Giải pháp thiết kế không gian ở dành cho người ngồi xe lăn tại Việt Nam

Đăng lúc: Thứ năm - 05/04/2018 04:58 - Người đăng bài viết: Nguyen Quoc Chinh
.

.

Người khuyết tật ngồi xe lăn thường gặp nhiều bất hạnh, nhưng điều đó không phải là tất cả. Họ vẫn tiếp tục sống và không bao giờ cho phép bất cứ ai xem thường họ. Họ có thể nhờ vào người thân hay một số sản phẩm giúp đỡ cho họ trong một khoảng thời gian nào đó trong ngày. Trong thực tế, các đồ nội thất thích hợp có thể làm cho cuộc sống của một người khuyết tật ngồi xe lăn trở nên dễ dàng hơn. Việc tổ chức không gian ở căn hộ, nhà dành cho người khuyết tật ngồi xe lăn, cũng như những người có vấn đề khó khăn trong di chuyển ở nước ta hiện nay, ít được giới chuyên môn quan tâm. Ngược lại trên thế giới, người ta lại rất quan tâm đến vấn đề này!
     Đặt vấn đề:
       - Căn cứ số liệu về người khuyết tật năm 2015 của Liên Hợp Quốc, số người khuyết tật trên thế giới khoảng 1 tỷ trên tổng số 7,3 tỷ người, chiếm 7,3% tổng dân số.  Như vậy, khoảng trên dưới 7,3% dân số ở bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới là những người không hoàn thiện hoặc khuyết tật ở một hoặc nhiều bộ phận của cơ thể. 
       - Tại Việt Nam, theo điều tra của Bộ lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến tháng 6 năm 2015, Việt Nam có khoảng 7 triệu người khuyết tật, chiếm 7,8% dân số cả nước. Việc thực hiện các chính sách đối với người khuyết tật  còn rất hạn chế như chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, dạy nghề, việc làm, thực hiện lộ trình cải tạo nhà chung cư, công trình công cộng... Đặc biệt việc thiết kế không gian sống, sinh hoạt cho người khuyết tật ngồi xe lăn không được quan tâm... Ở nước ta hiện nay chưa có nhiều các công trình riêng lẻ dành riêng để chăm sóc nhóm người khuyết tật, đặc biệt là người khuyết tật ngồi xe lăn. Phần đông những người thuộc nhóm dân cư này vẫn sống chung cùng gia đình trong các chung cư hay nhà riêng thông thường, được thiết kế và xây dựng dành cho người khoẻ mạnh. Thiết kế không gian ở của những căn hộ chung cư hay nhà riêng đó không phù hợp với sinh hoạt thường nhật của nhóm dân cư đặc biệt này, khiến cho họ không có khả năng, cơ hội tự phục vụ, phải nhờ đến sự giúp đỡ của người thân hoặc người xung quanh. Không phải lúc nào họ cũng có thể nhận được sự giúp đỡ như vậy. Cuộc sống về mọi mặt của người khuyết tật sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Đây thực sự là một gánh nặng cho gia đình và xã hội. Để những người không may mắn này hoà nhập với cộng đồng, nhiệm vụ của những người khoẻ mạnh phải tạo ra các điều kiện thuận lợi và phù hợp với những đặc thù khuyết tật của nhóm cư dân này.
     Thực trạng không gian ở của người khuyết tật ngồi xe lăn
     Trên Thế giới
       - Suy thoái môi trường và sự cân bằng sinh thái bị phá vỡ, số lượng người khuyết tật ở hầu khắp các nước trên thế giới ngày một nhiều. Theo số liệu của tổ chức y tế thế giới, hiện nay trung bình trên thế giới có khoảng trên 10,8% trẻ em được sinh ra đã mang những dị tật bẩm sinh. Để giải quyết vấn đề này, các nước phát triển, không chỉ nghiên cứu những vấn đề về khuyết tật và đề xuất những tiêu chuẩn thiết kế môi trường dành cho hoạt động sống của nhóm người này. Họ chú ý đến những nhu cầu của các nhóm người khác nhau trong cộng đồng, trong đó có người khuyết tật, họ nghiên cứu những biện pháp cần thiết để cải tạo các công trình và các thành phần của hệ thống hạ tầng kỹ thuật - đường giao thông, các công trình công cộng nằm trên và dưới mặt đất..., nhằm thích ứng với nhu cầu sử dụng của những nhóm người khuyết tật và những nhóm cư dân có khó khăn trong việc di chuyển. 
       - Tại nhiều nước trên thế giới họ thường xây dựng các loại chung cư theo kiểu ký túc xá dành riêng để nuôi dưỡng những người già và người khuyết tật nói chung cần sự giúp đỡ của cộng đồng. Ngoài ra họ đã và đang tích cực xây dựng những trung tâm xã hội mà ở đó ngoài việc nuôi dưỡng những người già, người khuyết tật neo đơn còn có thêm các chức năng xã hội khác như: Nghiên cứu khoa học, dạy nghề.... Họ xây dựng các chung cư với đầy đủ tiện nghi, các loại căn hộ nhỏ và vừa thường là có 1, 2 hoặc 3 phòng ở. Trong các loại căn hộ đó được trang bị những đồ đạc và thiết bị nội thất đặc biệt, nhờ chúng mà người già và người khuyết tật có thể tự phục vụ. Loại chung cư này được bố trí ở những nơi thuận tiện, những điểm phục vụ y tế, cà phê, cửa hàng ăn, dịch vụ văn hoá... Trong các chung cư loại đó, tầng 1 thường dành cho các đối tượng tàn tật khó khăn trong di chuyển, đặc biệt là những người phải dùng xe lăn. Có thể nói, tại nhiều nước trên thế giới, cuộc sống và các sinh hoạt thường nhật của người khuyết tật ngồi xe lăn đã được Chính phủ và cộng đồng xã hội đặc biệt quan tâm, chăm sóc.
     Tại Việt Nam
       - Người khuyết tật ở Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại, đến trường, đến nơi làm việc, hoặc tới những nơi giải trí… do thiết kế của các công trình xây dựng gần như không dành cho họ. 

