Một số vấn đề về thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu

Đăng lúc: Chủ nhật - 24/02/2019 11:22 - Người đăng bài viết: Nguyen Quoc Chinh
.

.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, nền kinh tế nước ta đang mở rộng giao lưu, trao đổi và cạnh tranh để phát triển. Các sản phẩm của thời đại công nghiệp xuất hiện ngày càng nhiều, đa dạng về nội dung và phong phú về hình thức. Chính vì vậy, các đơn vị như doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, trường học… đứng trước việc cạnh tranh gay gắt. Muốn tìm chỗ đứng vững chắc, khẳng định vị thế trên thương trường, họ phải thực hiện chương trình quảng bá thương hiệu, nếu như không muốn nói là phương thức quảng cáo. Mặt khác, nhu cầu và tâm lý người tiêu dùng lại rất chú trọng đến thương hiệu sản phẩm, danh tiếng đơn vị; nó được xem như một kiểm chứng về chất và lượng của sản phẩm để họ yên tâm sử dụng và hãnh diện khi tiếp cận. Tuy nhiên, hiểu thế nào là thương hiệu, hệ thống nhận diện thương hiệu và vai trò, ý nghĩa của nó cũng như yêu cầu của nhà thiết kế đối với hệ thống nhận diện thương hiệu? Qua bài viết này, chúng tôi xin được trình bày chi tiết về những vấn đề nêu trên.
1. Khái niệm thương hiệu, hệ thống nhận diện thương hiệu và vai trò, ý nghĩa của hệ thống nhận diện thương hiệu
- Thương hiệu
Hiện nay, các nhà nghiên cứu thuộc lĩnh vực kinh tế, kiến trúc và văn hóa có nhiều quan điểm, định nghĩa khác nhau về thương hiệu. Có quan điểm thiên đến hình ảnh thương hiệu và có quan điểm chú trọng tới chất lượng sản phẩm, nhưng quy tụ lại thống nhất cho rằng, thương hiệu (Brand) chính là sản phẩm, là đỉnh cao của các sản phẩm: “Sản phẩm là một tập hợp các lợi ích” để những gì đáp ứng nhu cầu cụ thể của con người hay một nhóm người, mà bản thân nhu cầu của con người thì vô cùng đa dạng, từ lý tính đến cảm tính, từ vật chất đến phi vật chất. Một sản phẩm có chất lượng và được người sử dụng tin dùng thì khi đó trở thành thương hiệu. Có thể nói, đỉnh cao của sản phẩm chính là thương hiệu.
- Hệ thống nhận diện thương hiệu
Hệ thống nhận diện thương hiệu (Corporate identity) là tất cả các hình ảnh về tập đoàn, công ty, doanh nghiệp hay về nhận biết sản phẩm trong tâm trí khách hàng, nhà đầu tư, đối tác và nhân viên. Nó là công cụ chính của những người làm truyền thông, marketing cho doanh nghiệp để xây dựng và duy trì bản sắc, tính cách riêng phù hợp với các mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp. 
Hiểu một cách đơn giản nhất, hệ thống nhận diện thương hiệu chính là những gì mà người tiêu dùng nhìn thấy, nghe thấy về thương hiệu ấy trong cuộc sống hàng ngày. Hệ thống nhận diện thương hiệu là công cụ để quảng bá thương hiệu một cách hữu hiệu, nó là một tài sản cần được quan tâm, quản lý và đầu tư một cách sâu rộng và lâu dài. 
Hệ thống nhận diện của một thương hiệu là tất cả các loại hình và cách thức mà thương hiệu có thể tiếp cận với khách hàng như: Logo công ty, khẩu hiệu, danh thiếp, phong bì, túi xách, bao bì, nhãn mác; biển, băng rôn quảng cáo; các mẫu quảng cáo trên Media; các vật phẩm và ấn phẩm hỗ trợ quảng cáo (tờ rơi, poster, catalog, dây cờ, áo, mũ…); các phương tiện vận tải; bảng hiệu công ty; các loại ấn phẩm văn phòng; hệ thống phân phối, chuỗi các cửa hàng và các hình thức PR, sự kiện khác…
Hệ thống nhận diện thương hiệu gồm: nhận diện thương hiệu công ty và nhận diện thương hiệu sản phẩm. Bộ nhận diện này tạo ra sự nhận biết dễ dàng cho khách hàng với thương hiệu. Có thể tồn tại thương hiệu theo nhóm sản phẩm hoặc thương hiệu đơn lẻ cho một sản phẩm nhất định. Khi quảng cáo cho một nhóm sản phẩm hay một sản phẩm đơn lẻ, thương hiệu công ty sẽ được chú ý hơn trên thương trường. Tuy nhiên khách hàng chủ yếu quan tâm đến thương hiệu sản phẩm, mà ít quan tâm tới thương hiệu công ty, vì họ chỉ quan tâm đến sản phẩm dự định mua, khi quan tâm đến công ty nào sản xuất ra sản phẩm đó.
Về bản chất thì hệ thống thương hiệu gồm: Truyền thông tĩnh và truyền thông động. Truyền thông tĩnh gồm các loại tài liệu, ấn phẩm truyền thông, có thể có những thay đổi về mặt nội dung song vẫn giữ nguyên cách thức sắp xếp và bố cục của những nội dung đó. Đặc điểm của các tài liệu, ấn phẩm này là luôn có một khuôn mẫu được thiết kế sẵn. Việc sử dụng các khuôn mẫu này giúp doanh nghiệp, tổ chức tiết kiệm thời gian và ngân sách. Truyền thông động gồm những tài liệu, ấn phẩm luôn thay đổi về nội dung và hình thức. Chúng bao gồm các ấn phẩm quảng cáo, biểu ngữ hay tài liệu truyền thông tại điểm bán hàng, hội thảo, phim truyền hình, banner…. thay đổi theo từng chiến dịch marketing, từng thời điểm và mục đích của doanh nghiệp, tổ chức. Một ấn phẩm, tài liệu truyền thông động nếu có sự đầu tư kỹ lưỡng để đạt mức yêu cầu cao nhất cũng chỉ có thể duy trì được khoảng một hoặc hai năm. Do tính chất của nó, các nhà thiết kế phải có tính nhất quán, linh hoạt, thể hiện tính cách riêng, nắm bắt được mục tiêu chiến lược của thương hiệu.
- Vai trò và ý nghĩa của hệ thống nhận diện thương hiệu
Hiện nay, nhiều công ty, doanh nghiệp, tổ chức… không có hệ thống nhận diện thương hiệu vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên khách hàng sẽ ít có những cảm nhận tích cực và điều đó ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của chính họ. Một thực tế là, hiểu được sự cần thiết và đầu tư được hình ảnh nhận diện tốt, chuyên nghiệp thì phần lớn những công ty đó có sản phẩm và hoạt động kinh doanh tốt hơn so với đối thủ cạnh tranh của họ. Nói như vậy không có nghĩa là đầu tư xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu tốt thì "tự nhiên" sản phẩm sẽ tốt, mà sự đầu tư đó phải mang tính toàn diện, thể hiện tầm nhìn và sự hiểu biết của doanh nghiệp, nói khác đi là, thương hiệu tốt phải đi đôi với sản phẩm tốt. Tâm lý chung của số đông người tiêu dùng đều thông qua hệ thống nhận diện thương hiệu trước khi quyết định mua sản phẩm nào đó.
Mục tiêu của hệ thống nhận diện thương hiệu không chỉ là tạo sự nhận biết, sự khác biệt, tính đặc thù của doanh nghiệp mà còn tác động đến nhận thức về quy mô, tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp đối với khách hàng và công chúng. Ngoài ra, đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, trong hệ thống nhận diện thương hiệu còn có cung cách, thái độ phục vụ khách hàng; quy trình làm việc khoa học mang đậm bản sắc văn hoá của doanh nghiệp đó. Vai trò và ý nghĩa của hệ thống nhận diện thương hiệu có thể tóm lược như sau:
- Giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết và mua đúng sản phẩm: Một hệ thống nhận diện thương hiệu tốt sẽ giới thiệu được một hình ảnh thương hiệu chuyên nghiệp, khác biệt và dễ nhận biết, vì thế nó mang tính thuyết phục và hấp dẫn cao đối với người tiêu dùng, tạo tiền đề cho sự thành công của thương hiệu. Hệ thống nhận diện thương hiệu còn mang đến cho người tiêu dùng những giá trị cảm nhận về mặt lý tính (chất lượng tốt, mẫu mã đẹp…) và cảm tính (chuyên nghiệp, có tính cách, đẳng cấp…), tạo một tâm lý mong muốn được sở hữu sản phẩm.
- Tạo thuận lợi hơn cho nhân viên bán hàng: Sự nhất quán của hệ thống nhận diện thương hiệu và việc sử dụng đồng bộ các phương tiện truyền thông sẽ làm cho mối quan hệ giữa người mua và người bán trở nên dễ dàng, gần gũi hơn. Qua hệ thống nhận diện thương hiệu, người tiêu dùng tin tưởng vào thương hiệu nhờ những giá trị ưu việt của nó nên quyết định mua sản phẩm một cách chủ động và tự tin hơn. Hơn nữa, việc phát triển hệ thống nhận diện thương hiệu đa dạng sẽ giúp khách hàng dễ dàng nhận ra những sản phẩm của thương hiệu đó, làm cho họ nhớ ngay đến khi cần mua.
- Góp phần nâng cao giá trị công ty: Thành công của một thương hiệu là tài sản giá trị của công ty, nó phụ thuộc rất lớn vào việc xây dựng nhận thức cộng đồng, củng cố danh tiếng và tạo dựng những giá trị. Một mặt, hệ thống nhận diện thương hiệu tạo cho cổ đông niềm tin, vì thế dễ dàng gọi vốn đầu tư, nâng cao và duy trì giá cổ phiếu của công ty. Mặt khác, hệ thống nhận diện thương hiệu tốt sẽ nhanh chóng xây dựng hình ảnh thương hiệu tốt thông qua sự tăng trưởng về mặt nhận thức, sự hiểu biết và lòng trung thành của người tiêu dùng đối với thương hiệu, từ đó làm cho giá trị thương hiệu tăng trưởng một cách bền vững.
-  Tạo niềm tự hào cho nhân viên của công ty: Được làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp có thương hiệu nổi tiếng mà nhiều khách hàng muốn sở hữu thông qua hệ thống nhận diện, nhân viên ai cũng cảm thấy tự hào, góp phần tạo động lực, niềm say mê và nhiệt huyết trong công việc, giúp tạo sự gắn bó và lòng trung thành của họ. 
- Tạo lợi thế cạnh tranh: Hồ sơ dự thầu của doanh nghiệp với đầy đủ các yếu tố thương hiệu sẽ tạo được thế mạnh khi thương lượng với nhà cung ứng, nhà phân phối về giá cả, thanh toán, vận tải,… dễ dàng đánh bại các đối thủ cạnh tranh và đi đến thành công.
- Giảm chi phí quảng cáo và khuyến mãi: Hệ thống nhận diện thương hiệu góp phần tạo ấn tượng tốt về sản phẩm, dịch vụ, doanh nghiệp thông qua tính chuyên nghiệp, thống nhất và cộng hưởng, làm cho hình ảnh một thương hiệu ngày thêm lớn mạnh, có giá trị đối với khách hàng và công chúng mà không cần quảng cáo và khuyến mãi nhiều. 
Hệ thống nhận diện thương hiệu có vai trò và ý nghĩa quan trọng như vậy, đã là một trong những động lực để các chủ doanh nghiệp quan tâm, quản lý và đầu tư một cách sâu rộng và lâu dài, nhằm thể hiện những bản sắc riêng của mình: "Chúng tôi là ai?".
2. Thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu
a. Những yêu cầu đối với thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu
Hệ thống nhận diện thương hiệu là tài sản của các doanh nghiệp, tổ chức, là hình thức, công cụ hữu hiệu để quảng bá thương hiệu đến khách hàng. Việc thiết kế phải dựa trên nguyên tắc làm nổi bật được tính cách, bản sắc văn hóa và những giá trị mà doanh nghiệp, tổ chức đặt ra khi thành lập. 
Hệ thống nhận diện thương hiệu cơ bản nhất của một công ty gồm logo và bộ quy chuẩn hướng dẫn sử dụng logo. Những quy chuẩn này quy định màu sắc, font chữ, bố cục logo trong các ứng dụng mỹ thuật. Hệ thống nhận diện thương hiệu thông thường không chỉ giới hạn trong tên thương hiệu và logo mà nó được thể hiện trong nhiều khía cạnh khác như dịch vụ, đào tạo, đóng gói bao bì sản phẩm, quảng cáo, bộ nhận diện văn phòng. Muốn làm được điều đó, yêu cầu đối với người thiết kế nhận diện thương hiệu như sau:
- Thể hiện được tính khác biệt: Ngày nay, sự cạnh tranh trên thị trường ngày càng khắc nghiệt, các thương hiệu cần xác định tính khác biệt rõ ràng và ấn tượng để khách hàng dễ nhận biết và yêu thích.
- Tính liên quan: Khi thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu, cần tìm hiểu và kết nối mối quan tâm của khách hàng, để từ đó đáp ứng nhu cầu, khát vọng của khách hàng một cách tốt nhất.
- Sự gắn kết: Các thương hiệu cần tạo sự gắn kết giữa lời nói và hành động. Tất cả các thông điệp, giao tiếp, truyền thông, các kinh nghiệm, việc cung cấp sản phẩm cần có mối liên quan tạo ra một thể thống nhất có ý nghĩa và tạo ra giá trị thực sự.
- Được ưa chuộng: Một thương hiệu có tính khác biệt nổi bật, sự gắn kết tạo ra giá trị cho chính thương hiệu đó và sẽ được yêu thích là kết quả cuối cùng của sự tôn trọng mà khách hàng dành cho thương hiệu.
b. Quy trình thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu
- Các bước cơ bản xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu
Để có được một thương hiệu hoàn chỉnh, các doanh nghiệp, tổ chức… có thể căn cứ vào những vấn đề đơn giản nhất như đối tượng khách hàng, đặc điểm sản phẩm, mục tiêu phát triển… cho đến những điều phức tạp hơn như sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi… Một hệ thống đồng nhất của thương hiệu (CI) với ba yếu tố cốt lõi là hình tượng, màu sắc và font chữ phối hợp với nhau tạo nên sự hoàn hảo cho thương hiệu.
Quy trình xây dựng và thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu thường được bắt đầu bằng những nghiên cứu khách hàng về: định vị thương hiệu, sản phẩm, khách hàng, … Tạo ra một khái niệm (Concept) đúng từ đó giúp sáng tạo ra những ý tưởng cho thương hiệu. Phần lớn thời gian của một quy trình xây dựng và thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu dựa trên tầm cỡ, sự phức tạp cũng như số lượng những hạng mục thiết kế của dự án. Để xây dựng thành công hệ thống nhận diện thương hiệu, cần tiến hành theo trình tự 6 bước sau:
Bước 1: Nghiên cứu và phân tích (Research & Analysis) gồm: Kiểm tra nội bộ (những thông tin, tài liệu liên quan có ích cho dự án hay những cuộc trao đổi, thảo luận bàn tròn cũng có những giá trị hữu ích cho những nghiên cứu và phân tích ban đầu); Thấu hiểu người tiêu dùng (nghiên cứu vấn đề này sẽ mang lại những kết quả khách quan và đúng đắn nhằm giúp nhà thiết kế và khách hàng tìm được những định hướng, giải pháp và ý tưởng phù hợp với những suy nghĩ, cảm nhận của họ); Đối thủ cạnh tranh (nghiên cứu kỹ lưỡng đối thủ cạnh tranh sẽ giúp nhà thiết kế và khách hàng có định hướng, chiến lược đúng đắn, giúp tạo được sự cách biệt và tách biệt đối thủ).
Bước 2: Chiến lược (Strategy): Đây là bước định vị yếu tố cốt lõi của thương hiệu. Ở bước này, một bản tóm tắt dự án bao gồm những giải pháp, ý tưởng mục tiêu dự án và những kết quả nghiên cứu của nhà thiết kế sẽ được thuyết trình trước khách hàng. Ngoài ra, cần đưa ra hai đến ba định hướng của dự án để khách hàng lựa chọn và định hướng được chọn sẽ là chiến lược chính của dự án.
Bước 3: Thiết kế (Design): Đây là giai đoạn đã quyết định ý tưởng và định hướng chính của dự án và bắt đầu bước vào triển khai các thiết kế cơ bản. Những thiết kế cơ bản hoàn tất sẽ được thuyết trình với khách hàng và được điều chỉnh chọn mẫu thích hợp. Mẫu được chọn là xuất phát điểm cho việc triển khai toàn bộ những hạng mục thiết kế của dự án.
Bước 4: Bảo hộ (Trademark protection): Đăng ký bảo hộ thương hiệu luôn là nhu cầu cần thiết nhằm đảm bảo an toàn cho thương hiệu, tránh sự sao chép, bắt chước từ các đối thủ cạnh tranh. 
Bước 5: Ứng dụng (Application): Sau khi đăng ký bảo hộ thương hiệu, các thiết kế hoàn chỉnh bao gồm kiểu dáng, màu sắc, chất liệu và cả những tham vấn cho khách hàng sẽ đưa vào sản xuất thực tế.
Bước 6: Sản xuất (Implementation): tùy vào thỏa thuận ban đầu giữa khách hàng và nhà thiết kế mà một bản thiết kế có những hướng dẫn ở mức độ khác nhau, nó có thể chỉ là những tư vấn miệng hay những bản hướng dẫn chi tiết cho việc sản xuất dự án. Vai trò của nhà thiết kế trong việc sản xuất dự án rất cần thiết và quan trọng, giúp cho kết quả sản xuất dự án đạt được độ chính xác cao, hạn chế rủi ro hoặc phát sinh. Ngoài ra, kinh nghiệm của nhà thiết kế còn giúp cho khách hàng chọn được những nhà cung ứng có năng lực và tiết kiệm tối đa ngân sách đầu tư.
- Đối với nhà thiết kế, việc xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu được tiến hành theo 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Thiết kế
Phần này không phải từ yêu cầu của khách hàng mà là từ việc tổng hợp các khảo sát thực tiễn tổng hợp những ý kiến xuất phát từ nhu cầu của khách hàng nhà thiết kế tiến hành phân tích và thiết kế logo (sản phẩm đầu tiên trong bộ nhận diện thương hiệu).
+ Thiết kế 10 mẫu logo đen trắng (hoặc màu) cùng với việc đưa ra những câu quảng cáo (slogan). Trình bày để khách hàng lựa chọn một mẫu. Trong trường hợp khách hàng chưa chọn mẫu nào trong lần thiết kế đầu tiên, nhà thiết kế điều chỉnh thực hiện thiết kế lại lần 2, lần 3, mỗi lần với số lượng 05 logo.
+ Mẫu thiết kế được thực hiện kèm theo các định hướng quảng cáo mang tính đồng nhất và đồng bộ sản phẩm.
+ Thời gian thiết kế phải đảm bảo đáp ứng trong khoảng thời gian nhất định theo thỏa thuận giữa hai bên.
Giai đoạn 2: Triển khai thiết kế
+ Cung cấp tài liệu quản trị thương hiệu bao gồm: biểu tượng chuẩn (thành phần cơ bản của biểu tượng, tỉ lệ với bố cục ngang và dọc, kích thước tối thiểu và khoảng trống bắt buộc); thuyết minh ý nghĩa của logo; bảng màu đặc trưng; đồ án thiết kế ứng dụng cơ bản; kiểu chữ đặc trưng, liên kết nhãn hiệu; các quy định bắt buộc. 
+ Xây dựng cẩm nang hướng dẫn sử dụng logo chuyên nghiệp.
Giai đoạn 3: Kết thúc 
Hoàn thiện bàn giao cho khách hàng một hồ sơ gồm có:
+ Một bản logo in màu vi tính trong khổ A4, logo thu nhỏ và mã số màu Pantone.
+ Sách Cẩm nang hướng dẫn sử dụng logo và toàn bộ ấn phẩm gồm 2 bản in đen trắng và 2 bản in màu đóng gáy xoắn.
+ Đĩa CD đuôi JPG, Corel DRAW hoặc Adobe Iilustrator lưu mẫu logo, Cẩm nang hướng dẫn sử dụng logo và toàn bộ ấn phẩm.
+ File thiết kế dạng (*. CDR hoặc *. AI) toàn bộ thiết kế ứng dụng logo cho ấn phẩm của gói nhận diện thương hiệu.
c. Các hạng mục thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu của Marketing Box
1. Bộ thiết kế logo
Logo: 
- Thiết kế logo 
- Logo âm bản – dương bản
- Ý nghĩa logo
- Quy chuẩn thông số màu
- Quy chuẩn logo trên lưới định vị
- Quy chuẩn logo & khoảng trống bắt buộc
- Qua chuẩn logo trên nền màu ưu tiên
- Một số điều nên tránh khi ứng dụng logo
- Bàn giao file thiết kế gốc định dạng Ai, Jpeg, PDF
Font chữ:
- Xây dựng quy chuẩn kiểu chữ chính thức trong các tài liệu truyền thông
- Kiểu chữ phụ trợ
Sáng tác Slogan:
- Đề xuất 10 Slogan phù hợp với ngành nghề kinh doanh và định hướng phát triển của công ty
- Khách hàng lựa chọn 1 phương án cuối cùng để quy chuẩn Slogan
- Giải thích ý nghĩa và tinh thần của Slogan
- Đề xuất font chữ và hướng dẫn sử dụng Slogan
2. Hệ thống tài liệu văn phòng(CI)
- Danh thiếp: Card visit khổ 55x90 cm, thiết kế theo bộ nhận diện
- Phong bì thư: Phong bì lớn A4 kích thước 25x34 cm, phong bì nhỏ A6 kích thươc 12x22 cm
- Tiêu đề thư (letter head): Khổ A4, thiết kế theo bộ nhận diện
- Giấy nhớ: Theo kích thước tiêu chuẩn thông dụng
- Kẹp file tài liệu: Khổ A4 (1 trang A3 gập đôi, có tai cài card visit), 4 trang A4
- Sổ công tác: Sổ bìa da mềm (đề xuất kích thước 15x21 cm)
- Chữ ký điện tử: Chữ ký email, đề xuất font chữ, export ảnh sử dụng trong Microsoft Outlook
- Giấy mời: Bộ giấy mời sử dụng cho những sự kiện với khách hàng
- Giấy chứng nhận: Giấy chứng nhận sử dụng nội bộ, khổ ngang A4
- Thẻ nhân viên: Kích thước 86x54 mm, cài trên áo (thẻ đeo), 2 mặt giống nhau
- Bìa trình ký: Bìa trình ký khổ >A4
- Giấy giới thiệu: Khổ A5 hoặc tương đương
- Tài liệu thuyết trình: Mẫu thuyết trình powerpoint, quy chuẩn font chữ và bố cục thuyết trình template
- Thiếp chúc mừng: Thiếp chúc Tết, chúc mừng nhân dịp lễ hội, sự kiện hoặc sinh nhật
- Lịch treo tường: Loại lịch lò xo khổ 40x60 cm, 7 trang
- Lịch để bàn: Lịch khổ 16x22 cm, 13 trang
- Tài liệu văn phòng: Mẫu hợp đồng, công văn, nghiệm thu, thanh lý, báo giá
- Chứng từ: hóa đơn, phiếu thu, phiếu chi, phiếu xuất kho, phiếu nhập kho, hóa đơn bán lẻ, hoá đơn bán hàng thông thường.
3. Hệ thống biển hiệu và quảng cáo truyền thông
- Biển công ty: biển kích thước lớn, sử dụng ngoài cổng chính
- Biển đại lý: quy chuẩn biển hiệu đại lý, phân phối
- Biển chỉ dẫn: biển chỉ dẫn hệ thống văn phòng, cổng bảo vệ, khu vực nhà máy
- Biển nội quy: biển thông tin về nội quy công ty
- Biển chức danh: biển chức danh đặt trên bàn làm việc
- Thông cáo báo chí: mẫu quy chuẩn thông cáo 
- Biển quảng cáo: Pano tấm lớn trên đường cao tốc quảng cáo sản phẩm và doanh nghiệp
- Phông sự kiện: phông backdrop khổ ngang cho các sự kiện hoặc họp báo
4. Đồng phục
- Đồng phục: Đồng phục nhân viên văn phòng, đồng phục công nhân, đồng phục đội bóng…
- Áo phông: áo phông sử dụng cho các hoạt động tập thể của công ty
5. Hệ thống xúc tiến thương mại 
- Mũ: Mũ lưỡi trai, mũ bảo hiểm
- Áo: Áo mưa
- Vỏ và đĩa CD: Thiết kế vỏ giấy và maket trên đĩa CD
- Túi: Túi quà tặng, túi đựng dữ liệu
- Bút: Bút bi dùng cho các chương trình khuyến mại
- Kỷ vật đặc trưng: cúp
- Ví 
- Chặn giấy
- Móc chìa khóa: Làm tặng phẩm cho khách hàng
- Phương tiện vận chuyển: Ô tô con, xe buýt, xe tải…
6. Hệ thống sản phẩm, bán hàng
- Bao bì: quy chuẩn bố cục nhãn mác trên hệ thống bao bì sản phẩm
- Băng keo: thiết kế trên băng keo cuộn to dán thùng carton và các sản phẩm
- Hộp, thùng đựng sản phẩm: thùng carton (12-14 kg) hình hộp chữ nhật, hoặc vuông
- Poster: poster quảng cáo khổ 40x60 mm 
- Tờ rơi: tờ rơi khổ A5
- Tờ quảng cáo: khổ A4 (ngang, dọc), 1/3 trang đứng
- Catalogue: catalogue sản phẩm, khổ A4, do khách hàng biên tập nội dung phần text và cung cấp hình ảnh của công ty
- Hồ sơ năng lực (Profile): hồ sơ năng lực khổ A4, 24 trang, do khách hàng biên tập nội dung phần text và cung cấp hình ảnh của công ty
- Bảo hành: phiếu bảo hành sản phẩm hoặc dịch vụ
- Tem: mẫu tem sản phẩm
- Brochure: brochure 6 trang, kích thước 11 x 20.5 cm
- Banner: banner dọc, ngang cho Standee.
Cho đến nay, hệ thống nhận diện thương hiệu giữ một vai trò quan trọng đối với sự phát triển tổng thể của thương hiệu, nó cho thấy một sự đầu tư nghiêm túc, chuyên nghiệp, dễ dàng được chấp nhận về mặt nhận thức và nó trở nên một phần của văn hóa doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, trường học… Vì thế, thương hiệu và hệ thống nhận diện thương hiệu luôn được lựa chọn kỹ càng khi thiết kế. Hệ thống nhận diện thương hiệu luôn mang tính đồng bộ, nhất quán về màu sắc, tín hiệu nhận diện, các ấn phẩm văn phòng như: danh thiếp, phong bì, kẹp file… Ngoài ra, một hệ thống nhận diện thương hiệu tốt phải thể hiện được sự khác biệt một cách rõ ràng với những thương hiệu khác dựa trên những yếu tố thiết kế đồ họa, website, bao bì sản phẩm… Sự khác biệt càng rõ ràng thì nhận thức càng cao và thông qua nó người tiêu dùng có sự liên tưởng tức thì đến thương hiệu. 
Trên thế giới, hệ thống nhận diện thương hiệu đã được quan tâm từ lâu và là một phần không thể thiếu đối với các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, trường học… Nhiều thương hiệu lớn có giá trị liên tục xuất hiện trên những tạp chí thương mại và trở thành những bài học xây dựng thương hiệu đắt giá. Một thực tế mà chúng ta phải thừa nhận, đối với những thương hiệu này, hệ thống nhận diện thương hiệu là một tài sản nội tại của thương hiệu, nó góp một phần quan trọng cho cái giá trị tài chính mà thương hiệu đạt được. Ở nước ta, trong vòng 10 năm trở lại đây, các nhà lãnh đạo, các cấp chính quyền nhận thức được vai trò của hệ thống nhận thương hiệu nên đã quan tâm đầu tư nghiêm túc, bài bản và chuyên nghiệp. 
PGS.TS. Nuyễn Lan Hương
 
Tài liệu tham khảo:
1. Mainak (2009), Quản trị thương hiệu 101, Trần Thị Ngân Tuyến dịch, Nxb Trẻ, Tp HCM.
2. Nguyễn Thanh Tân (2007), Hệ thống nhận diện thương hiệu, Brain Mark VietNam xb.
3. Paul Temporal (2008), Quản trị thương hiệu cao cấp từ tầm nhìn chiến lược đến định giá, Nxb Trẻ, Tp HCM.
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết