MÔ TẢ VỀ MÔN NĂNG KHIẾU VẼ - HÌNH HỌA THI TUYỂN SINH 2021

.

.

Sau đây là những hướng dẫn về môn thi năng khiếu vẽ - Hình họa vào Khoa Tạo dáng Công nghiệp của Trường Đại học Mở Hà Nội. Thí sinh cần lưu ý, thông tin chi tiết như sau
MÔ TẢ VỀ MÔN NĂNG KHIẾU VẼ - HÌNH HỌA
(Dùng cho thi tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2021 vào Khoa Tạo dáng công nghiệp – Trường Đại học Mở Hà Nội)

I. GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ HÌNH HỌA 
1. Khái niệm cơ bản về hình họa:
- Hình họa là phương pháp dựng hình để mô tả đối tượng khách quan có thực mà mắt ta quan sát được bằng đường nét, mảng, hình khối, sáng tối… để tạo không gian trên mặt phẳng. Không gian trong Hình họa có thể là một màu hoặc nhiều màu.
- Hình họa nhằm rèn luyện khả năng quan sát, vẽ lại đối tượng nhìn thấy. Qua đó rèn luyện khả năng cảm thụ, cảm xúc và thị hiếu thẩm mỹ về hình, đồng thời giúp người vẽ hiểu được vẻ đẹp của hình khối, đường nét, đậm nhạt trong tự nhiên và mối quan hệ giữa chúng với nhau.
- Có nhiều cách gọi khác nhau về hình họa như: Hình họa, Vẽ mỹ thuật, Vẽ theo mẫu,…
2. Vai trò của Hình họa:
- Hình họa là môn học cơ bản của hội họa, là cánh cửa đầu tiên để người học vẽ nghiên cứu và khám phá thực tế, giúp người học rèn luyện khả năng cảm thụ, cảm xúc và thị hiếu thẩm mỹ. Hình họa có tác động bổ sung, hỗ trợ cho các môn học khác trong ngành Mỹ Thuật như: ký họa, vẽ bố cục, Trang trí, Điêu khắc… cũng như các Ngành Nghệ thuật khác liên quan đến thẩm mỹ như: Mỹ thuật ứng dụng, Kiến trúc, Điện ảnh, Sân khấu...
- Khả năng vẽ Hình họa tốt sẽ giúp phát huy năng lực sáng tạo trong tạo dáng thẩm mỹ.
3. Vẽ các khối cơ bản:
- Nếu Hình họa là môn học có vai trò quan trọng trong học tập và sáng tác mỹ thuật thì khối cơ bản lại chiếm vị trí đầu tiên và không thể thiếu của môn Hình họa. Đó là những khối hình đơn giản, rõ ràng, độ sáng tối mạch lạc giúp người học bước đầu có thể quan sát, phân tích và nắm bắt một cách dễ dàng. 
- Nghiên cứu các hình khối cơ bản và đồ vật bằng chất liệu chì, nhằm trang bị kiến thức chuyên sâu về cấu tạo hình khối trong tự nhiên, tác động của ánh sáng và quy luật của mắt nhìn để tạo không gian của vật thể trên mặt phẳng, giúp người vẽ nhận thức đúng vai trò và vị trí quan trọng của khối cơ bản, đồ vật trong học tập và sáng tạo nghệ thuật.
 
II. MÔ TẢ VÀ MINH HỌA ĐỀ THI
1. Mô tả về đề thi 
- Tên môn thi: Hình họa 
- Thời gian thi: 240 phút
- Yêu cầu về quy cách: Khổ giấy A2 (420mm x 594mm)
- Chất liệu thể hiện: bút chì đen
Một số ảnh minh họa bài vẽ khối cơ bản trong môn thi Hình họa
 












 
2. Tiêu chí đánh giá và chấm điểm bài thi (thang điểm 10)
A. Bố cục, tỉ lệ: 2,0 điểm 
- Sắp đặt mẫu phù hợp khổ giấy thi 
- Tỉ lệ của các vật mẫu đúng với thực tế 
B. Dựng hình và khối: 3,0 điểm 
- Hình vẽ đúng, trung thực với mẫu, 
- Khái quát được hình dáng, đặc điểm của mẫu
- Nét, mảng, hình khối gắn kết hài hòa
C. Diễn tả không gian: 3,0 điểm
- Đậm nhạt, sáng tối trên từng vật mẫu
- Diễn tả đậm nhạt tạo chiều sâu 
- Phân mảng sáng tối và độ chuyển tiếp giữa các sắc độ đậm nhạt 
D. Kỹ thuật thể hiện: 2,0 điểm
- Thể hiện được chất liệu của vật mẫu
- Kỹ thuật sử dụng bút pháp diễn tả hình khối, nét, mảng
Tổng điểm:  10,0 điểm
 
TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỞ HÀ NỘI