Những khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày của người khuyết tật ngồi xe lăn

       - Vì vậy, họ không được giáo dục đầy đủ, không có cơ hội tìm việc làm - và trở thành “gánh nặng của xã hội”. Mấy năm gần đây Chính phủ cũng đã bắt đầu chú ý hơn tới không gian dành cho người khuyết tật, đã có một số công trình xây dựng được thiết kế để người khuyết tật có thể tiếp cận sử dụng. Nhưng đáng tiếc những thiết kế như vậy đã không tiếp tục được thực hiện, hầu hết các địa phương đều lờ đi những chi tiết này. Việt Nam đang có một nền kinh tế tăng trưởng mạnh, ngày càng có nhiều các toà nhà cao tầng được xây dựng, nhưng bên cạnh đó, các yều cầu về thiết kế dành cho người khuyết tật lại không được quan tâm. Người khuyết tật ngồi xe lăn gặp trở ngại để có thể tiếp cận những toà nhà mới đó. Dẫn đến người khuyết tật không thể tham gia vào các hoạt động kinh tế, thương mại, không thể đến các trung tâm giải trí, không được tiếp cận với sự phát triển của xã hội. Điều đó đã vô hình chung khiến những người khuyết tật ngồi xe lăn thành gánh nặng cho xã hội. Và đây sẽ trở thành một vấn đề lớn đối với xã hội Việt Nam.
     Giải pháp thiết kế không gian ở dành cho người ngồi xe lăn tại Việt Nam
        - Trong những năm gần đây, Chính phủ và xã hội nước ta đã bắt đầu quan tâm tới nhóm cư dân khuyết tật, nhưng chưa có hành lang pháp lý cụ thể, rõ ràng để các cơ quan chuyên môn, các cơ quan quản lý cũng như các tổ chức chính phủ hay phi chính phủ, các tổ chức từ thiện... các tổ chức khác có liên quan, có thể hành động được vì lợi ích của các nhóm cư dân này.
       - Vấn đề khó khăn nhất trong nghiên cứu, là đề xuất tiêu chuẩn cũng như xây dựng nhà ở và trang thiết bị nội thất cho người khuyết tật phải dùng xe lăn. Để tính toán diện tích cần thiết cho phòng ở và các phòng phụ thường dựa theo kích thước của xe lăn, xe lăn có nhiều loại và kích thước cũng rất khác nhau, nhưng thông dụng nhất vẫn là loại xe lăn có bề rộng 670mm và ghế ngồi cao 520mm. 
       - Việc thiết kế không gian ở của nhóm dân cư này cũng cần phải chú ý đến vấn đề bố trí đồ đạc trong không gian ở căn hộ - nhà ở. Giải pháp bố trí đồ đạc để đảm bảo sao cho việc di chuyển của người khuyết tật có sử dụng xe lăn được dễ dàng và có thể tiếp cận đến được mọi ngóc ngách của các không gian trong căn hộ, các thành phần - bộ phận của đồ đạc và các thiết bị trong các không gian. Cần chú ý đến vị trí cũng như cách sắp xếp các thiết bị nghe và nhìn như: vô tuyến truyền hình, dàn nghe nhạc, máy tính, đài, máy ghi âm... sao cho việc sử dụng chúng được thuận lợi và dễ dàng nhất. 
       - Để có thể đưa ra các giải pháp thiết kế không gian ở cho người khuyết tật ngồi xe lăn một cách hợp lý nhất, cần phải bám sát các thông số kích thước tiêu chuẩn Việt Nam của xe lăn, các thông số về độ cao tầm với lên trên, xuống dưới, sang bên, phạm vi sử dụng hoạt động của cử động tay người khuyết tật ngồi xe lăn....Việc vận dụng các tiêu chuẩn thông số kích thước đó là nền tảng để đưa ra các giải pháp tốt nhất về thiết kế không gian ở cho người xe lăn tại Việt Nam.

Kích thước xe lăn điện tử điển hình          


Kích thước điển hình người ngồi xe lăn


Tầm với sang bên có vật cản của người ngồi xe lăn


Tầm với sang bên không có vật cản của người ngồi xe lăn
 
Về giao thông
       - Trong thiết kế - xây dựng các loại nhà ở, chung cư dành cho người khuyết tật dùng xe lăn cần đặc biệt quan tâm đến chiều cao đặt các thiết bị điện như các loại ổ cắm, công tắc đèn, hộp điều khiển quạt trần... chiều cao các ổ cắm để mở cửa đi và cửa sổ tại các lối giao thông. Bề rộng của lối ra vào nhà hoặc cầu thang nghiêng dạng dốc thoải dành cho đối tượng người khuyết tật ngồi trên xe lăn, nhất thiết không được nhỏ hơn 1200mm, và độ dốc nhỏ hơn hoặc bằng 6%, tay vịn cầu thang dành cho đối tượng này thường chỉ cao từ 700 đến 800mm. 
       - Để người khuyết tật ngồi xe lăn có thể ra vào các loại không gian một cách thuận tiện hơn thì cần mở rộng các loại cửa đi. Thông thường bề rộng của cánh cửa đi phải lớn hơn hoặc bằng 1000m, nếu có điều kiện, nên thiết kế cửa cảm ứng tự động. Để việc di chuyển của người khuyết tật từ xe lăn sang các thiết bị của khu vệ sinh và ngược lại được dễ dàng hơn, thường bố trí thiết bị đặc biệt - loại máy nâng cố định hay di chuyển được. Thiết bị cho phép nâng lên, hạ xuống hay xoay được 1800. Trên thế giới, loại thiết bị này thường được sử dụng trong các bệnh viện, nhưng ngày nay chúng đang được sử dụng một cách phổ biến trong các căn hộ có người khuyết tật sinh sống. Do giá thành của thiết bị này khá cao so với mức sống trung bình của người khuyết tật tại Việt Nam, nên đa phần người khuyết tật tại Việt Nam chưa có điều kiện để sở hữu loại thiết bị này. 
       - Đối với lối giao thông trong nhà ở cho người khuyết tật, giải pháp tốt nhất là bố trí các loại đồ đạc dọc theo bức tường, cung cấp lối giao thông thông thoáng, không có chướng ngại vật, sáng sủa, rộng rãi để người khuyết tật ngồi xe lăn di chuyển được dễ dàng. Kích thước hành lang để người khuyết tật ngồi xe lăn di chuyển từ 1200mm đến 1800mm. Ở lối giao thông, cần có các chỉ định về màu sắc để cảnh báo vị trí, màu sơn tường nên dùng các màu sáng, ánh sáng đầy đủ để người khuyết tật ngồi xe lăn di chuyển dễ dàng.

Khoảng cách lối giao thông hành lang dành cho người khuyết tật ngồi xe lăn
   Trang thiết bị nội thất
       - Khi bố trí các thiết bị nội thất trong không gian ở dành cho người khuyết tật cần  chú ý đến đặc thù sinh hoạt và đặc điểm nhân trắc của nhóm người không may mắn này. Người ngồi trên xe lăn thì độ với tay của họ cũng bị hạn chế, họ không thế lấy được đồ đạc khi để quá cao, hoặc khi để quá thấp. Bố trí đồ nội thất dành cho người khuyết tật ngồi trên xe lăn phải được bố trí thấp hơn  từ 100 đến 200mm so với cho người bình thường. 
       Tủ treo quần áo: Khi thiết kế tủ - giá treo quần áo, cần thiết kế hệ thống nâng - hạ giá treo, hệ thống nâng - hạ giá treo này có gậy nắm để người khuyết tật có thể tự động treo quần áo vào tủ - giá mà không cần đến sự giúp đỡ của người khác. 

Hệ thống nâng - hạ móc treo tủ quần áo

        Tủ lạnh:  Để người khuyết tật ngồi trên xe lăn có thể sử dụng được tủ lạnh, thì cần phải đặt tủ cao hơn mặt sàn từ 200 đến 300mm. Trong trường hợp này, người khuyết tật có thể tự đặt -  lấy được mọi vật dụng nằm sâu trong tủ lạnh. 
       Tủ bếp: Khi thiết kế trang thiết bị  nội thất dành cho không gian ở của người ngồi trên xe lăn, các nhà thiết kế nên đặc biệt quan tâm đến khối bếp. Để nhóm người này có thể tự phục vụ cho nhu cầu thiết yếu là ăn thì khối bếp cần được thiết kế sao cho phù hợp nhất.  Khối  tủ bếp, chậu rửa, bếp nấu... là một khối cứng được thiết kế hoàn chỉnh và nếu được có thể nên được trang bị tự động hoàn toàn. 
       - Nên thiết kế toàn bộ khối bếp có thể nâng lên hay hạ xuống được nhờ một hệ thống tự động. Nhưng hệ thống này giá tương đối cao. Ở một số khu chế biến hay đun nấu của tủ bếp dưới nên tạo ra khoảng trống để người ngồi xe lăn có thể lăn xe vào đó và chế biến hay đun nấu trên bề mặt.
 


Hình dáng kệ bếp dành cho người khuyết tật ngồi xe lăn
          Khu phụ
        Ở không gian các khu phụ, đặc biệt tại những nơi có nhiều khả năng xảy ra tai nạn cần có cảnh báo trước. Cần bố trí các loại đèn vàng hay đỏ hoặc sơn các loại màu cảnh báo giống như trong các công trình công nghiệp... Những vị trí trong nhà hay xảy ra tai nạn nhất là bếp, vệ sinh, phòng tắm, ban công, lôgia... Ở những nơi đó cần phải chú ý đặc biệt trong công việc lựa chọn các loại vật liệu lát mặt nền. Để không gây ra những tai nạn đáng tiếc cho người khuyết tật và giúp họ di chuyển dễ dàng hơn khi rời khỏi xe lăn
     Phòng vệ sinh
       - Phòng vệ sinh cho người khuyết tật cần có các tiêu chuẩn thiết kế riêng. Ở trường hợp phòng vệ sinh có lối đi thẳng cho người khuyết tật ngồi xe lăn, nếu cửa phòng vệ sinh mở ra phía ngoài thì kích thước chiều dài phòng vệ sinh tối thiểu 1900mm, chiều rộng là 1000mm, nếu cửa phòng vệ sinh mở vào bên trong thì kích thước chiều dài phòng là 2700mm, chiều rộng là 1000mm.

Kích thước phòng vệ sinh cửa mở ra ngoài, cửa mở vào trong

       - Bồn cầu (bệ xí) cách mặt sàn từ 400 - 500mm. Khoảng cách nhỏ nhất từ mép trước của bồn cầu đến tường là 760mm. Trong phòng vệ sinh phải có các thiết bị khác như: Tay vịn, hộp đựng giấy vệ sinh. Tay vịn được lắp ở hai bên của bồn cầu. Nên sử dụng tay vịn hình tròn có đường kính từ 25 - 50 mm, khoảng cách từ mặt sàn đến tay vịn là 900mm.

Kích thước tay vịn và hình ảnh vệ sinh dành cho người khuyết tật ngồi xe lăn
 
       Hiện nay, đã có nhiều ý kiến và kiến nghị Đảng, Nhà nước, toàn xã hội cần đặc biệt quan tâm tới cuộc sống và sinh hoạt của người khuyết tật. Các thiết bị sản xuất dành riêng cho người khuyết tật có sử dụng xe lăn đã được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Do vậy, ở Việt Nam, đã đến lúc cần nghiên cứu xây dựng các công trình kiến trúc, nội thất có phục vụ cho người khuyết tật, sản xuất các thiết bị dành riêng cho những nhóm người đặc biệt này, nhằm giúp họ tự chủ các hoạt động trong sinh hoạt hàng ngày, loại bỏ các rào cản hòa nhập xã hội. Điều này không những giúp cho họ tự tin hơn trong cuộc sống, sự tự tin hơn về bản thân. Khi đã có sự tự tin về bản thân, chắc chắn họ sẽ có những đóng góp nhất định, san sẻ gánh nặng cho gia đình và xã hội.
 
     Tài liệu tham khảo
1. Tạp chí kiến trúc - số ra ngày 26/10/2016
2. Thiết kế nhà ở - NXB Xây dựng - năm 2012 - PGS.TS.KTS. Trần Xuân Đỉnh 
3. Tiêu chuẩn thiết kế nhà vệ sinh cho người khuyết tật, quyết định 04/2012/QĐ - Bộ xây dựng
4. Tiêu chuẩn quốc gia TCVN - Công trình dân dụng - Nguyên tắc cơ bản xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng - năm 2009
5. Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam TCXDVN 266 : 2002 - Nhà ở - hướng dẫn xây dựng để đảm bảo người tàn tật tiếp cận sử dụng
Nguyễn Thị Bích Liễu
                             Khoa Tạo dáng công nghiệp
 
     
 
 
 
 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết