VAI TRÒ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG ĐÀO TẠO MỸ THUẬT ỨNG DỤNG

Đăng lúc: Chủ nhật - 24/02/2019 11:53 - Người đăng bài viết: Nguyen Quoc Chinh
.

.

Công nghệ thông tin tác động sâu rộng và tất yếu tới mọi lĩnh vực đời sống xã hội và năng lực ứng dụng của nó đã ngày càng trở nên đặc biệt quan trọng đối với lĩnh vực đào tạo mỹ thuật ứng dụng. Song, những ứng dụng phần mềm của công nghệ dù đạt đến độ tinh xảo đến bao nhiêu, mà thiếu vắng những ý tưởng sáng tạo và cảm xúc thẩm mỹ nơi chủ thể sáng tạo là con người - thì vẫn khó trở thành những sản phẩm mỹ thuật ứng dụng có giá trị.
         Phát huy năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, coi đó là phương tiện đặc biệt quan trọng trong chiến lược nâng cao chất lượng đội ngũ hành nghề thiết kế mỹ thuật ứng dụng chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực đào tạo thiết kế mỹ thuật ứng dụng  trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, sẽ chỉ thật sự mang đầy đủ ý nghĩa khi biết kết hợp thành tựu công nghệ thông tin hiện đại, với việc không ngừng nâng cao tính sáng tạo độc đáo từ người thiết kế.
1. Dẫn luận
         Nhìn lại, nếu như Cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên là máy có sức khỏe hơn cơ bắp con người và ngựa, voi”, thì cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai, có “ánh sáng từ điện, có động cơ và tốc độ phát triển đã tăng lên một bậc mới”. Tới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, ta có “máy tính tính toán nhanh, với nhiều ứng dụng công nghệ”. Và… càng nhiều thách thức hơn, khi nhân loại tiến đến cách mạng công nghiệp 4.0, với dự báo sẽ là robot có thể có trí tuệ toàn cầu, lấy kiến thức của tất cả các con robot để ứng xử với con người, vượt xa năng lực con người. Con robot này sẽ chế ra các con  robot khác (1). Theo đó, Internet tiếp tục làm thay đổi mọi thứ, càng đòi hỏi người lao động phải luôn làm mới mình, thành thạo ngoại ngữ, làm chủ công nghệ… để không muốn bị đào thải. Song, trong lĩnh vực  xã  hội - nhân văn, “máy móc không thể  thay con người trong việc lên ý tưởng sáng tạo, đánh giá các hiện tượng xã hội, hoặc tư vấn tâm lý, giải tỏa khúc mắc cho con người”… Tương tự, người máy cũng chỉ thay thế được vị trí thông thường giản đơn như: nhân viên bán hàng, nhân viên vận chuyển… chứ ở cấp quản lý, điều hành, hoạch định chiến lược thì đòi hỏi phải có bộ óc và bàn tay con người điều tiết (2).
2. Vai trò của công nghệ thông tin trong đào tạo Mỹ thuật ứng dụng
         Suốt những thập niên 50, 60, 70 và 80 của thế kỷ trước cho đến  nay, phương thức sáng tác tranh hội họa với các chất liệu phong phú khác nhau (sơn dầu, sơn mài, lụa, bột màu, phấn màu, thuốc nước, mực nho…); điêu khắc: tượng tròn, phù điêu, đồ họa (tranh khắc gỗ, sơn khắc); hội họa hoành tráng…vv… đều hoàn toàn thực hiện bằng tay. Sáng tác Mỹ thuật tạo hình hầu như ít chịu tác động của máy móc công nghiệp và cũng khá chậm khi tiếp thu những ảnh hưởng từ công nghệ hiện đại. Cảm hứng sáng tạo được thật sự coi là cần thiết và quan trọng hơn bất cứ tác động, ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp nào. Trong lĩnh vực dạy nghề, truyền nghề mỹ thuật tạo hình cũng vậy. Với quan niệm truyền đời từ nhiều thế hệ các thầy dạy nghề: tất cả mọi máy móc, thiết bị hiện đại mãi mãi chỉ là phương tiện và chưa bao giờ những thành tựu công nghệ mới như 3D được coi là nghệ thuật. Phương thức thực hiện dạy và học chủ yếu là kỹ năng vẽ bằng tay. Những người thầy mỹ thuật đa phần đồng thời là những nghệ sĩ sáng tác, luôn quan tâm trang bị cho học trò những cảm quan, tư duy thẩm mỹ, kỹ năng quan sát và dùng lối vẽ tay để thể hiện cảm xúc bằng ngôn ngữ tạo hình (đường nét, hình khối, ánh sáng, màu sắc, nhịp điệu, chất liệu, không gian…). Đến giờ, vẫn không nhiều họa sĩ biết tận dụng máy vi tính làm phác thảo tranh từ trong suốt quá trình: tìm ý tưởng bố cục, tìm chọn các hòa sắc nóng lạnh tương đồng, tương phản, tìm  “gam màu” đẹp, cho tác phẩm đang làm.
Khi ngành đào tạo mỹ thuật công nghiệp hình thành và phát triển tại Việt Nam, phương thức thiết kế mỹ thuật công nghiệp vẫn chủ yếu được thể hiện bằng tay. Hầu hết các bản vẽ thiết kế: gốm, sơn mài, thiết kế thủy tinh, thiết kế trang sức, thiết kế trang sức, thiết kế thời trang, thiết kế nội thất, điêu khắc, hội họa hoành tráng, thiết kế đồ chơi… thiết kế đồ họa với các sản phẩm bao bì, bìa sách, áp phích, pano… đều vẽ tay và ngay đến việc kẻ chữ, “bắt góc” cho sắc nét… cũng đều được khéo léo, tinh xảo làm thủ công bằng tay. Đến đầu những thập niên 90, khi máy vi tính đời đầu (với cấu hình 386) và các đĩa mềm dung lượng thấp bắt đầu xuất hiện, thì ảnh hưởng của công nghệ thông tin đối với sáng tác và đào tạo mỹ thuật - mỹ thuật ứng dụng vẫn chưa có gì đáng kể. Ngay trong lĩnh vực tuyên truyền quảng cáo phim, các cụm pano quảng cáo phim ngoài trời, các hình nộm diễn viên chính (được cắt lọng trên chất liệu ván ép và vẽ bằng sơn), các băng rôn quảng cáo tên phim… bày, treo ngoài đường hoặc tại tiền sảnh các rạp chiếu bóng vẫn hầu hết là vẽ bằng tay. Cơ sở đào tạo mỹ thuật công nghiệp vẫn dạy sinh viên “bổ chữ, bắt góc” bằng tay sao cho đảm bảo thật nét, thật “ke cẩm” là đạt yêu cầu.
        Thế nhưng, từ sau năm 2000, tình hình đã từng bước thay đổi và cải thiện rõ rệt. Các thế hệ máy tính mới với nhiều chủng loại được cài đặt các phần mềm ứng dụng đồ họa Corel draw (với những công cụ thiết kế nhanh chóng các kiểu loại, co chữ và các hiệu ứng phong phú) cùng các phần mềm xử lý ảnh Photoshop đã nhanh chóng làm thay nhiều thao tác thủ công truyền thống của giới họa sĩ thiết kế mỹ thuật ứng dụng nói chung và các nhà thiết kế chuyên ngành đồ họa quảng cáo nói riêng. Đối thủ cạnh tranh nặng ký với “công nghệ vẽ tay” lâu đời chính là khi sự ra đời và phát triển khá phổ biến của các chủng loại máy móc thiết bị công nghệ in laze màu, in Hiflex… và mới đây là các thế hệ máy in 3D, đã nâng cao không ngừng chất lượng cho các sản phẩm thiết kế, phục vụ hữu hiệu cho lĩnh vực quảng cáo trong thiết kế mỹ thuật công nghiệp. Khi nhà thiết kế tạo mẫu hoàn chỉnh trên máy tính, xử lý độ phân giải của hình ảnh rồi xuất file hoàn chỉnh là có thể phóng to, thu nhỏ mọi mẫu mã theo ý muốn và có thể in nó trên mọi chất liệu. Những thanh công cụ vờn khối, xử lý nền và hiệu ứng màu nóng / lạnh với hiệu quả thị giác tinh tế với các hiệu ứng kỳ ảo, tinh vi… được cài đặt, mặc định sẵn trong các phần mềm được liên tục cập nhật đã “cướp” hẳn việc làm truyền thống của những họa sĩ chuyên nghiệp đã từng nhiều năm lăn lộn với nghề vẽ pano quảng cáo bằng tay. Nhưng, có một thực tế trớ trêu là nhiều nhà thiết kế tay ngang, tuy thành thạo thao tác các công cụ trên máy, nhưng lại không đạt chuẩn về kiến thức và trình độ mỹ thuật. Trong khi đó, không ít họa sĩ tuy giỏi tay nghề, điêu luyện trong kỹ năng vẽ bằng tay và có “gu” thẩm mỹ tốt, song lại rất bị hạn chế bởi khả năng ngoại ngữ và trình độ, năng lực thao tác công nghệ. Trong cuộc sàng lọc này, để thích nghi và chung sống cùng khoa học công nghệ, nhiều họa sĩ đã cần