MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ DỰ BÁO NHU CẦU ĐÀO TẠO NGÀNH MỸ THUẬT CÔNG NGHIỆP GẮN VỚI THỰC TIỄN XÃ HỘI Ở CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC HIỆN NAY

Đăng lúc: Thứ hai - 03/06/2019 21:42 - Người đăng bài viết: Nguyen Quoc Chinh
.

.

Cuộc cách mạng khoa học công nghệ đang làm thay đổi diện mạo của ngành Mỹ thuật Công nghiệp, cùng xu thế toàn cầu hoá thương mại thế giới (WTO) đã tạo nên thị trường thiết kế sôi động. Để đáp ứng kịp thời nguồn nhân lực về số lượng, cơ cấu và chất lượng, phù hợp với xu hướng phát triển của công nghệ - kinh tế - xã hội thì đào tạo phải là tiên quyết. “Gắn kết chặt chẽ đổi mới giáo dục đại học.
     Cuộc cách mạng khoa học công nghệ đang làm thay đổi diện mạo của ngành Mỹ thuật Công nghiệp, cùng xu thế toàn cầu hoá thương mại thế giới (WTO) đã tạo nên thị trường thiết kế sôi động tại thành phố Hồ Chí Minh. Để đáp ứng kịp thời nguồn nhân lực về số lượng, cơ cấu và chất lượng, phù hợp với xu hướng phát triển của công nghệ - kinh tế - xã hội thì đào tạo phải là tiên quyết. “Gắn kết chặt chẽ đổi mới giáo dục đại học với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội,… nhu cầu nhân lực trình độ cao của đất nước và xu thế của khoa học và công nghệ”, Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 02/11/2005 của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam giai đoạn 2006-2020 [1].
      Mỹ thuật Công nghiệp bao gồm các ngành thiết kế sáng tạo luôn dẫn đầu xu hướng thẩm mỹ như: Thiết kế Đồ họa, Thiết kế Thời trang, Thiết kế Công nghiệp (Tạo dáng) và Thiết kế Nội thất,... vừa được thừa hưởng kết quả, vừa là là điều kiện, tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội. Năng lực sáng tạo mỹ thuật ứng dụng nâng cao hình ảnh thương hiệu, sản phẩm trong nền kinh tế thị trường, đóng góp chủ yếu vào việc tăng trưởng kinh tế, khẳng định giá trị thương hiệu và giá trị cuộc sống, định hướng thị hiếu thẩm mỹ xã hội. Trong các năm gần đây, số người trẻ có nhu cầu học Mỹ thuật Công nghiệp không ngừng gia tăng, đối tượng người học cũng ngày càng đa dạng, mạng lưới các cơ sở đại học đào tạo tại TP. Hồ Chí Minh cũng phát triển nhanh. Thế nhưng, vẫn còn nhiều nhận định từ thực tế doanh nghiệp thì chất lượng chưa đáp ứng nhu cầu xã hội.
Dựa trên kết quả của những nghiên cứu về khái niệm dự báo nhu cầu đào tạo, bài viết phân tích, chọn lọc, liên hệ vận dụng, đề xuất các điều kiện thực hiện dự báo nhu cầu đào tạo Mỹ thuật Công nghiệp trình độ đại học hiện nay tại TP. Hồ Chí Minh. Cụ thể, bài viết đề cập khái niệm, các yếu tố kinh tế - xã hội  - công nghệ kỹ thuật tác động đến nhu cầu nhân lực, như điều kiện cần, để đảm bảo kết quả dự báo có độ tin cậy cho việc xác định mục tiêu, cơ cấu đào tạo hiệu quả trong xu thế hội nhập.
       Khái niệm và vai trò nhu cầu đào tạo ngành Mỹ thuật Công nghiệp
       Khái niệm
       Dựa trên nghiên cứu [1], một số khái niệm giải nghĩa mang tính công cụ cho bài viết bao gồm:
Dự báo: là thuật ngữ có gốc Hi Lạp “πρόγνωσις” (Prognosis) có nghĩa là dự đoán, nói trước. Đó là sự tiên đoán về tương lai bằng các phương pháp khoa học hoặc bằng chính các kết quả dự đoán. Dự báo là mô hình khoa học về các sự kiện, hiện tượng tương lai. Dự báo là sự tiên đoán có căn cứ khoa học, mang tính xác suất về sự phát triển của sự vật và hiện tượng sẽ diễn ra trong tương lai, dự báo không chỉ mang tính chất định tính mà còn mang tính định lượng biểu hiện qua con số cụ thể. Các hiện tượng cần dự báo luôn phụ thuộc vào sự tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của những yếu tố cả bên trong và bên ngoài hệ thống [1].
Việc dự báo trước hết cần dựa trên cơ sở phân tích các yếu tố cơ bản như kinh tế - xã hội - công nghệ tác động đến nhu cầu đào tạo Mỹ thuật Công nghiệp. Từ đó, có thể hiểu, “dự báo là sự tiên đoán có căn cứ khoa học, mang tính chất xác suất về mức độ, nội dung, các mối quan hệ, trạng thái, xu hướng phát triển của đối tượng nghiên cứu hoặc về cách thức và thời hạn đạt được các mục tiêu nhất định đã đề ra trong tương lai”.
Dự báo nhu cầu đào tạo: được hiểu là việc chỉ ra các thông tin về đào tạo theo số lượng, cơ cấu loại hình, trình độ, chất lượng và các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo.
Do đó, có thể hiểu, dự báo nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực ở các trường đại học là toàn bộ các hoạt động (thu thập, thống kê, phân tích...) yếu tố tác động đến ngành, nghề nhằm chỉ ra các thông tin về đào tạo theo số lượng, cơ cấu loại hình, trình độ, chất lượng và các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo để xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.
Nhu cầu đào tạo: là khoảng cách giữa những gì hiện có và những gì mong muốn trong tương lai xét về khía cạnh thái độ của người quản lý và người lao động trong doanh nghiệp [1].
       Thực trạng vai trò dự báo nhu cầu đào tạo ngành Mỹ thuật Công nghiệp hiện nay
      Xác định nhu cầu đào tạo là khâu đầu tiên, có vai trò quan trọng trong hoạt động đào tạo nhân lực và có ý nghĩa đối với sự phát triển của cơ sở đào tạo và cả hệ thống đào tạo, là cơ sở khoa học cho việc định hướng đào tạo theo nhu cầu xã hội. Theo các nghiên cứu, vai trò chủ yếu của dự báo nhu cầu đào tạo thể hiện ở:
Dự báo nhu cầu đào tạo không chỉ tạo cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược phát triển mà còn cho phép xem xét khả năng thực hiện kế hoạch và hiệu chỉnh kế hoạch. Dự báo nhu cầu đào tạo cho phép lường trước tình trạng dư thừa hay thiếu nguồn nhân lực; tình trạng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ không đáp ứng, không thích ứng với nhu cầu xã hội. Từ đó, nhà quản lí áp dụng các biện pháp phù hợp để điều chỉnh mục tiêu, nội dung, chương trình, phương pháp, hình thức tổ chức đào tạo… đáp ứng yêu cầu thị trường lao động trong tương lai. Điều này sẽ giúp giảm ảnh hưởng của việc mất cân đối cung - cầu nhân lực trong thời điểm trung hạn, ngắn hạn.
       Dự báo nhu cầu đào tạo cung cấp thông tin cho đối tượng đào tạo về thị trường lao động, các ngành mà trường đào tạo; phân tích mối quan hệ giữa số lượng, chất lượng nguồn nhân lực với phát triển KT-XH; tác động của chính sách tới phát triển nhân lực, tới lao động việc làm [1]. Đây là cơ sở để các trường đào tạo có kế hoạch trung hạn và dài hạn trong công tác đào tạo nguồn nhân lực Mỹ thuật Công nghiệp, định hướng đối tượng lựa chọn ngành nghề phù hợpHiện nay, các trường xây dựng mối quan hệ tốt với các ban ngành, hiệp hội và các doanh nghiệp tổ chức các hội thảo, tọa đàm nghề nghiệp. Tuy nhiên, thành lập Ban dự báo nhu cầu đào tạo các ngành nghề đào tạo thì còn hiếm hoi. Một số năm gần đây, công tác kiểm định chất lượng đào tạo trên cả nước, đã phần nào thúc đẩy các trường hình thành theo các văn bản chỉ thị, hướng dẫn. Trong bản “Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 -2020” là “Chỉ ra được nhu cầu về số lượng, cơ cấu và trình độ nhân lực, đảm bảo yêu cầu nhân lực thực hiện thành công đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước,...; đồng thời nêu ra các giải pháp phát triển nhân lực, hình thành đội ngũ nhân lực chất lượng cao theo chuẩn khu vực và từng bước tiến tới chuẩn quốc tế”, “Phát triển đồng bộ đội ngũ nhân lực với chất lượng ngày càng cao, đủ mạnh ở mọi lĩnh vực”, “Xây dựng được đội ngũ giáo viên có chất lượng cao để đào tạo nhân lực có trình độ cho đất nước”. Trong tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chính sách đào tạo – phát triển nguồn nhân lực có ảnh hưởng trực tiếp, sâu sắc và được xem như một yếu tố quan trọng hàng đầu [2].
         Có thể thấy, Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào, đang trong thời kỳ nở rộ xu thế thiết kế ứng dụng; chất lượng đang dần được nâng cao; con người thông minh, nắm bắt công việc cũng như các phần mềm, công cụ khoa học kỹ thuật nhanh chóng và cần cù, chịu khó. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến năm 2011 dân số Việt Nam gần đạt ngưỡng 88 triệu người. Với lượng dân số này, hiện nay Việt Nam đang đứng thứ 13 trên thế giới về dân số và thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á. Về lực lượng lao động, tính đến 1/7/2011, cả nước có 51,4 triệu người từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động, chiếm 58,5% tổng dân số. Giá nhân công rẻ tạo cơ hội cho nước ta thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài vào Việt Nam [2].
        Mặt khác, so với mỹ thuật tạo hình, mỹ thuật ứng dụng là một ngành mới, đầy tiềm năng, các hiệp hội nghề nghiệp hiện nay gần như chưa phổ biến, đang “hoạt động” cùng với Mỹ thuật tạo hình (ví dụ, Thiết kế Đồ họa là có chi hội tại các Hội Mỹ thuật các thành phố). Cơ cấu giải thưởng, văn bản công nhận sáng chế chưa đánh giá đúng với giá trị thẩm mỹ mà tác phẩm mang lại từ các cấp ban ngành hay hoạt động triển lãm thưa nhặt, chưa liên kết được nguồn lực dồi dào và phát triển định hướng nghề nghiệp. Có nhiều nguyên nhân, song, đây là một kênh nhận diện vị trí nghề nghiệp trong đào tạo, bảo vệ các sáng tạo và đề ra xu hướng phát triển đáp ứng được nhu cầu về chất lượng. Ví dụ, hiện nay chưa thấy có một hiệp hội nghề nghiệp hay cơ quan nghiên cứu nào phát biểu hay đưa ra kết quả nghiên cứu xác thực về nhu cầu đào tạo Mỹ thuật Công nghiệp chính thức. Và nếu chưa có thì các trường sẽ không có cơ sở đề xuất mục tiêu đầu ra và để xây dựng chương trình đào tạo. Và đặt ngược vấn đề về cho các trường thực hiện thì kết quả vẫn là hình thức, vì tính đối sánh không có thì kết quả tin cậy không cao.
        Có thể thấy, dự báo nhu cầu đào tạo giúp nhà quản lí chủ động trong việc chuẩn bị đầy đủ những điều kiện cần cho quá trình xây dựng kế hoạch và lường trước những khó khăn, rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đào tạo. Dự báo nhu cầu đào tạo giúp trường đại học tăng tính chủ động trong hoạt động quản lí đào tạo nguồn nhân lực Mỹ thuật Công nghiệp.
(Còn tiếp)
 

Tài liệu tham khảo:
[1]     Đỗ Thị Thanh Toàn (2018), Một số vấn đề về dự báo nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực ở các trường đại học địa phương.
[2]        Nguyễn Thế Hiệp, "Chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Việt Nam trong giai đoạn hiện nay"
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Việt Hà
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết