viên phát huy tốt nhất khả năng sáng tạo trong chuyên môn.
            1. Khái niệm và tầm quan trọng của môn Hình họa
               Hình họa là một môn học cơ bản không thể thiếu được trong quá trình hình thành kỹ năng, nhận thức về nghệ thuật hội họa, Hình họa rất quan trọng đối với người làm nghệ thuật, đặc biệt là đối với sinh viên học mỹ thuật. Hình họa có nhiệm vụ nghiên cứu về cấu trúc, hình khối, tỷ lệ, tương quan đậm nhạt, sáng tối của đối tượng khách quan tồn tại trong giới tự nhiên. Quá trình học môn Hình họa, người học cần phải tự xây dựng cho mình cách sử dụng, khai thác triệt để các yếu tố của ngôn ngữ tạo hình như đường nét, hình mảng, khối, đậm nhạt, màu sắc…, đồng thời có sự kết hợp chặt chẽ giữa tư duy trí tuệ và khả năng biểu cảm trong sáng tác mỹ thuật. Hay nói cách khác, Hình họa là môn học giúp phát triển khả năng quan sát, nhận xét, phân tích và kỹ năng thể hiện, nghiên cứu mẫu thực; là sự kết hợp hài hòa giữa lý trí và tình cảm của người vẽ với đối tượng, là cánh cửa đầu tiên để người học nghiên cứu và khám phá thực tế, giúp người học rèn luyện khả năng cảm thụ, cảm xúc và thị hiếu thẩm mỹ. Nghiên cứu Hình họa căn bản thông thường đều phải tuân theo những bước vẽ cụ thể, từ xác định mẫu vẽ, xác định bố cục, tìm tỉ lệ chung, tỉ lệ riêng từng phần cụ thể, dựng hình, vẽ phác thảo khối… cho đến bước cuối cùng là thể hiện được không gian.
Là một môn cơ sở ngành (cơ bản), đóng vai trò quan trọng trong đào tạo mỹ thuật, nghiên cứu hình họa góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho sinh viên học tập, tiếp thu các môn học chuyên ngành khác. Trong chương trình của các trường đào tạo về mỹ thuật, Hình họa là môn học chiếm quỹ thời gian khá nhiều, hệ thống môn học được sắp xếp một cách khoa học, từ đơn giản đến phức tạp, từ đen trắng đến mầu sắc, từ tĩnh sang động với những giai đoạn và đối tượng nghiên cứu cụ thể như: ban đầu là nghiên cứu hình khối cơ bản, các đồ vật, hoa lá, động vật…tiếp đến nghiên cứu tượng chất liệu thạch cao từ chân dung đến tượng toàn thân... cho đến người mẫu thực. Tuy nhiên, nghiên cứu vẻ đẹp của cơ thể con người là đối tượng chủ yếu được Hình họa hướng tới, việc nghiên cứu này nhằm phục vụ cho sáng tác tranh cũng như trang bị và hoàn thiện hơn cho nghề nghiệp của họa sỹ. Lịch sử mỹ thuật đã chứng minh, các họa sỹ nổi tiếng trên thế giới và trong nước, thời đại nào cũng là những người vẽ hình họa vững vàng. Điều đó được biểu hiện qua những hình tượng con người tuyệt đẹp và chuẩn mực trong các tác phẩm nổi tiếng của họ. Các danh họa thời kỳ Phục Hưng ở Ý như Lê-ô-na đờ Vanh-xi, Mi-ken-lăng-giơ, Ra-pha-en…đã vẽ những bức Hình họa về con người tuyệt vời. Trước khi trở thành người sáng lập ra các trào lưu mỹ thuật hiện đại Pi-cat-xô, Van-gốc, Đa-li...họ đều là những họa sỹ nghiên cứu thực tế, nghiên cứu mẫu người rất nghiêm túc, cơ bản, vững vàng. Các trường Mỹ thuật ở Việt Nam, từ thời kỳ “Mỹ thuật Đông Dương” luôn đề cao vị trí, vai trò của Hình họa trong chương trình đào tạo. Quỹ thời gian dành cho môn học khá nhiều (kéo dài trong suốt thời gian đào tạo); trong kỳ thi tuyển sinh có trường xác định Hình họa được tính hệ số cao hơn các môn thi khác (Hệ số 2). Hình họa đã thấm sâu vào nếp nghĩ và hoạt động nghệ thuật của họa sỹ, đa số cho rằng hình vững, hình đẹp là cơ sở tạo nên thành công của tác phẩm: giúp họa sỹ tự tin hơn trong sáng tạo nghệ thuật. Ngày nay, dù kỹ thuật của các phương tiện của công nghệ thông tin ngày càng phong phú và phát triển; hỗ trợ rất nhiều cho việc giảng dạy, học tập, thu nhận tài liệu và sáng tác song vẫn không thể thay thế được việc rèn luyện cơ bản, nghiên cứu Hình họa tại thực tế. Máy ảnh rất cần song đó chỉ là một khoảnh khắc nhất định của tự nhiên do máy móc ghi lại. Còn vẽ Hình họa thì khác, đó là cả một quá trình tìm hiểu, phân tích, giao lưu tình cảm của người vẽ với đối tượng: từ đó khám phá và thể hiện cái đẹp của hiện thực, của người mẫu thông qua cảm xúc, sáng tạo của người vẽ. Một bức Hình họa đẹp phải là một tác phẩm có sự sàng lọc, có các yếu tố của ngôn ngữ tạo hình, bên cạnh đó phải có cách diễn đạt sinh động mang lại sức truyền cảm lớn. Bởi vậy, một tác phẩm Hình họa đẹp là điều không dễ thực hiện, đặc biệt khi vẽ về con người. Sự phong phú của con người với muôn vàn trạng thái vận động của cơ thể, của tâm tư trong mọi quan hệ với xã hội, thiên nhiên đã, đang là kho đề tài “bất tận” và “khó” cho Hình họa…
 
Hình 1. Hình họa nghiên cứu của Leonardo da Vinci và Albrecht Dürer
           Dẫn chứng để thấy tầm quan trọng của Hình họa, Hình họa không chỉ có thể độc lập hoàn thành sáng tác nghệ thuật. Đồng thời, nó còn là hòn đá tảng vững chắc cho tất cả các bài luyện tập chuyên ngành, có tác động bổ sung, hỗ trợ cho các môn học khác trong học Mỹ Thuật như: ký họa, vẽ bố cục, trang trí… và các ngành nghệ thuật khác như: Kiến trúc, Điện ảnh, Sân khấu, Thiết kế Mỹ thuật công nghiệp. Vì vậy, môn Hình họa là môn học được coi là xương sống trong hệ thống các môn học của Mỹ thuật nói chung, ngành thiết kế nói riêng như: thiết kế Nội thất, thiết kế Thời trang, thiết kế Đồ họa…
            2. Thực trạng chung về môn hình họa
           Hiện nay trên thế giới, các trường đại học mỹ thuật hoặc có chương trình đào tạo liên quan đến mỹ thuật, có nhiều quan điểm và cách tiếp cận khác nhau đối với môn Hình họa. Từ những quan điểm khác nhau đó, các trường đã xây dựng chương trình giảng dạy môn Hình họa khác nhau, tuy nhiên vẫn có thể chia làm hai quan điểm chính như sau:
- Các trường mỹ thuật có chương trình đào tạo theo mô hình truyền thống được xây dựng trên nền tảng kiến thức và quan niệm mỹ học hàn lâm châu Âu vẫn coi trọng môn Hình họa và xây dựng chương trình đào tạo Hình họa mang tính hàn lâm, cơ bản.
- Các trường đổi mới cách tân, hoặc do đặc thù về đào tạo chuyên ngành, do sự tiếp thu từ những tư tưởng mới, sự ứng dụng công nghệ, công nghệ thông tin trong đào tạo… đã thay đổi cách dạy môn Hình họa, không quá coi trọng môn Hình họa, cắt ngắn thời lượng học môn Hình họa hoặc đôi khi bỏ môn Hình họa ra khỏi chương trình đào tạo của mình.
 

 
 Hình 2. Bài hình họa nghiên cứu của sinh viên Nga
         Với riêng tại Việt Nam, có thể tổng kết chung về thực trạng môn Hình họa như sau:
      - Quan điểm về môn học
        Hình họa vẫn được xác định là một trong những môn học nền tảng, cơ bản và quan trọng trong chương trình đào tạo mỹ thuật, có tầm quan trọng đặc biệt đối với người làm nghệ thuật nói chung, với sinh viên học mỹ thuật nói riêng. Với quan điểm sinh viên nghiên cứu hình họa để tìm ra những cấu trúc đẹp của tất cả các sự vật trong thiên nhiên và cả con người hiện thực, để từ đó có được khả năng phân tích, sự cảm nhận và kỹ năng diễn tả về hình, khối, không gian, mầu sắc, chất cảm... dưới tác động của ánh sáng và quy luật của mắt nhìn để tạo không gian trên mặt phẳng. Những kiến thức cơ bản này sẽ trở thành nền tảng giúp người học vận dụng một cách khoa học vào trong sáng tác cũng như thực hành và thể hiện chuyên môn về sau.
Hình họa nghiên cứu là một trong những phương tiện cơ bản trong việc miêu tả và nhận thức thế giới bằng nghệ thuật tạo hình. Với sự hỗ trợ của Hình hoạ, người vẽ có thể nghiên cứu con người và thiên nhiên. Hình họa giúp người vẽ biểu hiện những ý tưởng và bố cục đã nung nấu trong quá trình sáng tạo tác phẩm mỹ thuật có hình. Các họa sỹ, nhà điêu khắc, thậm chí kiến trúc sư đều cần một quá trình tập luyện vẽ Hình hoạ một cách nghiêm túc, chặt chẽ và phù hợp. Sở hữu một kiến thức và tay nghề chuyên nghiệp về Hình họa là đôi cánh cho những chuyến bay của cảm xúc và óc tưởng tượng trong sáng tác mỹ thuật. Đó là điều kiện quan trọng và hết sức cần thiết để phát triển những ý tưởng tạo hình độc đáo, bất ngờ...
- Về chương trình và thời gian đào tạo
Với quan điểm chung Hình họa là một trong những môn học nền tảng, cơ bản và quan trọng, chương trình Hình họa trong đào tạo mỹ thuật (hệ đại học) tại các trường đại học ở Việt Nam thường chiếm một thời lượng lớn so với các môn học khác. Chương trình thường được bắt đầu ngay từ học kỳ I của năm học thứ nhất và kéo dài gần hết khóa học 5 năm. (Đa số các trường đào tạo về mỹ thuật chương trình đào tạo thường kéo dài 5 năm, có 1 số trường chương trình đào tạo là 4 năm tuy nhiên số lượng ít, chủ yếu là các trường đào tạo về sư phạm mỹ thuật).
Chương trình thường được cấu trúc bao gồm hệ thống bài nghiên cứu nâng dần từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ đen trắng cho đến mầu sắc như: nghiên cứu khối cơ bản, khối biến dạng…, tượng xương sọ, đầu tượng lột da... cho đến toàn thân người. Tuy nhiên nhìn chung, có nhiều phần học, nội dung chương trình giảng dạy còn chung chung, chưa phù hợp, khu biệt với từng chuyên ngành đào tạo. Để phù hợp với các chuyên khoa, chuyên ngành đào tạo của mình, một số trường đã xây dựng chương trình đào tạo Hình họa có sự thay đổi nhất định về hệ thống bài tập, về chất liệu cũng như về phương pháp thể hiện. Đặc biệt đối với các trường đào tạo về mỹ thuật ứng dụng, một số trường đã chú ý xây dựng kết hợp giữa chương trình Hình họa và ký họa nhằm mục đích phục vụ thiết thực cho mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra cho từng chuyên ngành đào tạo. Sự thay đổi đó phần nào giúp cho người học có được khả năng ứng dụng thích hợp vào việc thể hiện đặc thù chuyên môn, tuy nhiên sự thay đổi đó còn chưa nhiều và chưa mang tính hệ thống, bài bản.
           - Về xây dựng giáo trình, tài liệu:
             Mặc dù đã có thời gian tương đối dài đào tạo về môn Hình họa, tuy nhiên các trường có đào tạo mỹ thuật hiện nay tại Việt Nam (tiêu biểu là trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) vẫn chưa có các bộ giáo trình được nghiên cứu và xây dựng một cách bài bản, đồng bộ, được cập nhật thường xuyên nhằm đáp ứng và theo kịp với nhu cầu thực tiễn của xã hội. Đặc biệt từ khi chương trình đào tạo đại học được đổi sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ, quan điểm và cách tiếp cận đối với việc giảng dạy và học tập có nhiều thay đổi. Việc nghiên cứu xây dựng bộ giáo trình bài bản, mang tính hướng dẫn, dễ hiểu, kết hợp với đổi mới phương pháp dạy và học, ứng dụng các công nghệ thông tin hiện đại trong giảng dạy là nhu cầu cần thiết và cấp bách.
           - Về phương pháp giảng dạy và học tập
             Ở mô hình đào tạo truyền thống theo đơn vị học trình, đối với môn Hình họa, học sinh mất nhiều thời gian trên lớp, tuy nhiên hiệu quả, chất lượng chưa cao, có nhiều nguyên nhân dẫn tới kết quả này trong đó phương pháp giảng dạy và học tập góp phần không nhỏ đó là; Phương pháp dạy học thụ động, cách truyền thụ kiến thức một chiều theo kiểu “đọc- chép”, lấy giáo viên làm trung tâm. Ở đó, những kiến thức sinh viên thu nhận được luôn có một giới hạn: giới hạn trong kiến thức của mỗi người dạy và người học sẽ bị bó hẹp trong phương cách đó, nó hạn chế khá lớn sự sáng tạo, đặc biệt trong môn học đặc thù như bộ môn Hình họa. Người học, trong phương pháp này thường được coi là dạng học tập thụ động, thụ động trong thu nhận kiến thức và hạn chế trong sáng tạo. Trong cách học thụ động này, người dạy Hình họa tuy không cố ý, nhưng cũng dần tự hình thành một thói quen truyền thụ kiến thức theo kiểu “truyền nghề” một cách vô thức, qua thời gian sẽ biến chúng thành một sự quen thuộc nhàm chán, làm người học mất đi tính sáng tạo, niềm đam mê, sự chủ động trong khai thác, học hỏi kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo. Trong khi đây chính là những điều quan trọng nhất đối với việc học môn Hình họa.
              3. Đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy môn Hình họa tại khoa Tạo dáng công nghiệp – Viện Đại học Mở Hà Nội.
             a. Thực trạng giảng dạy môn Hình họa tại khoa Tạo dáng công nghiệp – Viện Đại học Mở Hà Nội
Trải qua 25 năm kể từ ngày thành lập đến nay, học tập kinh nghiệm của các trường đào tạo mỹ thuật trên thế giới nói chung, trong nước nói riêng, khoa Tạo dáng công nghiệp luôn xác định môn Hình họa là môn học cơ bản và quan trọng trong hệ thống các môn học thuộc chương trình đào tạo của mình, bởi vậy môn Hình họa chiếm thời lượng khá nhiều trong chương trình đào tạo của các chuyên ngành tại Khoa. So với chương trình đào tạo theo hệ thống niên chế trước đây, chương trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ hiện nay, thời lượng học thực hành trên lớp đã được cắt giảm, cụ thể như sau:
                - Về thời lượng, chương trình giảng dạy môn hình họa theo hệ thống niên chế (áp dụng đến khóa 19, niên khóa 2010-2015) được cấu tạo với 6 phần (từ hình họa 1 đến hình họa 6), mỗi phần bao gồm 4 học trình (60 tiết thực hành trên lớp, thời gian 45 phút/1 tiết). Tổng thời lượng là 24 học trình (360 tiết thực hành trên lớp) được trải đều trong 5 học kỳ đầu trong chương trình đào tạo 5 năm (từ học kỳ I đến học kỳ V) và Ký họa bao gồm 2 phần, mỗi phần 60 tiết được phân công theo các chuyên ngành, giảng dạy theo yêu cầu phục vụ bài chuyên ngành. Với chương trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ (áp dụng từ khóa 20, niên khóa 2011-2016 cho đến nay) được cấu tạo với 5 học phần (từ hình họa 1 đến hình họa 5), mỗi phần bao gồm 3 tín chỉ (45 tiết thực hành trên lớp, thời gian 50 phút/1 tiết). Tổng thời lượng là 15 tín chỉ (225 tiết thực hành trên lớp) được trải đều trong 5 học kỳ đầu trong chương trình đào tạo 5 năm, từ học kỳ I (học kỳ I năm thứ nhất) đến học kỳ V (học kỳ I năm thứ ba) và ký họa bao gồm 3 học phần mỗi học phần bao gồm 3 tín chỉ (45 tiết thực hành, thời gian 50 phút/1 tiết). Tổng thời lượng là 9 tín chỉ (135 tiết thực hành) được trải đều trong 3 học kỳ sau khi đã học xong 5 phần hình họa, từ học kỳ VI (học kỳ II năm thứ ba) đến học kỳ VIII (học kỳ II năm thứ tư).
- Về nội dung chương trình, môn hình họa của khoa Tạo dáng công nghiệp đã được cấu trúc một cách khoa học bao gồm hệ thống bài nghiên cứu nâng dần từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, như: từ nghiên cứu khối cơ bản, khối biến dạng, tĩnh vật, tượng xương sọ, đầu tượng lột da, phác mảng… cho đến toàn thân người. Từ Hình họa đen trắng (bút chì, than) cho đến Hình họa mầu (chất liệu bột màu, sơn dầu). Đối với chương trình ký họa tùy theo từng chuyên ngành, bước đầu đã được nghiên cứu và thiết kế có tính riêng biệt nhất định để phù hợp đối với mục tiêu đào tạo của từng chuyên ngành.
Có thể khẳng định, chương trình, nội dung môn Hình họa tại Khoa hiện nay về cơ bản đã đảm bảo về thời lượng, tính khoa học cũng như sự phù hợp nhất định cho từng chuyên ngành. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại như; mặc dù mục tiêu đào tạo của từng chuyên ngành khác nhau nhưng sự khác biệt về nội dung giảng dạy giữa các chuyên ngành chưa nhiều, đó là sự khác biệt chi tiết và cụ thể để thực sự phù hợp cho từng chuyên ngành như sự khác biệt về mẫu vẽ, về thời gian vẽ cho từng bài học, sự khác biệt về chất liệu, về phương pháp thể hiện, … Đặc biệt là sự thống nhất trong phương pháp giảng dạy, bởi đặc thù của các môn về mỹ thuật nói chung, môn Hình họa nói riêng, mỗi giáo viên lại có kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy khác nhau, thiếu sự thống nhất, chưa nhất quán xuyên xuốt trong cả quá trình giảng dạy.
b. Yêu cầu giảng dạy môn hình họa trong học chế tín chỉ
Về mục tiêu đào tạo của môn Hình họa trong học chế tín chỉ về cơ bản không thay đổi, khi học môn Hình họa sinh viên vẫn phải nắm bắt cũng như thành thạo được những kiến thức, kỹ năng cơ bản về chuyên môn như; kiến thức về cấu trúc, hình khối, tỷ lệ, mầu sắc, đậm nhạt… thực hiện các bài Hình họa đúng phương pháp, đảm bảo yêu cầu chuyên môn. Biết vận dụng kiến thức của các môn học bổ trợ như; Giải phẫu tạo hình, Luật xa gần, Vẽ kỹ thuật... vào giải quyết một bài Hình họa tốt. Vận dụng kiến thức môn học Hình hoạ vào xử lý bài tập chuyên khoa. Nâng cao thị hiếu thẩm mỹ và phát huy khả năng tự học, khả năng sáng tạo. Tuy nhiên khi thực hiện mô hình đào tạo theo học chế tín chỉ đã có nhiều thay đổi, với tiêu chí lấy người học làm trung tâm, trong đó người học là chủ thể hoạt động, giáo viên là người chịu trách nhiệm thiết kế, tổ chức, hướng dẫn. Đối với người học, tính chủ động trong học tập, việc tự học được đặt lên hàng đầu, trong khi về chương trình thời lượng học thực hành trên lớp bị cắt giảm, thời gian tự học, số lượng bài tập về nhà tăng lên… dẫn đến việc cần thiết phải đổi mới phương pháp cũng như phương thức tổ chức dạy học. 
           Từ những yêu cầu trên, từ thực trạng giảng dạy môn Hình họa tại khoa Tạo dáng công nghiệp, để đáp ứng yêu cầu đào tạo môn Hình họa theo học chế tín chỉ hiện nay, cần thiết phải có sự nghiên cứu nhằm đổi mới nội dung, xây dựng phương pháp đào tạo phù hợp. Việc đổi mới đó cần thông qua sự nghiên cứu, phân tích đánh giá rút kinh nghiệm, xây dựng phương pháp dạy và học hợp lý nhất trên cơ sở giúp người học tiếp cận thực tế, bám sát với yêu cầu của ngành học, phù hợp với từng chương trình đào tạo của 3 chuyên ngành hiện đang đào tạo tại Khoa: Thiết kế Nội thất, Thiết kế Thời trang, Thiết kế Đồ họa.