cù theo học, cố gắng cập nhật, thích nghi và bắt đầu có khả năng sử dụng máy với các tính năng ứng dụng phần mềm. Họ mau chóng trở thành những nhà thiết kế mỹ thuật công nghiệp có uy tín từ lợi thế sẵn có của những người làm mỹ thuật, lại vốn có sẵn trình độ thẩm mỹ, giàu tích lũy vốn sống và năng lực tạo hình, chủ động tìm tòi, sáng tạo, nay biết tận dụng tính năng của máy móc để hoàn thiện, nâng cao giá trị thẩm mỹ cho những mẫu mã thiết kế. Chính đội ngũ nhân lực này mới thực sự  đạt chuẩn và chính  là những chuyên gia thuần thục, đầy đủ năng lực, “buộc” máy móc thiết bị phải “phục vụ” cho những ý tưởng sáng tạo của mình. Trong mỹ thuật ứng dụng, ngành Thiết kế đồ họa sử dụng phần mềm công nghệ thông tin nhiều nhất trong các thao tác chuyên môn. Nhờ ứng dụng hữu hiệu của công nghệ thông tin, ngay trong học phần Nghệ thuật chữ - Dàn trangNhận diện thương hiệu và Quảng cáo, những kỹ năng ứng dụng thuật toán để vẽ các đối tượng hình học cơ bản, sử dụng phần mềm photoshop, corel draw để xử lý hình ảnh, tô màu, thiết kế chữ… Đồng thời khai thác các ứng dụng cho thiết kế Đồ họa 2D với những sản phẩm: logo, bộ ấn phẩm văn phòng, quà tặng, quảng cáo, pano, poster, bruchure, bao bì, lịch, cataloge, thiết kế bìa và  dàn trang sách, báo, tạp chí… Hơn thế  ứng dụng công nghệ thông tin còn cho phép  Thiết kế Web căn bản bao gồm thương mại điện tử, lập trình thương mại điện tử với Asp, sử dụng các ngôn ngữ lập trình căn bản, xây dựng các ứng dụng thương mại điện tử để xây dựng một trang web. Xử lý và liên kết các dữ liệu trong thiết kế web tĩnh và web động. Thực hành sử dụng phần mềm hỗ trợ thiết kế website: Dreamweaver, Flash... Thiết kế website 3D - Engine Web3D được xây dựng trên các nền tảng Famework NET 2.0, Maya, VRay, 3DS Max, Flash .v.v… mang lại cảm giác thực qua sự đa dạng của hình thể); Học phần Minh họa kỹ thuật số cung cấp những kiến thức cơ bản về hình ảnh kỹ thuật số; quy trình vẽ minh họa kỹ thuật số; thao tác và kỹ thuật thể hiện ý tưởng sáng tạo bằng những phần mềm hỗ trợ vẽ kỹ thuật số: Photoshop, CorelPainter; thể nghiệm xử lý các tín hiệu thị giác được số hóa khi vẽ trên máy vi tính: điểm chấm, đường nét, hình mảng, ánh sáng, màu sắc, chất liệu... Ngoài ra, chuyên ngành Thiết kế nội thất cũng rất cần đến vi tính khi muốn vẽ phối cảnh, đồ thức mặt bằng, mặt cắt, mặt nghiêng…; ngành Thiết kế thời trang sử dụng các phần mềm khi tạo mẫu, khung xương khi lập hồ sơ thiết kế, mô tả nhân vật, trang phục, làm Portfolio…; ngành Tạo dáng các sản phẩm công nghiệp càng cần công nghệ thông tin trong việc vận hành, sử dụng máy in 3D để tạo mẫu sản phẩm mẫu có hình khối…
        Khi Mỹ thuật đa phương tiện hình thành và phát triển thì sự kết hợp giữa Công nghệ thông tin và sáng tạo Nghệ thuật càng được nâng tầm hiệu quả cao hơn. Các sản phẩm đồ họa, mỹ thuật, điện ảnh, âm nhạc được thể hiện và sáng tạo bằng các công cụ máy tính hiện đại; Học phần Lập trình tương tác đa phương tiện tạo khả năng kết hợp hiệu quả của hình ảnh, âm thanh trong thiết kế tương tác. Trang bị kiến thức cơ bản về lập trình hướng đối tượng và lập trình tương tác. Thao tác ngôn ngữ lập trình website HTML và Javascript…; Học phần Tương tác Người và Máy tính nhằm nghiên cứu, hoạch định, thiết kế và khai thác sự giao tiếp giữa con người (người dùng) và máy tính. Đây là ngành giao thoa giữa khoa học máy tính, khoa học hành vi, thiết kế, nghiên cứu truyền thông phát huy sự tương tác giữa người với máy tính, và đặc biệt với điện thoại thông minh, máy tính bảng; Học phần Tin học chuyên ngành Nghệ thuật với ứng dụng 3D Studio Max, với mô hình dạng khối, dạng Nurbs các lệnh Boolean; kỹ năng thực hiện các dạng camera sử dụng trong 3D Max để tạo cảnh, hoạt cảnh; ứng dụng Preview Render với các hiệu ứng; tạo bộ động, thiết lập các thông số cho Animation, định dạng file để xuất hoạt hình (Render Animation). Trong quá trình phát triển sản phẩm tương tác, hàng loạt các đồ án thực hành đều nhờ đến công nghệ thông tin: Đồ án phim quảng cáo, phim hoạt hình 2D, 3D, phim ngắn... luôn cần đến kỹ năng Biên tập, dựng phim ảnh Kỹ thuật số  thực hành sử dụng phần mềm Adobe Premiere, tận dụng các phần mềm monitor source, monitor program, timeline; key, effects; Đồ án Phim Quảng cáo hoạt hình 2D, làm hiệu ứng cho TVC cần đến ứng dụng Typography Animation, thiết kế phim hoạt hình 2D thực hành phương pháp xử lý chuyển động dựa trên những tính năng hoạt hình của phần mềm Flash. Xây dựng hoạt hình 2 chiều bằng diễn hoạt lớp hình ảnh trong Flash; Học phần Thiết kế 3D sử dụng kỹ năng thiết kế 3 chiều cơ bản thông qua các mềm hỗ trợ như: 3DS Max, Maya, Zbrush… ;  Học phần Công nghệ Kỹ xảo Đa phương tiện sử dụng  những phần mềm ứng dụng phục vụ cho sự sáng tạo kỳ ảo về hiệu quả hình ảnh mà người làm phim mong muốn thể hiện thông qua khả năng thực hành sử dụng After Effects; tạo composition, các công cụ cơ bản; Lệnh, Scripts các hiệu ứng cơ bản; Key phông, tracking; Maxon Cinema 4D và After Effects…; Học phần Thiết kế nhân vật phương pháp xây dựng nhân vật hoạt hình 2 chiều: phác thảo nhân vật, thể hiện nhân vật trên máy vi tính bằng những phần mềm hỗ trợ: CorelDraw, Illustrator, Photoshop, ứng dụng phần mềm 3D Studio Max tạo dựng và diễn họa bối cảnh về animation; Anmation object; Camera; Đồ án Thiết kế phim hoạt hình 3D thực hành sử dụng phần mềm 3DS MAX, tạo ánh sáng, chất liệu, rendering, xây dựng Model phim trường ảo; Đồ án Phim Quảng cáo  sản xuất phim quảng cáo cụ thể với các thể dạng hoạt hình 2D hoặc 3D, phim chiếu Mapping, sản xuất TVC… (3)
3. Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao: giỏi sáng tạo và thành thạo công nghệ
        Trong những năm gần đây, số lượng thí sinh thi tuyển đầu vào tại nhiều cơ sở đào tạo mỹ thuật ứng dụng đã sút giảm rõ rệt. Dấu hiệu bão hòa đã tới, trong khi có khá nhiều cơ sở đào tạo nhiều năm mải chạy theo số lượng, chậm cải thiện điếu kiện dạy và học từ trang thiết bị, cơ sở vật chất, đến đội ngũ giáo viên yếu và thiếu; nội dung chương trình chậm cải tiến…dẫn đến chất lượng sinh viên ra trường yếu, không đáp ứng được yêu cầu xã hội và đòi hỏi khắt khe của nhà tuyển dụng.
        Điều dễ nhận thấy, “cái gì còn đúng ngày hôm qua có thể sẽ trở nên lỗi thời ngay ngày hôm nay” và “tuổi thọ của nhiều sản phẩm sẽ giảm ít nhất 25%  vì bị nhanh chóng thay thế bởi những sản phẩm mới, ưu việt hơn” (4). Rồi đây, sẽ có những người máy thông minh chỉ trong vài giây là có thể hoàn thành phép giải với hàng tỉ tỉ con số toán học cùng công thức phức tạp; sẽ có những người máy đủ khả năng vẽ sáng tác tranh hội họa theo phong cách hiện thực hoặc trừu tượng hoặc nhiều khuynh hướng thể hiện phong phú khác…, nhưng
      Cái nhưng…” ở đây - chính là thực tế đặc thù đối với lĩnh vực Sáng tạo - Đào tạo Mỹ thuật ứng dụng. Chắc chắn là dù khéo léo, tinh xảo và tinh vi, hoàn hảo đến độ nào chăng nữa, thì máy móc và những ứng dụng phần mềm cũng không thể tạo nên được những tác phẩm thấm đẫm cảm xúc, mặn chát từ những giọt nước mắt và mồ hôi trong lao động sáng tạo mỹ thuật của con người. Những sản phẩm do những “người máy thông minh” mô phỏng, sao chép chính xác từ: bố cục, hình hài, đường nét, hình khối, màu sắc, ánh sáng, nhịp điệu, bút pháp… hệt như những tác phẩm đã có của các nghệ sĩ làm ra, thì cũng mãi mãi chỉ là sản phẩm của công nghệ, máy móc mà thiếu vắng “hơi người”, và chắc không bao giờ có thể so sánh với những giá trị độc đáo từ xúc cảm thẩm mỹ do chính con người thể hiện.
      Theo xác định của tổ chức Liên hiệp quốc thì “Nguồn nhân lực là tất cả những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, năng lực và tính sáng tạo của con người, có quan hệ tới sự phát triển của mỗi cá nhân và của đất nước”(5). Viễn cảnh sẽ đến rất gần, khi nhiều người học sẽ không cần giảng viên mà vẫn có thể tự học từ video clip của những chương trình thông minh. Thêm vào nữa, sẽ có thế hệ người máy thông minh để “đủ đẳng” để dạy dỗ con người, một khi nó được lập trình để hiểu tính cách, sở thích và những gì ta đang có và chỉ ra cách giúp ta học ngày càng nhanh. Tuy nhiên, nếu như trí tuệ nhân tạo có thể làm chủ được những kỹ năng như ngôn ngữ, suy nghĩ và lý trí, thì chắc chắn vẫn khó có thể tạo nên được những giá trị tinh thần của cảm xúc từ trái tim đến trái tim mà chỉ con người với con người mới có thể mang đến được cho nhau!
     Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với công nghệ chế tạo người máy, trí tuệ nhân tạo, sẽ tạo nên nguy cơ sa thải hàng loạt lao động trong tương lai, với những dây chuyền ngành nghề đòi hỏi nhiều lao động chân tay như: gia công may mặc, lắp ráp máy móc... là tác động, ảnh hưởng tất yếu. Khả năng thừa nhân công lao động giản đơn bởi do máy móc thông minh và tự động hóa sẽ làm thay công việc của họ là viễn cảnh không xa và có thể nhìn thấy trước. Thực tiễn này đã và đang đòi hỏi những thay đổi mạnh mẽ, toàn diện cả về tư duy, phương pháp dạy và học, cơ cấu kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ và phát huy ý tưởng sáng tạo. Càng thừa những nhân công như thế, thì thị trường cung ứng nguồn lao động sẽ chắc chắn vẫn thiếu hụt nguồn nhân lực lao động có trình độ cao và kỹ năng chuyên nghiệp, bởi không phải bất cứ lĩnh vực nào người máy cũng có thể chiếm chỗ của con người, vì cho dù máy móc, thiết bị và công nghệ thông tin có hiện đại đến đâu chăng nữa cũng đều do con người làm ra… và trước hay sau vẫn do chính con người điều khiển. Suy cho cùng, máy móc chỉ là phương tiện để phục vụ đắc lực cho mục đích cần đạt tới của con người. Robot, trí tuệ nhân tạo khác với con người ở chỗ cảm xúc và sự sáng tạo. Chính vì thế, cũng cần có thái độ bình tĩnh, tỉnh táo khi hiểu rõ nhóm ngành thiết kế sáng tạo với tính đặc thù riêng - là những ngành nghề đòi hỏi sự trải nghiệm tư duy từ xúc cảm của con người thì robots, không hoàn toàn có thể dễ thay thế, mà trái lại, nó vẫn là công cụ bổ trợ hiệu quả hơn cho hoạt động của chủ thể sáng tạo nghệ thuật là con người.
    Ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng tối đa những lợi thế mà Internet mang lại để tạo nên định chuẩn chất lượng trong lĩnh vực đào tạo mỹ thuật ứng dụng phù hợp với điều kiện Việt Nam. Ngoài những tác động khách quan như điều kiện, không gian, hoàn cảnh, nguồn nhân lực nghệ thuật còn bị chi phối bởi nhiều tác động chủ quan. Làm sao để có nguồn nhân lực lao động nghệ thuật có trình độ cao, giỏi về tư duy sáng tạo và có kỹ năng ứng dụng công nghệ chuyên nghiệp, nếu không sớm đề ra chiến lược đào tạo mới?
4. Lời kết
    Tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức từ thành tựu công nghệ, cần xác định mục tiêu Đào tạo mỹ thuật ứng dụng trong kỷ nguyên kỹ thuật số - đó chính là cần nâng tầm và cải thiện không ngừng về chất đối với lực lượng lao động nghệ thuật được đào tạo có trình độ cao về thẩm mỹ và kỹ năng ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao. Cụ thể là:
    Một là, nhanh chóng chuyển đổi các cơ sở đào tạo mỹ thuật ứng dụng từ biệt lập, manh mún, nặng về số lượng, sang mô hình đào tạo chất lượng cao, trên cơ sở kết nối đào tạo với những trường đào tạo ngành nghề có uy tín trên thế giới và chuyển đổi cách đào tạo mới, làm cho người học chuyển từ thụ động tiếp thu sang chủ động sáng tạo.
     Hai là, cần có sự định hướng, tác động và hỗ trợ  của Nhà nước với thị trường, tạo động lực phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, sử dụng cơ chế thị trường để đánh giá, tuyển chọn, sử dụng và đãi ngộ thỏa đáng và có chính sách đặc biệt đối với những nhà khoa học đầu ngành.
     Ba là, cần có chính sách hỗ trợ hình thành và phát triển các “vườn ươm khởi nghiệp”, đổi mới sáng tạo trong các trường đại học đào tạo về công nghệ, trước mắt ưu tiên đối với các lĩnh vực nước ta có thế mạnh, như công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa, công nghệ sinh học và từ đó tác động đến khối ngành đào tạo nghệ thuật trong đó có đào tạo mỹ thuật ứng dụng./.
 
Tác giả bài viết: TS. Đỗ Lệnh Hùng Tú
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết