MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ DỰ BÁO NHU CẦU ĐÀO TẠO NGÀNH MỸ THUẬT CÔNG NGHIỆP GẮN VỚI THỰC TIỄN XÃ HỘI Ở CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC HIỆN NAY (tiếp)

.

.

Nhu cầu đào tạo là cơ sở khoa học cho việc định hướng xây dựng chiến lược, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội, kết nối cung - cầu nguồn lực lao động.
          Những yếu tố tác động đến dự báo cung - cầu đào tạo ngành Mỹ thuật Công nghiệp
          Xác định yếu tố nội tại của dự báo cung - cầu đào tạo có tác động đến quy mô, cơ cấu, trình độ, chất lượng và xu hướng Mỹ thuật Công nghiệp hiện nay.
         Dự báo cung đào tạo ngành Mỹ thuật Công nghiệp
        Chất lượng nguồn nhân lực “designer” Việt Nam hiện nay so sánh tương quan với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới được đánh giá cao về năng lực chuyên môn. Những chuyên gia nhận định, nguồn nhân lực nước ta vẫn chưa được quan tâm đúng mức và còn tồn tại nhiều hạn chế, không phải về năng lực sáng tạo mà về sự thích ứng môi trường chuyên nghiệp.
        Chắc chắn rằng, năng lực ngành Mỹ thuật Công nghiệp hội nhập từ đào tạo cần ‘sắc nét’, tạo sự khác biệt. Điều này liên quan trực tiếp đến chương trình đào tạo, cần liệt kê ma trận năng lực, xác định tỷ trọng cho các năng lực chuyên sâu, năng lực bổ trợ và năng lực cơ bản như thế nào trong từng môn học, theo lộ trình đào tạo. Công thức “pha” ra sao còn do nhà trường muốn nấu ‘món gì”, cho ai. Tuy nhiên, đã là nghề thì cần chú trọng đến tính đặc thù, để sinh viên còn linh động với sự biến thiên của ngành trong tương lai. Để có thể liệt kê được ma trận năng lực, cần thiết mô tả đối tượng nghề nghiệp, hay nói cách khác “phác họa chân dung” nghề nghiệp ngành Mỹ thuật Công nghiệp, bao gồm các đặc tính cốt lõi sau:
       Tính sáng tạo, đặc thù công việc Mỹ thuật Công nghiệp là các sáng tạo nghệ thuật có mục đích ứng dụng, không chỉ là thẩm mỹ đơn thuần mà có đối tượng, mục tiêu thiết kế cụ thể. Mỗi ngành thiết kế Mỹ thuật Công nghiệp sẽ có cách tư duy sáng tạo nghệ thuật riêng, nhưng đều xây dựng trên cơ sở tư duy hình ảnh. Hoạt động sáng tạo nghệ thuật mang tính động rất cao, luôn biến đổi và phát triển không ngừng tạo nên những trào lưu thiết kế của từng thời đại, hình thành xu hướng thẩm mỹ định hướng xã hội. Nội dung công việc liên quan đến nhiều đối tượng, thành phần khác nhau. Kết quả công việc luôn chịu sự tác động của hiệu quả tài chính trong kinh doanh nên tính thực dụng cao. Điều đó cũng chi phối phần nào các mối quan hệ thẩm mỹ nghệ thuật và tính công năng trong tác phẩm.
      Tính liên ngành, mục đích thiết kế phải thỏa mãn được nhiều yếu tố nghệ thuật, văn hóa, kinh tế, xã hội,... (về đối tượng, khách hàng, chiến lược, vật liệu, kỹ thuật,...); Ranh giới các ngành nghệ thuật hiện đang đan xen, bổ trợ lẫn nhau hình thành ý tưởng kết hợp,... Do đó, đòi hỏi sự phối - kết hợp cao, sâu và rộng mang tính đồng bộ, hiệu quả trong hình thức thiết kế và mục tiêu truyền thông,... Do vậy, đòi hỏi cần am hiểu về truyền thông tiếp thị, xu hướng nghệ thuật, giá trị văn hóa,... để vận dụng hiệu quả cho công việc chuyên môn.
      Tính tổng hợp, kế thừa những kết quả thành tựu công nghệ, nghiên cứu chiến lược, đến kinh nghiệm của từ quy chuẩn thiết kế của thương hiệu, những hoạt động kinh doanh đã và đang hoàn thành; hoặc trong nhóm thiết kế, tổ chức hiết kế và chủ đầu tư,... Công việc sáng tạo thiết kế theo quy trình nghiêm ngặt, tương tác, “va đập” cùng tập thể để tạo ra thiết kế hiệu quả. Do vậy, đòi hỏi cần những kỹ năng cho công việc chuyên môn như làm việc nhóm, lập kế hoạch và giao tiếp nắm bắt tâm lý, nhu cầu công việc thiết kế hiệu quả.v.v…
       Tính chuyên nghiệp, linh hoạt, trong một số lĩnh vực cao đòi hỏi tính chính xác, cụ thể, khách quan, khoa học. Ví dụ, thiết kế công nghiệp phải đảm bảo tính chính xác nhưng linh hoạt, thích ứng cao và luôn bám sát thực tế. Designer vừa phải làm việc tương tác với nhóm vừa phải có khả năng làm việc độc lập trong một số công đoạn của quy trình. Áp lực công việc cao bởi thiết kế sáng tạo theo mục đích, yêu cầu cho số đông khách hàng. Bên cạnh đó, yếu tố đạo đức nghề nghiệp cũng thể hiện tính chuyên nghiệp của designer; hiểu và tuân thủ luật quảng cáo, luật sở hữu trí tuệ và những thông lệ trong nước và quốc tế, lề luật của các phương tiện, kỹ thuật, kênh quảng cáo,… Đào tạo, dù cho bất kế như thế nào thì nền tảng vẫn là quan tâm đến văn hóa, đạo đức nghề nghiệp trong toàn bộ quá trình giáo dục nhận thức con người. Chú ý về tính tự giác, tự thân trong học tập,  tạo động lực thúc đẩy, quyết tâm cho sinh viên.
        Tính luân chuyển, nhanh chóng, kịp thời: xu thế luân chuyển giữa các mảng ngành diễn ra nhanh chóng, công nghệ thay đổi vị trí, nhiệm vụ của một số mảng ngành thiết kế và một số mảng ngành phát sinh, chuyển biến hình thức hoạt động. Ví dụ, thiết kế đồ họa in ấn hiện nay đang bão hòa, thay vào đó là mảng multimedia với xu hướng thiết kế đồ họa kỹ thuật số đang chiếm ưu thế; hoặc, TVC - quảng cáo truyền hình đang dần chuyển dịch thành media social với các video clip tinh giản và đa dạng trên ứng dụng công nghệ số,… Do đó, trong hoạt động thiết kế luôn đòi hỏi và đặt ra yêu cầu designer ngày càng cao về kiến thức chuyên môn vững vàng, đáp ứng hiệu quả công việc, vị trí khác nhau (trực tiếp hay gián tiếp) trong ngành thiết kế. Thành thạo kỹ năng phần mềm và am hiểu các mảng thiết kế liên quan.
Việt Nam hiện nay đang hình thành hai loại hình nhân lực ngành Mỹ thuật Công nghiệp: nhân lực phổ thông và nhân lực chất lượng cao. Nhưng chưa được quy hoạch, khai thác đúng mức dẫn đến tình trạng mâu thuẫn giữa lượng và chất.
        Yếu tố tác động đến dự báo cầu đào tạo ngành Mỹ thuật Công nghiệp
       Trên cơ sở xác định những yếu tố tác động đến “cung” đào tạo Mỹ thuật công nghiệp, định hình được các phương pháp, quy trình dự báo và đề xuất các giải pháp tăng cường các điều kiện để thực hiện dự báo thì kết quả dự báo nhu cầu nhân lực có độ tin cậy cao cho hoạch định chính sách đào tạo đại học. Về cơ bản có 3 yếu tố chính, đó là: nền kinh tế thị trường, xã hội hiện đại và công nghệ kỹ thuật tiến bộ. Phân tích nhu cầu đào tạo là một quá trình mang tính hệ thống nhằm xác định và xếp thứ tự các mục tiêu, định lượng các nhu cầu và quyết định các mức độ ưu tiên cho các quyết định trong lĩnh vực đào tạo. Tuy nhiên, giới hạn bài viết chỉ nêu sự tác động trực diện của các yếu tố trong quá trình xác định nhu cầu đào tạo ngành Mỹ thuật công nghiệp.
         Nền kinh tế thị trường tác động đến nhu cầu đào tạo nhân lực Mỹ thuật Công nghiệp
       Công tác đào tạo nhân lực phải giúp ích cho việc thực hiện mục tiêu của doanh nghiệp hiện tại và tương lai, hay nói một cách khác là giảm khoảng cách sự khác biệt giữa mục tiêu của doanh nghiệp với mục tiêu của việc đào tạo nhân lực Mỹ thuật Công nghiệp. Chính vì vậy nhu cầu đào tạo sinh viên được xem xét bắt đầu từ nhu cầu của chính thị trường công việc (phân khúc mục tiêu). Muốn vậy cơ sở đào tạo phải đánh giá thị trường nào, họ đang cần gì:
Năng lực đào tạo Mỹ thuật Công nghiệp có khả năng đáp ứng phân khúc nào của thị trường?
Nhóm ngành Mỹ thuật Công nghiệp về cơ bản có sự tương đồng, nhưng nhu cầu đào tạo của mỗi ngành thiết kế có những điểm khác biệt do tiềm năng và hoài bão phát triển kinh tế của chúng không giống nhau. Ví dụ, ngành Thiết kế Công nghiệp, sinh viên ra trường tập trung làm trong mảng thiết kế sản phẩm nội thất hoặc quà tặng, ngành sản phẩm công nghiệp Việt Nam hiện đang dừng lại mức lắp ráp nên chưa thể tập trung thiết kế phương tiện máy bay hay ô tô, máy bay được. Do vậy, các hoạt động đào tạo phải hướng tới việc thiết kế chương trình sao cho đáp ứng được yêu cầu của thị trường mục tiêu. Không có bất kỳ chương trình hay phương thức nào phù hợp với mọi nhu cầu. Các chương trình đào tạo được chọn lựa trên cơ sở dung hoà mong muốn các bên liên quan (của cơ sở đào tạo với mục tiêu của thị trường kinh tế). Trong đó, hiệu quả kinh tế được đưa ra làm tiêu chí ảnh hưởng có tính quyết định “đầu ra sản phẩm” đào tạo.
       Thách thức của môi trường kinh doanh đặt ra cho đào tạo Mỹ thuật Công nghiệp (trong ngắn hạn và dài hạn) là gì? Và ngược lại?
      Cơ sở đào tạo ngoài nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu thực tiễn còn xây dựng tầm nhìn và sự mệnh định hướng xã hội. Đây là chức năng thể hiện rõ vai trò đào tạo. Do vậy, cần phân tích “khách hàng tiềm năng” để có định hướng đào tạo phù hợp, lâu dài, ổn định và phát triển. Phân tích mục tiêu, kế hoạch, chiến lược, chỉ số hiệu quả về mặt tổ chức cho biết định hướng phát triển của doanh nghiệp. Kế hoạch hóa nguồn nhân lực là quá trình xác định các nhu cầu về nhân lực của ngành nghề của các cơ sở đào tạo một cách có hệ thống để phục vụ các mục tiêu của thành phố, quốc gia,… Tránh kiểu “bỏ gốc” “lấy ngọn” để thay đổi chương trình theo mục đích ngắn hạn của thị trường, mất đi tính vững bền và khác biệt trong đào tạo ngành.
       Xu thế hội nhập tác động đến nhu cầu đào tạo nhân lực Mỹ thuật Công nghiệp
      Hiện nay, có rất nhiều đề án, hội thảo về vấn đề hội nhập và thậm chí kế hoạch hành động nhưng chưa thực sự đi vào thực tế. Hay nói đúng hơn, cái tác dụng, tác động hay áp lực hội nhập - kinh tế - thị trường chưa cảm nhận được từ sinh viên, ngay cả giảng viên nên còn khó khăn trong cải tiến chương trình. Có lẽ, khi nào những vấn đề đó tác động trực tiếp đến lợi chính thì họ mới cảm nhận và quan tâm, đầu tư nhiều và chịu hành động một cách tự giác.
       Nhu cầu xã hội, cần tuân thủ theo những quy luật cơ bản của kinh tế thị trường như quy luật giá trị, quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh... Để có thể đáp ứng được nhu cầu xã hội với chất lượng trong cạnh tranh đào tạo nguồn nhân lực; góp phần làm giảm sự chênh lệch giữa cung và cầu nhân lực, đặc biệt là về nhân lực chất lượng cao. Theo ông, Hoàng Việt Hà - COO FPT, sự phát triển với tốc độ nhanh chóng của các doanh nghiệp đã và đang đặt ra vấn đề thu hút và tuyển dụng nhân sự. Trong đó, nguồn nhân sự có chất lượng tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo là quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và phát triển thương hiệu. Sự cạnh tranh gay gắt về nguồn nhân lực sẽ xảy ra trong một số lĩnh vực công nghệ đang bắt đầu được ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn.
Bên cạnh đó, “văn hóa làm việc” cũng đang thay đổi dần trong thế hệ designer trẻ hiện nay
      Giới designer thường không gắn kết với nghề lâu tại một vị trí / công việc / doanh nghiệp. Hiện nay, tỷ lệ nghỉ việc, nhảy việc hằng năm đang là mối lo ngại lớn cho các công ty lớn. Nguyên nhân rất đa dạng. Ví dụ, xu hướng làm “chủ” chứ không phải làm “thợ”. Phần lớn, designer họ thường muốn làm tự do, riêng lẻ kiểu “freelancer”, thậm chí, các designer có kinh nghiệm và vị trí cũng không còn muốn làm “sếp” suốt đời trong các công ty lớn, mà muốn làm “chủ” ở những công ty nhỏ và năng động, sở hữu công nghệ và phương thức kinh doanh mới. Tạo ra mạng lưới, môi trường “startup” sôi động bên cạnh các tập đoàn lớn, các công ty quảng cáo. Các công ty không chuyển đổi kịp theo xu hướng này thường sẽ mất nhân sự chất lượng cao và chỉ còn lại bộ máy trì trệ và không chịu thay đổi.  Hay sự cạnh tranh về mức thu nhập, môi trường làm việc, ví dụ từ “offline” sang “online”, có thể làm “any where”  (bất cứ chỗ nào) hoặc “any time” (bất cứ lúc nào) hoặc làm việc cho nhiều công ty một lúc và điều này các doanh nghiệp lớn, truyền thống không muốn chấp nhận [3].       
     Các tập đoàn quảng cáo, thương hiệu lớn hiện nay cũng đang tìm đối tác thời vụ “supplier” (nhà cung cấp). Trong một dự án, khâu thiết kế, cần đến nhân lực thì họ “chuyển” ra cho các mạng lưới freelancer, các công ty thiết kế nhỏ với mức chi phí cạnh tranh.
       Nhu cầu đào tạo nhân lực Mỹ thuật Công nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 
      Đào tạo nguồn nhân lực trước sức mạnh của công nghệ thông tin, không thể có gì đào tạo nấy mà cần có mục tiêu, xây dựng lộ trình chuẩn bị cho nhân lực đáp ứng được nhu cầu hội nhập hiện nay và thời gian tới, không chỉ thị trưởng trong nước mà còn thị trường quốc tế.
       Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 22/7/2011của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 trong đó chỉ rõ mục tiêu tổng quát: “Chỉ ra được nhu cầu về số lượng, cơ cấu và trình độ nhân lực, đảm bảo yêu cầu nhân lực thực hiện thành công đường lối CNH, HĐH đất nước,...; đồng thời nêu ra các giải pháp phát triển nhân lực, hình thành nhân lực chất lượng cao theo chuẩn khu vực và từng bước tiến tới chuẩn quốc tế” [4].
      “Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 dù đang ở giai đoạn đầu đã thực sự lan tỏa và bùng nổ trên khắp các quốc gia và nền kinh tế. Ở thế kỷ 21, nền sản xuất của con người đạt đỉnh cao của sự thông minh, với các ứng dụng kỹ thuật sáng tạo không ngừng, với nền tảng công nghệ số, với mạng lưới Internet của vạn vật và trí tuệ nhân tạo... Nguồn nhân lực cho kỷ nguyên số trở thành một yêu cầu cấp thiết của mọi quốc gia, dù là nước phát triển hay đang phát triển đều đang đối mặt những thách thức trong việc đáp ứng nhu cầu nhân lực của nền kinh tế kỹ thuật số với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Theo ông Tạ Ngọc Cầu, lợi thế rất lớn của các trường Đại học Việt Nam ít nhiều là vì đi sau, có thể tiếp thu các trường hàng đầu trên thế giới. “Tôi cho rằng, nhà trường, các trường đại học có thể có những bước tiến rất nhanh để đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp trong cách mạng công nghiệp 4.0 - đó là cuộc cách mạng về chương trình, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Các trường cần sử dụng đội ngũ giảng viên trẻ, có nền tảng công nghệ tốt, được đào tạo ở nước ngoài, tiếng Anh tốt. Thêm vào đó, cần gắn kết doanh nghiệp, đào tạo không chỉ là những sinh viên có kiến thức tốt mà là những con người đa năng có các kỹ năng xã hội tốt [5].
( Còn tiếp )
Nguyễn Thị Việt Hà
 
Tài liệu tham khảo:
[3]     Nguồn nhân lực 4.0: Cơ hội và thách thức, Hoàng Việt Hà - COO FPT
http://baodauthau.vn/doanh-nghiep/nguon-nhan-luc-40-co-hoi-va-thach-thuc-69031.html]
[4]     Chính phủ (2011), Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020, ban hành kèm theo Quyết định số 1215/QĐ-TTg ngày 22/7/2011.
[5]     Vai trò của trường đại học trong đào tạo nguồn nhân lực kỷ nguyên số
https://chungta.vn/ho-viet/vai-tro-cua-truong-dai-hoc-trong-dao-tao-nguon-nhan-luc-ky-nguyen-so-1113694.html]