"NIỆM" NƠI HỘI TỤ CỦA NHỮNG ANH TÀI

Đăng lúc: Chủ nhật - 02/06/2019 21:43 - Người đăng bài viết: Nguyen Quoc Chinh
.

.

Vừa qua, ngày 30/5/19, tại Bảo tàng Hà Nội đã diễn ra triển lãm đương đại với hơn 200 tác phẩm với các chất liệu sơn mài, sơn khắc, đá quý với các kích thước khác nhau của 4 cây đại thụ trong làng hội họa Việt Nam: Họa sĩ Ngô Xuân Bính, Họa sĩ Lê Văn Thìn, họa sĩ Đặng Tin Tưởng, họa sĩ Đào Trọng Cường.
            Triển lãm được sự bảo trợ của Vụ Ngoại giao Văn hóa và Unesco, Bộ Ngoại giao, Khoa Tao dáng Công nghiệp Trường Đại học Mở Hà Nội cũng rất vinh dự được tham gia hỗ trợ BTC trong công tác chuẩn bi cùng tác giả giảng viên của khoa. Với hơn hai trăm bức tranh thuộc thể loại sơn mài, khắc gỗ, đá quý, tranh kết hợp, các họa sĩ đã mang đến cho công chúng một món ăn tinh thần đậm giá trị văn hóa truyền thống, nhưng vô cùng mới lạ cả về ý tưởng, bút pháp cho đến nghệ thuật tạo hình trên các chất liệu từ cổ điển đến hiện đại.
            Phát biểu tại lễ khai mạc, hoạ sỹ Ngô Xuân Bính cho biết: Ông và các đồng nghiệp Lê Văn Thìn, Đặng Tin Tưởng và Đào Trọng Cường đã chuẩn bị gần 2 năm cho buổi triển lãm này. Những tác phẩm được trưng bày hôm nay là tâm huyết sáng tạo đặc biệt hướng về cội nguồn, “Niệm” về quê hương đất nước. Do đó, triển lãm nghệ thuật đương đại “Niệm” mang đến cái nhìn khác lạ về hội hoạ, nơi mà nghệ thuật sáng tạo được đẩy lên cao trào, trong đó “nét chung ở các tác phẩm là sự hướng thiện thể hiện trong những nét vẽ miên man, huyền diệu, cảm xúc sáng tạo trào dâng, cảm hứng vô thức khoáng đạt”. Niệm giống như đang thực hành nhuần nhuyễn các kỹ năng đỉnh cao của hội họa, phát triển sự sâu sắc và uyển chuyển đến giới hạn cao nhất để đưa thế giới nội tâm đa màu sắc vào từng nét vẽ.
            Họa sĩ Ngô Xuân Bính là “Thành viên Danh dự” của Viện Hàn lâm Nghệ thuật tạo hình Liên bang Nga. Lần thứ hai triển lãm tranh tại Hà Nội, Ngô Xuân Bính vẫn miệt mài với thể loại tranh sơn mài, nhưng lần này ông mang đến một sự sáng tạo mới gây ấn tượng mạnh với người xem bởi dám vượt lên mọi chất liệu đơn thuần và làm mới những giá trị cổ truyền theo hướng đồng điệu, tích cực và đầy triết lý nhân sinh. 
            Họa sĩ Lê Văn Thìn với sở trường là những bức sơn mài trắng độc đáo, nội dung sáng tạo biến hóa muôn hình muôn vẻ, đã mang đến triển lãm những tác phẩm để đời với hồn xưa trong nghệ thuật đương đại.
            Họa sĩ Đặng Tin Tưởng gây chú ý cho người xem bởi sự phong phú về bút pháp và khả năng thay đổi bố cục một cách thông minh, hợp lý với nhiều tác phẩm đồ sộ về các danh thắng, kiến trúc cổ. Tại triển lãm lần này, ông đã chứng minh khả năng diễn đạt những tinh thần mới của một trong những chất liệu cổ xưa nhất của người Á Đông.
            Và không thể không kể đến điểm nhấn trong “Niệm” còn có thêm một chất liệu đá quý của hoạ sĩ, nghệ nhân quốc gia Đào Trọng Cường. Các tác phẩm của ông không những là sự chắt chiu của hành trình đam mê khám phá cái đẹp từ ngọc và đá, mà còn chứa đựng cả niềm đau, hạnh phúc cuộc đời. Với lối đi riêng của mình, tranh của nghệ nhân Đào Trọng Cường là sự kết tinh của cảm xúc thăng hoa và tinh túy của thiên nhiên. Đã thực sự khiến cho buổi triển lãm trở nên sống động, nhiều màu sắc. Những tác phẩm được trưng bày tại triển lãm là sự kết hợp hai lối vẽ "âm", "dương" trên mặt tranh tạo nên những hiệu ứng tương hỗ, khiến lối vẽ "âm" thêm lung linh, bí ẩn những lớp màu với chiều sâu ẩn hiện và cách vẽ "dương" thêm mạnh mẽ, tươi sáng, màu sắc như được dồn nén, tạo sự hài hòa mới cho sơn mài.
        Họa sỹ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam khẳng định: “Trong thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến một bước phát triển của nghệ thuật đương đại, chứng kiến một quy trình không mệt mỏi của các tác giả trên từng tác phẩm của họ. Và tôi nghĩ hôm nay với một khối lượng lớn tác phẩm, họa sỹ Ngô Xuân Bính và Lê Văn Thìn sẽ mang đến diện mạo mới, ngôn ngữ khác, thay đổi cả về chất liệu với những đột phá mới”.
         Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cũng bày tỏ, ngoại giao văn hóa có tác dụng to lớn trong việc xây dựng lòng tin, làm sâu sắc và thắt chặt hơn quan hệ giữa các quốc gia. Ngoại giao văn hóa là nhiệm vụ chung không chỉ của các tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước mà cả các doanh nghiệp, các địa phương, mọi người dân Việt Nam và kiều bào ta ở nước ngoài dưới sự quản lý thống nhất của Nhà nước.
          Triển lãm “Niệm” diễn ra bắt đầu từ ngày 30-5 và kéo dài hai tháng tại Bảo tàng Hà Nội (Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, TP Hà Nội).
Một số hình ảnh của buổi triển lãm:
 
HS. Ngô Xuân Bình tại triển lãm

PGS.TS Nguyễn Mai Hương - Chủ tịch Hội đồng Trường và PGS.TS. Nguyễn Lan Hương - Trưởng khoa Tạo dáng Công nghiệp tặng hoa chúc mừng bốn họa sỹ

Giảng viên, Họa sỹ Lê Văn Thìn chụp ảnh lưu niệm cùng PGS.TS Nguyễn Mai Hương và đồng nghiệp bên tác phẩm của mình trưng bày tại triển lãm

 
Tác giả bài viết: Điền Hoa Hồng
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết