MÔ TẢ VỀ CÁC MÔN NĂNG KHIẾU VẼ THI TUYỂN SINH 2019

Sau đây là những hướng dẫn về môn thi năng khiếu vẽ vào Khoa Tạo dáng Công nghiệp của Trường Đại học Mở Hà Nội. Thí sinh cần lưu ý, thông tin chi tiết như sau
MÔ TẢ VỀ CÁC MÔN NĂNG KHIẾU VẼ
(Dùng cho thi tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2019 vào Khoa Tạo dáng công nghiệp – Trường Đại học Mở Hà Nội)
 
A. MÔ TẢ MÔN HÌNH HỌA
I. GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ HÌNH HỌA 
1. Khái niệm cơ bản về hình họa:
– Hình họa giúp học sinh khả năng quan sát, mô tả đối tượng một cách khách quan thực tế mà mắt ta quan sát được bằng đường nét, mảng miếng, hình khối, sáng tối… để tạo không gian trên mặt phẳng. Không gian trong hình họa có thể là một màu hoặc nhiều màu.
– Hình hoạ là môn vẽ người hoặc vật tương đối kỹ và chính xác, được thể hiện bằng nhiều kỹ thuật và chất liệu khác nhau như chì đen, than, màu bột, sơn dầu…
– Hình họa nhằm rèn luyện khả năng quan sát, vẽ lại đối tượng nhìn thấy. Qua đó rèn luyện khả năng cảm thụ, cảm xúc và thị hiếu thẩm mỹ… về hình, đồng thời giúp người vẽ hiểu được vẻ đẹp của hình khối, đường nét, đậm nhạt trong tự nhiên và mối quan hệ giữa chúng với nhau.
– Có nhiều cách gọi khác nhau về hình họa như: Hình họa, Vẽ theo mẫu, Vẽ tả thực,…
2. Vai trò của hình họa:
– Hình họa là môn học cơ bản của hội họa, có tác động bổ sung, hỗ trợ cho các môn học khác trong ngành Mỹ Thuật như: ký họa, vẽ bố cục, Trang trí, Điêu khắc… cũng như các Ngành Nghệ thuật khác liên quan đến thẩm mỹ  như : Thiết kế Mỹ thuật công nghiệp, Kiến trúc, Điện ảnh, Sân khấu.
– Khả năng vẽ hình họa tốt sẽ giúp năng lực sáng tạo trong tạo dáng thẩm mỹ.
3. Vẽ các khối cơ bản:
– Khối cơ bản là bài học đầu tiên cho môn hình họa. Đó là những khối hình đơn giản, rõ ràng, độ sáng tối mạch lạc giúp người học bước đầu có thể quan sát, phân tích và nắm bắt một cách dễ dàng. Nhưng quan trọng hơn, đây là các khối hình cơ bản; sự khái quát các hình thể của tự nhiên, người, vật… đều xuất phát từ các khối hình này hoặc các khối hình biến dạng của chúng.
– Nghiên cứu các hình khối cơ bản và đồ vật bằng chất liệu chì, nhằm trang bị kiến thức chuyên sâu về cấu tạo hình khối trong tự nhiên, tác động của ánh sáng và quy luật của mắt nhìn để tạo không gian của vật thể trên mặt phẳng, giúp người vẽ nhận thức đúng vai trò và vị trí quan trọng của khối cơ bản, đồ vật trong học tập và sáng tạo nghệ thuật.
4. Yêu cầu của một bài hình họa đạt yêu cầu cao:
Một bài vẽ tốt cần đạt được những yêu cầu sau:
– Bố cục hợp lý: sắp xếp hình vẽ trên tờ giấy hợp lý, cân đối, hài hòa giữa hình với nền, giữa hình với hình.
– Đúng tỷ lệ: Khái quát được hình dáng, đặc điểm của mẫu, tương quan tỷ lệ chung của mẫu đúng. Đồng thời, tỷ lệ của từng vật mẫu, từng bộ phận phù hợp với tổng thể của mẫu. Hình vẽ không bị méo mó, xiêu vẹo. 
– Diễn tả tốt: Đậm nhạt đúng tương quan và không gian thực của mẫu. Diễn tả đậm nhạt tạo được chiều sâu (không gian ảo) của bài vẽ. Thông qua sự diễn tả bài vẽ có thể cảm nhận được chất và màu sắc của vật mẫu.
– Tính bao quát chung: Nét vẽ mạch lạc, thoải mái, không gian sáng tối, đậm nhạt tốt, diễn tả được đặc tính mẫu.
– Giàu chất biểu cảm: là bài vẽ giàu cảm xúc, tính thẩm mỹ cao cho bài hình họa.
Các yêu cầu trong bài vẽ hoà quyện nhau, hỗ trợ cho nhau mà không tách bạch.
II. MÔ TẢ VÀ MINH HỌA ĐỀ THI
– Tên môn thi: Hình họa
– Thời gian thi: 240 phút
– Yêu cầu về quy cách: Khổ giấy A2 (420mm x 594mm)
– Chất liệu thể hiện: bút chì đen
1. Ví dụ về đề thi (đề thi chỉ là ví dụ minh họa):
Với 3 khối cơ bản bao gồm: Khối hình hộp, Khối hình cầu, Khối hình tam giác được sắp xếp theo bố cục sau:  Khối hình hộp nằm chính giữa, Khối hình tam giác nằm chếch 45% bên trái, Khối hình cầu bên phải (có hình hướng dẫn chi tiết kèm theo).
Yêu cầu: Bằng chất liệu chì đen, Anh (Chị) hãy thể hiện các khối hình cơ bản trên trong mối tương quan về hình, khối, tỷ lệ, đậm nhạt và tạo được không gian của mẫu, có chất biểu cảm.
–          Một số bài mẫu vẽ khối cơ bản

 2. Tiêu chí đánh giá và chấm điểm bài thi Hình họa (thang điểm 10)

– Bố cục, tỉ lệ:                                            1,0 điểm
– Dựng hình – khối:                                     4,0 điểm
– Đậm – nhạt (sáng tối):                               3,0 điểm
– Chất biểu cảm, kỹ thuật thể hiện:              2,0 điểm
Tổng điểm:  10,0 điểm
B. MÔ TẢ MÔN BỐ CỤC MÀU
I. GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ BỐ CỤC MÀU
1. Khái niệm cơ bản về Bố cục màu:
– Khả năng khái quát cao về họa tiết cách điệu, sắp xếp họa tiết trong bố cục chặt chẽ
– Sử dụng màu sắc hài hòa cho bài bố cục.
2. Vai trò của bố cục màu:
– Bố cục màu là môn học cơ bản trong nghệ thuật trang trí, giúp sinh viên có cái nhìn sự vật một cách khái quát, cô đọng, hỗ trợ nhiều đến khả năng cách điệu họa tiết, sắp xếp bố cục và phối màu trong các ngành học thiết kế như: Thiết kế đồ họa, Thời trang và Nội thất…
– Khả năng bố cục màu tốt sẽ giúp năng lực sáng tạo trong tạo dáng thẩm mỹ.
3. Họa tiết cách điệu và sắp xếp bố cục:
– Họa tiết cách điệu là yêu cầu đầu tiên cho môn bố cục màu, trước hết ta phải hiểu rõ được khái niệm về ngôn ngữ cách điệu: Tính khái quát, cô đọng và lược giản là cần thiết cho một họa tiết cách điệu.
– Sắp xếp bố cục cũng đóng vai trò quan trọng trong bài bố cục màu, đòi hỏi sinh viên phải bố cục chặt chẽ, các yếu tố chính – phụ phải rõ ràng.
4. Yêu cầu của một bài bố cục màu đạt yêu cầu cao:
Một bài bố cục màu tốt cần đạt được những yêu cầu sau:
– Họa tiết cách điệu dễ đọc, đường nét đơn giản.
– Sắp xếp bố cục hài hòa, cân đối và chặt chẽ.
– Các thành phần chính phải rõ ràng và hài hòa với các thành phần phụ.
– Màu sắc đẹp, diễn tả được không gian của màu sắc, giàu chất biểu cảm có tính thẩm mỹ cao.
II. MÔ TẢ VÀ MINH HỌA ĐỀ THI
– Tên môn thi: Bố cục màu
– Thời gian thi: 240 phút
– Yêu cầu về quy cách: Khổ giấy A2 (420mm x 594mm)
– Chất liệu thể hiện: bột màu
1. Ví dụ về đề thi (đề thi chỉ là ví dụ minh họa):
Anh hay chị sử dụng họa tiết (con vật…) cách điệu, Bố cục tự do (không đăng đối) trong hình (vuông, tròn…) Kích thước (30cm x 30cm…), Hòa sắc tự chọn.
– Một số bài mẫu môn Bố cục màu:

 
2. Tiêu chí đánh giá và chấm điểm bài thi Bố cục màu (thang điểm 10)

– Họa tiết cách điệu:                                    2,0 điểm
– Sắp xếp bố cục:                                        3,0 điểm
– Màu sắc biểu cảm, giàu tính thẩm mỹ:        3,0 điểm
– Chính – phụ rõ ràng:                                   2,0 điểm
Tổng điểm:  10,0 điểm
 
Trên đây là những hướng dẫn về kỳ thi năng khiếu vẽ vào Khoa Tạo dáng Công nghiệp của Trường Đại học Mở Hà Nội.
Thí sinh cần biết thêm thông tin chi tiết, liên hệ các số điện thoại sau :
– Điện thoại Khoa Tạo dáng công nghiệp: 024.35763604, 024.38693786, Email: tdcn@hou.edu.vn
– Điện thoại Phòng Đào tạo : 024.38694821, Email: daotao@hou.edu.vn
– Điện thoại hotline của Hội đồng tuyển sinh : 024.62974545, 024.62974646
 

KHOA TẠO DÁNG CÔNG NGHIỆP – TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỞ HÀ NỘI

 

 
Scroll