            c. Các giải pháp đổi mới giảng dạy môn Hình họa tại khoa Tạo dáng công nghiệp – Viện Đại học Mở Hà Nội
           Để đổi mới nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy môn Hình họa cần phải có sự nghiên cứu trên cơ sở bám sát những yêu cầu thực tế như: Nghiên cứu đổi mới trên cơ sở bám sát mục tiêu đào tạo của từng chuyên ngành, đảm bảo các yêu cầu cơ bản về chuyên môn trong điều kiện thời lượng dạy và học trực tiếp trên lớp bị cắt giảm. Nghiên cứu đổi mới trên cơ sở thực hiện riêng các nội dung chương trình học phù hợp với từng chuyên ngành cụ thể, mang tính thiết thực và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực hành, ứng dụng thực tiễn nhằm phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo trong học tập của sinh viên. Từ những nghiên cứu đó đưa ra các giải pháp đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học:
- Thiết kế nội dung các phần học riêng phù hợp cho từng chuyên ngành cụ thể.
- Nội dung của bài giảng ngoài việc chú trọng đến các bài lý thuyết, cần xây dựng những bài hướng dẫn thực hành đơn giản, dễ hiểu giúp phát triển kỹ năng thực hành, khả năng giải quyết vấn đề liên quan tới nội dung môn học. Trong quá trình giảng dạy cần cung cấp thêm cũng như tư vấn cho người học tìm tài liệu tham khảo hỗ trợ cho việc tự học, tự nghiên cứu.
- Tăng cường tính chủ động, tự học, tự nghiên cứu cho sinh viên bằng việc xây dựng hệ thống bài tập về nhà hợp lý song song với bài tập thực hành trên lớp, tuy nhiên hệ thống bài tập này cần phải xây dựng sao cho phù hợp với điều kiện thực tế (khả năng đáp ứng về đối tượng vẽ, mẫu vẽ) của sinh viên để phát huy hiệu quả, không gây khó cho sinh viên.
- Ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông hiện đại vào trong quá trình dạy học như; xây dựng mô hình dữ liệu về hình ảnh, giáo cụ trực quan sinh động, thiết kế các bài giảng điện tử hấp dẫn, các video hướng dẫn thực hành các kỹ năng... Đó là việc làm rất cần thiết và hiệu quả cho môn học này bởi đặc thù môn học là sự kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành, vì vậy việc được xem các video hướng dẫn cụ thể, quan sát những bài vẽ minh họa, các bài mẫu là cần thiết và hữu hiệu. Việc được trải nghiệm qua những hình ảnh cụ thể, phong phú và sinh động, người học sẽ tự khám phá cách giải quyết hay tự thấy các vướng mắc cho cách giải quyết đó, từ đó kích thích sự tìm tòi, sáng tạo. Ứng dụng công nghệ thông tin cũng sẽ giúp giáo viên khai thác tốt nguồn tư liệu ở các kênh thông tin khác nhau, biên tập và thiết kế bài dạy theo hướng lồng ghép và tích hợp, tăng cường hiệu quả trong truyền thụ kiến thức và tác động mạnh đến phương pháp tự học, đến nhận thức của sinh viên. Tuy nhiên cần sử dụng công nghệ thông tin một cách hợp lý, phát huy mặt tích cực và sử dụng công nghệ thông tin như một công cụ hỗ trợ phương pháp dạy học. Người thầy trong dạy Mỹ thuật nói chung, Hình họa nói riêng vẫn đóng vai trò quyết định, nếu người thầy yếu về chuyên môn và nghiệp vụ thì công nghệ thông tin lại là công cụ tạo điều kiện cho sự máy móc, công thức, khô cứng và ỷ lại trong phương pháp dạy học.
Có thể khẳng định, môn Hình họa vẫn luôn đóng vai trò quan trọng đối với các chuyên ngành thiết kế, trong khi với đặc thù giảng dạy môn Hình họa, mỗi giáo viên lại có kinh nghiệm giảng dạy khác nhau, thiếu sự thống nhất, chưa nhất quán xuyên xuốt trong cả quá trình giảng dạy môn này. Chính vì vậy, việc tập hợp kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm của các giáo viên giảng dạy môn Hình họa và các môn chuyên ngành để đưa ra những giải pháp phù hợp, với mục đích đổi mới nội dung chương trình, đổi mới phương pháp giảng dạy môn Hình họa đáp ứng và phù hợp cho đào tạo theo hệ thống tín chỉ, chú ý đưa ra phương hướng, nội dung đào tạo phù hợp với từng chuyên ngành: Thiết kế Nội thất, Thiết kế Đồ họa, Thiết kế Thời trang của khoa, hướng cho sinh viên phương pháp nghiên cứu chủ động trên lớp cũng như tự hoàn thiện các hệ thống bài tập về nhà. Hy vọng nếu sinh viên đáp ứng được, phần nào đó sẽ giúp cho sinh viên tăng cường khả năng vẽ nhanh, vẽ ghi, và nhất là giúp sinh viên phát huy tốt nhất khả năng sáng tạo trong thiết kế.

Hình 3. Bài hình họa nghiên cứu chất liệu than đen trắng của sinh viên Đại học mỹ thuật Việt Nam
                                                                                                                                                                                                                           
                                                                                                                                                                                                                                           
ThS. Lê Trọng Nga
                                                                                                 
Tài liệu tham khảo
1. Triệu Khắc Lễ, Hình họa 1, NXB Đại học sư phạm, 2003.
2. Biên dịch Phạm Cao Hoàn, Khải Phạm, Nguyễn Khoan Hồng, 70 danh họa bậc thầy thế giới, NXB Mỹ thuật, 1999.
3. Họa sỹ Hoàng Anh, Nghiên cứu Hình họa ở Nga, Hình họa trong đào tạo Mỹ thuật, NXB Mỹ thuật, 2010.
4. TS. Họa sỹ Lê Văn Sửu, Vì sao sinh viên mỹ thuật cần học môn hình họa, Hình họa trong đào tạo Mỹ thuật, NXB Mỹ thuật, 2010.
5. TS. Bùi Thanh Mai, Vai trò của hình họa trong đào tạo mỹ thuật, Hình họa trong đào tạo Mỹ thuật, NXB Mỹ thuật, 2010.
6. Trường Đại học mỹ thuật Việt Nam, Hình họa trong đào tạo Mỹ thuật, NXB Mỹ thuật, 2010.
7. Tham khảo và sử dụng một số tư liệu, tranh ảnh trong “Tạp chí Mỹ thuật”, “Nghiên cứu Mỹ thuật” của trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội; tranh ảnh của các hoạ sĩ đăng trên sách báo; bài vẽ của sinh viên, giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Viện Đại học Mở Hà Nội.
8. Thông tin chương trình đào tạo các trường: Đại học mỹ thuật Việt Nam, Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, Đại học sư phạm nghệ thuật trung ương, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Viện Đại học Mở Hà Nội.
 
Tên riêng: (Các hoạ sĩ, nhà điêu khắc thế giới)
- Lê-ô-na-đờ Vanh-xi (Leonatdo đa Vinci 1452- 1519): Nghệ sỹ, nhà khoa học, nhà tư tưởng, người có tư tưởng hoàn thiện nhất thời Phục hưng
- Mi-ken-lăng-giơ (Michelangelo Buonaroti 1475-1564): Nhà điêu khắc, hoạ sỹ, nhà kiến trúc, nhà thơ. . . một trong những nhân vật vĩ đại nhất thời Phục hưng ở Ý.
- Ra-pha-en (Raphael 1483 - 1520): Hoạ sỹ và nhà kiến trúc Ý; trong tác phẩm của ông, tư tưởng của thời đại Phục hưng đã được thể hiện trọn vẹn nhất.
- Albrecht Dürer (Albrecht Duerer, 1471 - 1528) họa sĩ, lý thuyết gia về nghệ thuật nổi tiếng ở châu Âu trong thời kỳ của Chủ nghĩa nhân đạo và Phong trào Cải cách.
- Pi-cat-xô (Picasso, Pablo 1881 - 1973), Hoạ sỹ, nhà điêu khắc... nổi danh nhất, đa tài nhất và sáng tác nhiều nhất của thế kỷ XX; người Tây Ban Nha, thành danh tại Pháp.
- Van-gốc (Vincent Van Gogh 1853 - 1890), Hoạ sỹ nổi tiếng thời kỳ hậu ấn tượng; người Hà Lan song nổi tiếng ở Pháp.
- Đa-li (Dali, Salvador; 1904-1989): Hoạ sĩ, nhà điêu khắc, nghệ sĩ đồ hoạ Tây Ban Nha. ông là một trong những thủ lĩnh tiêu biểu của trường phái Siêu thực.

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết