Danh hoạ và những tác phẩm tiêu biểu của dòng tranh Sơn mài Việt Nam

.

.

Lịch sử nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại đã tiếp thu nhiều tư tưởng nghệ thuật từ phương Tây, đặc biệt ảnh hưởng rất lớn từ nền nghệ thuật hội họa của người Pháp. Tuy nhiên ngoài sự tiếp nhận của nghệ thuật tạo hình phương Tây, các họa sỹ Việt Nam còn sáng tạo ra một chất liệu hội họa mới cho nền nghệ thuật hội họa Việt Nam, đó là chất liệu sơn mài. Đây là sự tìm tòi và phát triển kỹ thuật của nghề sơn (nghề sơn ta) một nghề thủ công truyền thống của Việt Nam thành kỹ thuật sơn mài.
Đầu những năm 30 của thế kỷ XX, hoạ sĩ Trần Quang Trân đã có những thí nghiệm mò mẫm, rồi Lê Phổ, Mai Trung Thứ cũng thể hiện lối vẽ sơn ta nhưng phần màu sơn không mài được. Hoạ sĩ Lê Quốc Lộc là một trong những họa sỹ bậc thầy của sơn mài Việt Nam nhớ lại: “Vào năm 1932, người đã tìm ra cách mài được tranh vẽ bằng sơn ta là hoạ sĩ Trần Văn Cẩn phối hợp với bác phó sơn Đinh Văn Thành. Hai người qua nhiều lần thể nghiệm đã khám phá ra cách nấu sơn cánh gián có pha nhựa thông chứ không pha dầu trẩu để có thể cùng mài được với sơn then vốn đã pha nhựa thông từ xưa. Như vậy cả hai thứ sơn đều có độ dính như nhau, có sức bền chắc cứng có thể chịu được sức mài của hòn đá mài”.
Trong lịch sử tranh sơn mài Việt Nam hiện đại, người vẽ thành công đầu tiên chất liệu này có lẽ họa sỹ Trần Quang Trân, qua nhiều lần tìm tòi thể nghiệm ông đã thể hiện thành công. Tác phẩm đầu tiên đánh dấu sự ra đời của tranh sơn mài đó là bức bình phong sáu cánh, mỗi cánh 110x25cm được vẽ vào năm 1932 tên là Bụi tre bóng nước. Bức bình phong này trước kia thuộc bộ sưu tập của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, sau đã bị thất lạc trong thời gian đầu kháng chiến chống Pháp.
Các họa sĩ thế hệ đầu tiên của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã học tập và sử dụng kỹ thuật tạo hình, phối cảnh, màu sắc, bố cục của hội họa phương Tây, kết hợp nhuần nhuyễn với những nét  tạo hình đặc sắc mang tính dân gian và thổi được cái hồn cái phách của đân tộc từ trong cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ của mình đối với chất liệu sơn mài. Bảng màu của sơn mài truyền thống vốn ít ỏi nhưng mà sâu lắng huyền đến kì diệu. 
Cho tới nay, chưa có người họa sỹ nào kể cả các họa sĩ nổi tiếng nhất về vẽ tranh sơn mài dám khẳng định cho mình là đã khai thác một cách triệt để hết khả năng của chất nhựa cây kỳ diệu mà tự nó đã có thể biến hóa thành hai màu chủ yếu là sơn cánh gián và sơn then, rồi từ hai màu này sẽ tạo ra vô số những cung bậc và sắc độ khác nhau của những gam màu trong tranh sơn mài.
 Tất cả các họa sĩ vẽ tranh sơn mài điều cho rằng: vẽ sơn mài khó và có tính ngẫu nhiên cao nên nhiều khi các họa sĩ dày dặn kinh nghiệm cũng bất ngờ trước một hiệu quả đạt được sau khi mài tranh.
   Trải qua gần một thế kỷ hình thành và phát triển của dòng tranh sơn mài, mỹ thuật Việt Nam có quyền tự hào về nghệ thuật sơn mài đã được khắp nơi trên thế giới đón nhận. Nhiều tác phẩm trong thế kỷ XX đã trở thành kiệt tác, thành báu vật Quốc gia. Tranh sơn mài Việt Nam được bạn bè quốc tế tìm mua…trở thành loại tranh đắt giá ở trong nước cũng như ở quốc tế. Cùng với các tác giả, tác phẩm nổi tiếng như: Tấm bình phong Dọc mùng, " Vườn xuân Trung Nam Bắc" của Nguyễn Gia Trí; "Xuân Hồ Gươm" của Nguyễn Tư Nghiêm; "Mùa đông sắp đến" của Trần Văn Cẩn, "Ngựa Gióng" của Nguyễn Tư Nghiêm: "Nhớ chiều Tây Bắc" của Phan Kế An," Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ" của Nguyễn Sáng… còn nhiều thế hệ họa sỹ trẻ hiện nay đang góp phần tạo dựng nên hình hài nghệ thuật sơn mài Việt Nam trong nền nghệ thuật hiện đại trên thế giới thế kỷ XXI.
Khi nhắc đến tranh sơn mài chúng ta không thể không nhắc đến danh họa Nguyễn Gia Trí với kiệt tác "Vườn xuân Trung Nam Bắc". Danh họa Nguyễn Gia Trí đã tìm tòi nghiên cứu, để phối hợp lối khắc với những phương thức sơn mài mới, đồng thời áp dụng kết hợp những nguyên tắc vẽ của phương Tây để tạo nên những kiệt tác của hội họa Việt Nam. Ông cũng là nhân vật kiệt xuất trong danh sách mà các họa sỹ được cho là Tứ trụ đầu tiên của nền Mỹ thuật Việt Nam hiện đại (Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn). 
Đương thời, tranh của Nguyễn Gia Trí được nhiều nhà sưu tập trong và ngoài nước đặt mua. Nhiều nhà nghiên cứu sưu tầm đặt mua tranh  từ khi ông mới chỉ là ý tưởng hoặc phác thảo sơ qua của tác phẩm. Tuy nhiên, ông là người khó tính, rất khắt khe với nghề do đó ông sáng tác không được nhiều. Những họa sỹ cùng thời với ông đều nói rằng: ít khi nào Trí thỏa mãn với một tác phẩm của mình, mỗi tác phẩm ông đều dành nhiều thời gian và tâm huyết để làm, nếu không được, ông làm đi làm lại cho đến khi nào thấy ưng mới thôi. 
Tác phẩm "Vườn xuân Trung Nam Bắc" có kích thước rất lớn 2m x 5,4 m, là tác phẩm cuối cùng và cũng là tác phẩm có thời gian hoàn thành lâu nhất của danh họa. Ông đã dành 20 năm kể từ khi thai nghén ý tưởng cho đến khi hoàn tất kiệt tác (1969 - 1989). Năm 2012, ông được Nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh. Tác phẩm được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2013, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh. 
    Danh họa Nguyễn Tư  Nghiêm sinh năm 1922, tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1946. Ngay từ khi đang học năm thứ 3, ông đã có tác phẩm gây chú ý trong giới hội họa với tác phẩm "Người gác Văn Miếu", tác phẩm này đã dành được giải nhất tại Salon Unique năm 1944. Hơn nửa thế kỷ say sưa lao động, sáng tác, cống hiến cho nghệ thuật Việt Nam ông đã để lại các tác phẩm sơn mài nổi tiếng như: "Người gác Văn Miếu"; "Cổng làng Mông Phụ"; "Điệu múa cổ"; "Kim Vân Kiều"; "Mười hai con giáp"; "Gióng", "Xuân Hồ Gươm"…
Tác phẩm "Xuân Hồ Gươm"của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm sáng tác năm 1957 chất liệu sơn mài với kích thước 70,4cm x 150,7 cm. Tác phẩm miêu tả lại những khoảnh khắc chào đón năm mới của quân và dân Thủ đô Hà Nội với hình ảnh đông đảo của các tầng lớp nhân dân bên hồ Hoàn Kiếm. Xa xa ở trung tâm tác phẩm là hình ảnh tháp rùa soi bóng xuống mặt nước. Bên bờ hồ, hình ảnh những anh bộ đội cụ Hồ mặc quân phục, các chiến sỹ công an, cùng các thiếu nữ với tà áo dài thướt tha yêu kiều khoe sắc cùng mùa xuân mới của đất nước, các em nhỏ với những bộ quần áo mới đang nô đùa tíu tít bên cha mẹ, tạo nên một khung cảnh nhộn nhịp tươi vui của nhân dân thủ đô chào đón một năm mới…tất cả đều nở nụ cười rạng rỡ vui vẻ, hạnh phúc một niềm tin vào đảng vào Bác Hồ vĩ đại. Màu sắc trong tranh được danh họa thể hiện với các màu truyền thống của sơn mài  như vàng, bạc, đỏ son…Tuy nhiên trong thời gian này ông  còn bổ sung cho tác  phẩm này những màu khác như màu lam, lục, hồng…để tạo nét xuân tươi mới cho tác phẩm.
   Danh họa và tác phẩm tiếp theo phải nhắc đến đó là Nguyễn Sáng, ông là một nhân vật có những đóng góp không nhỏ không chỉ cho nghệ thuật sơn mài mà còn cho cả nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại, Nguyễn Sáng cũng là một trong  những nhân vật kiết xuất đứng trong danh sách Bộ tứ thế hệ thứ 2 của Hội họa Việt Nam (Nhất Nghiêm, nhì Liên, tam Sáng, tứ Phái). Ông tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1942. Tranh của ông được thể hiện ở nhiều thể loại và chất liệu, thể loại nào, chất liệu ông cũng thành công, từ đề tài chiến tranh, tranh chân dung cho đến các đề tài như phụ nữ, hoa, phong cảnh…Mặc dù là họa sĩ đa tài có thể sử dụng mọi chất liệu tuy nhiên chất liệu mà ông ưa thích nhất chính là sơn mài. Ông đã từng làm cuộc cách tân đáng kể trong cách ứng dụng đưa sơn dầu và nhất là sơn mài vào các tác phẩm hội họa. Cùng với Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tư Nghiêm, ông được coi là cây đại thụ của sơn mài Việt Nam hiện đại. Nếu như Nguyễn Gia Trí đưa sơn mài đến đỉnh cao của sắc giới thần tiên, thì Nguyễn Sáng đẩy sơn mài lên đến đỉnh cao với những hình ảnh dung dị mộc mạc, chân chất mang hơi thở của cuộc sống đời thường. Ông là người tìm tòi khám phá và bổ sung vào tranh sơn mài những mảng màu như; vàng, xanh, diệp lục để tạo thêm sự phong phú cho bảng màu sơn mài hiện đại mang lại sự sinh động cho tác phẩm của ông. Những tác phẩm nổi tiếng của ông phải kể đến như: "Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ"; "Hành quân đêm mưa"; "Tháp Phổ minh"; "Thiếu nữ bên hoa sen"; "Chọi trâu"…
     Tác phẩm "Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ" chất liệu sơn mài có kích thước 112,3 x 180 cm, được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2013 và hiện đang được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam số 66 Nguyễn Thái Học Hà Nội. 
     Bức tranh diễn tả lại thời khắc hào hùng của những người chiến sĩ Điện Biên ngay tại chiến trường với 3 nhóm nhân vật chính và phụ. Nhóm nhân vật chính đứng ở trung tâm gồm ba chiến sĩ trong đó có một chiến sĩ trên đầu còn quấn băng với khẩu súng trong tay. Nhóm ba người này được liên kết chặt chẽ với hai chiến sĩ khác phía bên phải bức tranh bằng một cái bắt tay đầy quyết tâm. Toàn bộ khung cảnh buổi kết nạp đảng được diễn ra nhanh chóng ngay trên chiến trường đầy ác liệt cam go trong không gian chiến hào. Góc trái là một chiến sĩ đang dìu đồng đội bị thương điều này cho người thưởng ngoạn thấy ranh giới của sự sống và cái chết thật mong manh. Có lẽ điều đắt giá nhất của tác phẩm không phải là những nhân vật chính, mà ở phía hậu cảnh là một chiến sĩ đang di chuyển rất nhanh trong đường hào sâu hun hút hối hả ra trận đó chính là động lực và nhấn mạnh thêm bối cảnh khẩn trương của cuộc chiến một mất một còn một cái hiện đại nhưng mang tính phi nghĩa cái lạc hậu mang tính chính nghĩa….Nhìn vào tác phẩm, người xem có thể thấy được hình tượng sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ Điện Biên năm nào đã được danh họa Nguyễn Sáng tạo nên bằng lối hình họa tinh giản, tạo ra hình tượng người chiến sỹ chắc khỏe. Màu sắc trong tranh đơn giản, đa phần là các màu sắc trong hệ màu sơn ta truyền thống như đỏ son, vàng, bạc. Bức tranh đặc biệt có thêm một số màu mới như lam, lục được sử dụng thành công, đánh dấu mốc quan trọng vào lịch sử tranh sơn mài Việt Nam hiện đại.
Danh họa Nguyễn Sáng sinh năm (1923- 1988) là tấm gương lao động sáng tạo trong nghệ thuật và trong cuộc sống, tư cách nghệ sĩ và nghệ thuật của ông đã ảnh hưởng lớn đến nhiều thế hệ nghệ sĩ sau này. Các tác phẩm của ông là vốn quý của nền mỹ thuật cách mạng Việt Nam. Nghệ thuật của Nguyễn Sáng gắn liền với lịch sử cách mạng, lịch sử nghệ thuật của dân tộc. Ông là một trong số những hoạ sĩ có những tác phẩm sơn mài đẹp nhất sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng Việt Nam. Ngôn ngữ hội họa của ông có tầm khái quát cao, tiếp thu nhuần nhuyễn nghệ thuật truyền thống kết hợp với thành tựu nghệ thuật hiện đại thế giới, đóng góp vào việc cách tân của hội họa hiện đại Việt Nam. Tên tuổi của Danh hoạ Nguyễn Sáng cùng với tác phẩm của ông sống mãi trong lịch sử nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại. 
     Ngày nay, nghệ thuật tranh sơn mài đương đại của người Việt Nam vẫn đang tiếp tục kế thừa và phát triển với nhiều lối biểu hiện và tìm tòi mới mang đậm dấu ấn và tính sáng tạo của từng cá nhân mỗi nghệ sĩ. Một số họa sĩ trẻ đã đưa thêm nhiều các loại vỏ ốc, vỏ trứng, vỏ trai, vỏ sò….vào tranh để tạo ra những hiệu quả mang tính biểu hiện trừu tượng nhiều hơn là mô tả thực. Công chúng yêu nghệ thuật tranh sơn mài có thể nhận diện được sự đa dạng, phong phú được tạo ra từ các loại chất liệu mới được tìm tòi. Những chất liệu mới đó không bị bó hẹp trong tạo hình và thể hiện của dòng tranh sơn mài hiện đại. Nhưng cho dù thể hiện theo phong cách nào, xu hướng nào thì thế giới hiện thực vẫn là những tác nhân quan trọng và luôn ẩn hiện trong các tác phẩm sơn mài đương đại Việt Nam.
  Sự hấp dẫn của chất liệu sơn mài mang lại giá trị độc đáo trong nghệ thuật, vừa bền chắc vừa sang trọng lại lộng lẫy đã thu hút các thế hệ họa sỹ Việt Nam nghiên cứu tìm tòi thể hiện trên chất liệu sơn mài. Nhóm các họa sĩ đương đại tiên phong đã tập trung khai thác mọi khả năng, tính năng biểu hiện của chất liệu. Lối tạo hình mới trên nền vóc với kỹ thuật gắn kết hiện đại để tạo ra hiệu quả cho tác phẩm, góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng cho các hình thức biểu đạt. Sau cùng, sự thể hiện đó được nhắc đến như một phương pháp nhìn nhận, chắt lọc và tái hiện cuộc sống hiện thực thông qua giá trị nghệ thuật. Các họa sỹ đương đại như: Lê Văn Thìn . Bùi Hữu Hùng. Nguyễn Trường Linh.Chu Viết Cường. Đào Quốc Huy…đã hình thành nên một “cách nhìn” hết sức thực tế, cụ thể nhưng cũng vô cùng tinh tế và sâu sắc của tranh sơn mài Đương đại, có thể lấy Tác phẩm Tình yêu màu vàng của họa sỹ Lê Văn Thìn làm ví dụ. 
Tác phẩm Tình yêu màu vàng sơn mài của họa sỹ Lê Văn Thìn đã cho chúng ta thấy rõ điều đó với lối đục đẽo theo lối vẽ đồ họa, cùng với các chất liệu như vỏ sò, trai, ốc…kết hợp với những màu son, then, màu vàng, bạc…cùng với yếu tố tạo hình độc đáo, vẽ xong họa sỹ lại dùng màu đổ tràn lên mặt tranh nhằm xó bỏ hết không gian cũng như những yếu tố tạo hình. Sau đó mới mài mới moi, mới móc, để tìm mới kiếm cải tưởng như có mà lại không, cái không mà lại có trong tranh sơn mài của anh. Chính vì cái lẽ đó đã tạo cho tranh sơn mài của họa sỹ Lê Văn Thìn vừa có tính truyền thống nhưng mang hơi thở của nghệ thuật tranh sơn mài đương đại Việt Nam. Nên, khi thưởng ngoạn một tác phẩm tranh sơn mài đương đại người xem có những rung động cảm xúc sâu lắng thông qua những tín hiệu của nghệ thuật, nhất là với những gợi cảm “vô hình” hay “siêu hình” như hiện nay.
Các họa sỹ tranh sơn mài đương đại Việt Nam sẽ vẫn còn tiếp tục tìm tòi và thể nghiệm nhiều hơn nữa với chất liệu sơn mài, để đưa tranh sơn mài nên tầm cao hơn. Lịch sử nghệ thuật hiện đại của thế kỷ XX đã chứng kiến những sự đổi thay to lớn trong việc nhìn nhận và đánh giá một tác phẩm nghệ thuật, khi các xu hướng nghệ thuật liên tục xuất hiện để bày tỏ những suy nghĩ của cá nhân về cuộc sống và nghệ thuật. Nghệ thuật đương đại ngày nay đã xuất hiện nhiều xu hướng mới và luôn thay đổi theo những trào lưu. Vì vậy người thưởng thức có thể tiếp cận với các tác phẩm nghệ thuật theo nhiều phương thức, hình thái khác nhau. Những người yêu mến quan tâm đến nghệ thuật tranh sơn mài Việt Nam cũng đang đòi hỏi, chờ đợi các họa sỹ tranh sơn mài đương đại Việt Nam có nhiều ý tưởng, những tìm tòi, những giải pháp mới những cách tân mạnh mẽ mới và lạ hơn nữa để đáp ứng nhu cầu nội tại của nghệ thuật đương đại của Việt nói chung và sơn mài nói riêng.
     
EVARISTE JONCHERE (Giải thưởng Đông Dương năm 1932). Cánh cửa tủ sơn mài. (160x60x98cm). Ảnh từ sách Paris Ha Noi Sai Gon của Paris Musse


      Tấm bình phong “Dọc mùng” của họa sỹ Nguyễn Gia Trí sơn mài, năm 1939(160cmx400cm) .


“Vườn xuân Trung Nam Bắc” của họa sỹ  Nguyễn Gia Trí -sơn mài năm 1969 – 1989  (540cmx200cm )


“Xuân Hồ Gươm” của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm- sơn mài - 1957 (70,4 x 150,7 cm)


“Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ”. Của họa sỹ Nguyễn Sáng - 1963 (112,3cm x 180 cm)


“Nắng thu” của họa sỹ Chu Viết Cường sơn mài năm 2013. 120cm x 120 cm
“Tình yêu màu vàng” của họa sỹ Lê Văn Thìn sơn mài năm 2016 - 90cm x 120cm

Tác giả bài viết: Trần Quốc Bình