TẦM QUAN TRỌNG, ĐẶC TRƯNG CỦA DESIGN VÀ CÁC ĐẶC TÍNH SẢN PHẨM DESIGN CẦN CÓ (Dẫn chứng minh họa chuyên ngành thiết kế Đồ họa, Thiết kế Nội thất, Thiết kế thời trang - Khoa Tạo dáng công nghiệp, Trường Đại học Mở Hà Nội)

Đăng lúc: Chủ nhật - 10/05/2020 19:54 - Người đăng bài viết: Nguyen Quoc Chinh
Hơn bao giờ hết, ngày nay Design phát triển mạnh mẽ và phát triển nhanh chưa từng thấy ở nhiều quốc gia trên thế giới. Design làm thay đổi từng ngày từng giờ sản phẩm vật chất hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu nhiều mặt của con người sống trong môi trường sống hiện đại. Nếu nói Design là sự sáng tạo thì phải hiểu vị trí và cách làm việc để hiểu được cách sáng tạo. Design sáng tạo nghệ thuật khác với những sáng tạo khoa học. Bằng cách thông qua tác phẩm của những người đi trước và sự thẩm định của mình ta mới thấy được cái đẹp. Có thể nhận định Design là một phần tất yếu của xã hội, nâng tầm cuộc sống theo sự phát triển của xã hội loài người. Bài viết nhằm mục đích đề cập và đưa ra một số nhận định về tầm quan trọng của design, những đặc trưng của design và cuối cùng là những đặc tính sản phẩm design cần có để các sản phẩm ấy hàm chứa và thể hiện sự trường tồn của cái đẹp trong xã hội hiện đại. Từ khóa: Design, tầm quan trọng, đặc trưng, đặc tính sản phẩm design

1. Tầm quan trọng của Design trong cuộc sống

Design tự thân nó đã mang một ý nghĩa thể hiện một phần linh hồn, giá trị vật chất và tinh thần của một quốc gia. Nếu như người Anh luôn tự hào vì có những cabin điện thoại công cộng sơn màu đỏ, người Đức có các sản phẩm điện gia dụng Braun thì người Pháp có chiếc nồi Le Creuset…
Mỗi sản phẩm này đều được xem như là hình ảnh riêng của từng đất nước và được cả thế giới biết đến. Vì thế ở nghĩa chung nhất, từ Design không bao giờ đại diện cho một cái gì đó cao sang mà bao gồm tất cả mọi lĩnh vực của cuộc sống hàng ngày: từ việc tạo dáng sản phẩm cho đến việc tìm tòi và sử dụng các chất liệu phù hợp.
Sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật hiện đại cũng góp phần thúc đẩy, tương hỗ cho sự sáng tạo Design. Chúng ta nghiên cứu Design là đề cập tới mối quan hệ của con người với tự nhiên và xã hội thể hiện trong sản xuất, cũng như trong sinh hoạt vui chơi và hưởng thụ, thưởng thức sản phẩm vật chất mang giá trị văn hóa. Chức năng và mục đích của Design là nhằm thỏa mãn tâm sinh lý của người sử dụng, tức hàm chứa về mặt thẩm mỹ và chứa đựng giá trị sử dụng, phù hợp với mọi đối tượng và phù hợp về mặt giá cả kinh tế.
Sản phẩm của mỹ thuật ứng dụng hết sức đa dạng và phong phú, với nhiều chủng loại sản phẩm và có giá trị rất lớn đối với đời sống sinh hoạt của con người, phục vụ cho con người, thỏa mãn cho con người cả về nhu cầu vật chất và tinh thần. Và sự thỏa mãn nhu cầu vật chất, tinh thần ấy cần phải phù hợp với bản sắc văn hóa và thị thiếu thẩm mỹ của mỗi dân tộc cộng đồng người khác nhau. Thế giới đồ vật được con người tạo ra gắn liền với môi trường sản xuất và đời sống hằng ngày của con người. Điều căn bản nhất của Design là tập trung đáp ứng các nhu cầu của xã hội. Sự hiện diện của nó được nhận thấy ở tất cả mọi mặt trong cuộc sống của con người như: ăn, mặc, ở, trong sinh hoạt, học tập, sản xuất, các phương tiện, công cụ, sản xuất, lao động, vui chơi, giải trí...Từ sản phẩm đến bao gói đựng chứa, cho đến những sản phẩm công nghệ thông tin hàm chứa giá trị trí tuệ cao, tất cả đều mang dấu ấn của Design.

2. Đặc trưng của Design

Sản phẩm Design là kết quả sáng tạo mang giá trị ích dụng và thẩm mỹ chứa trong một sản phẩm. Một sản phẩm Design không chỉ dừng ở sự đạt giá trị  cao về công năng, công thái học, sinh thái học mà phải bao hàm cả giá trị thẩm mỹ mang tính xã hội, văn hóa và phản ánh trình độ, phát triển kỹ thuật công nghệ của cộng đồng. Tất cả những giá trị ấy thống nhất chặt chẽ và được liên kết trong một chỉnh thể, đáp ứng nhu cầu đời sống xã hội. Từ sáng tạo mẫu mã, sản xuất ra sản phẩm rồi đến tay người tiêu dùng là một chu trình mang giá trị sử dụng, giá trị kinh tế, giá trị văn hóa thẩm mỹ theo cơ chế của cung và cầu. Và cơ chế ấy là một vấn đề luôn luôn được đặt ra trong xã hội, cho bất kỳ một loại sản phẩm mỹ thuật ứng dụng nào. Và thực sự chúng đã trở thành cơ sở, động lực cho Design phát triển và phát triển không ngừng.

         Design là văn hoá - văn hoá với cuộc sống

Văn hoá là toàn bộ những hoạt động sáng tạo và những giá trị của nhân dân một nước, một dân tộc về mặt sản xuất vật chất và tinh thần trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Ông tổng giám đốc Unesco -  Federico Zaragoza[1] đã nói: “Văn hoá bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng phong tục tập quán lối sống và lao động”. Như vậy văn hoá theo Taylor (nhà văn hoá nổi tiếng thế giới): “Văn hoá hoặc văn minh là một chỉnh thể phức hợp bao gồm trí thức, tín ngưỡng nghệ thuật, đạo đức, pháp luật, tập tục. Bất kỳ năng lực, thói quen nào khác mà con người cần có với tư cách thành viên xã hội. Khoảng 3 thế kỷ nay xuất hiện khái niệm về mặt văn hoá nghệ thuật mà còn chỉ những nhu cầu của cá nhân cộng đồng trong đó có kinh tế, khoa học và kỹ thuật”. Tóm lại văn hoá là toàn bộ những cái mà qua đó một dân tộc tự biểu hiện mình và tự nhận biết mình và là nơi thực hiện rõ nhất tinh thần dân tộc.
Design có khi làm chuyển biến cuộc sống của cả một vùng. Nước Ý ra đời xe Babetta và trở thành phong cách của nước Ý. Mỹ được định hình thông qua các ngành Design và Design là một phần cuộc sống. Ở Nhật Bản đã làm lý thuyết màu sắc của Nhật, tổ chức cửa hàng theo phong cách Nhật.
 Design ra đời rất sớm. Từ xa xưa con người đã có bản năng yêu thích cái đẹp, và trong điều kiện rất khó khăn, đã có thể tạo ra nghệ thuật trong hang động, bằng những hình vẽ từ những tri giác đầu tiên, đến những vật dụng, những tạo vật hoang sơ. Ngày nay Design phát tiển mạnh mẽ vào cuộc sống văn minh hiện đại của xã hội, đáp ứng những nhu cầu cơ bản không thể thiếu, không chỉ để con người tồn tại mà còn để đảm bảo một đời sống phát triển cao hơn và ngày một tiến bộ hơn.
Sản phẩm thời kỳ đầu của Design Việt Nam được khám phá là những đồ trang sức bằng đá, vỏ trai, vỏ ốc, mảnh gỗ, mảnh tre... Nhiều nhà khảo cổ đã tìm thấy đồ trang sức bằng đá, vỏ trai, vỏ ốc…thời xa xưa cách ngày nay hàng vạn năm. Đó là những vòng khuyên tai, hoa tai mà người xưa đã đẽo gọt, chế tác, tạo dáng từ chất liệu đá, sừng, răng thú vật để làm đẹp cho con người. Đến giai đọan đồ đồng con người lại sáng tạo ra những trang sức bằng đồng như hoa tai, vòng tai, vòng đeo cổ, đeo tay...Tất cả chúng được coi là những sản phẩm Design đầu tiên.
Lịch sử phát triển lòai người và xã hội là một quá trình lịch sử lâu đời. Ngay từ những thế kỷ trước Công nguyên, qua những dấu tích văn hóa của nhiều cuộc khai quật khám phá của các nhà nghiên cứu, các nhà khảo cổ trên thế giới và ở Việt Nam đã làm hiện rõ vô số hiện vật thuộc lĩnh vực Design đã từng tồn tại nhiều thế kỷ trước đây ở khắp nơi, đặc biệt nổi bật là ở các trung tâm văn minh lớn của thế giới. Qua các công trình kiến trúc cổ xưa của người Ai Cập, Hi Lạp, La Mã cổ đại, Trung Quốc, Châu Phi, ngay cả ở Việt Nam, sản phẩm mỹ thuật ứng dụng cũng được tìm thấy dấu tích qua những đồ dùng, vật dụng của người Việt cổ.
Có thể nói rằng Design là loại hình có quá trình hình thành, phát triển. Sự phát triển của Design gắn liền với quá trình lao động sáng tạo của con người. Design là nghệ thuật của sự kết hợp giữa cái thực dùng và cái đẹp, giữa cái lâu bền và cái thẩm mỹ. Design là cái tổng hòa của nhiều ngành: cả khoa học kỹ thuật, cả quy trình công nghệ, sản xuất và kỹ thuật. Giá trị thẩm mỹ của nó không chỉ làm đẹp cho cuộc sống, mà làm đẹp cho cả thế giới vật chất do con người tạo ra. Trên thực tế ta dễ dàng nhận thấy nếu không có sự tham gia của các giá trị thẩm mỹ thì ở thế giới đồ vật gắn liền với đời sống chúng ta, sẽ tồn tại những đồ vật khô cứng, khó coi và như vậy, sự phát triển của con người cũng như phát triển xã hội sẽ không thể toàn vẹn về mặt văn hóa thẩm mỹ cũng như sự hiểu biết về mặt khoa học. Và các mặt khác, bằng việc đưa cái đẹp vào cuộc sống xã hội, Design đã và đang họat động có tính sáng tạo nhằm thiết lập một môi trường vật thể vừa hài hòa vừa có sự tương quan để thỏa mãn đầy đủ nhất các nhu cầu vật chất và tinh thần của con người. Nó gắn chặt với sự phát triển văn hóa, văn minh của cộng đồng, một dân tộc hoặc quốc gia. Design đã có một bề dày truyền thống và làm nên lịch sử từ cổ đến kim. Bởi vì, Design được sử dụng như một nhu cầu cần thiết ở tất cả các lĩnh vực sau: kiến trúc xây dựng, sản xuất tiêu dùng, môi trường nội ngoại thất, tạo dáng máy móc công nghiệp, quảng cáo, báo chí tuyên truyền thông tin đại chúng, văn hóa nghệ thuật như : Sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh… trưng bày, sắp đặt, thủ công mỹ nghệ (nghề mộc, nghề sơn, đục đá, đúc đồng, tạc tượng, đắp phù điêu), trang trí lễ hội, trang phục, khánh tiết v.v... Design đang trên đà phát triển những bước mới để phù hợp với thời đại. Vai trò của Design ngày càng rộng lớn. Nó là một hình thức thiết lập và tạo sự bền vững cho nền tảng đời sống vật chất và văn hóa tinh thần của nhân dân ta. Nó không còn chỉ là những hoạt động trong phạm vi thủ công mỹ nghệ mà đã phát triển trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội .
Hiện nay, vấn đề đưa cái đẹp vào đời sống văn hóa tinh thần và vật chất của xã hội đang rất sôi động. Để hình thành được đồng bộ sự quy hoạch về mặt thẩm mỹ không phải dễ dàng, nhưng trong thực tế lịch sử của đất nước, cha ông ta đã làm được như vậy. Chỉ đơn cử về mặt thị hiếu thẩm mỹ được ứng dụng vào nghệ thuật kiến trúc và xây dựng không thôi cũng đã thấy bất cứ một công trình quy mô lớn, nhỏ nào cũng thật sự gắn bó với môi trường, với thiên nhiên dù ở trạng thái tự nhiên khách quan hoặc do chủ quan sáng tạo của con người sắp đặt. Vẻ đẹp ở những kiến trúc xưa được tạo nên không thể thiếu sự tham gia của những kiến trúc sư, những nhà chuyên môn với những hiểu sâu biết rộng, có trình độ thị hiếu thẩm mỹ tốt để tổ chức xây dựng nên những công trình đạt tới độ hoàn chỉnh như vậy. Khi đứng trước những ngôi đình cổ, lặng ngắm và chỉ có thể nhận xét rằng: từ vị trí cho đến kiểu dáng kiến trúc thật cân đối, đường nét hài hòa với khối hình, kích thước vừa độ, hòa nhập vào cảnh quan của làng quê Việt Nam. Cái dáng vẻ Việt Nam ở những công trình kiến trúc này thật đậm đà, đằm thắm. Nó thực sự không chịu đồng hóa mà độc lập, tự chủ, tự cường, không phô trương, không lòe loẹt mà khiêm nhường, đĩnh đạc, thanh nhã, vững vàng, ổn định. Chính vì thế đã xây dựng được một phong cách điển hình riêng cho kiến trúc gỗ của việt Nam.
Ngoài tính khoa học và tính kỹ thuật, giá trị thẩm mỹ của nền Design ở phương diện này quả đã có tác dụng xây đắp cho con người Việt Nam lòng yêu nước, yêu cái đẹp do chính bàn tay con người tạo nên ý thức tự lập tự cường, không hề lệ thuộc, không bắt chước ai mà vẫn biểu lộ rõ tinh thần văn hóa nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc.
Đối với sự phát triển, chúng ta đều biết rằng sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia đòi hỏi sự tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với việc xây dựng môi trường văn hóa, tiến bộ xã hội. Sự kết hợp hài hòa giữa kinh tế và văn hóa sẽ khơi dậy tiềm năng sáng tạo của mỗi quốc gia. Và trong quá trình phát triển, Design như là một yếu tố cấu thành của văn hóa đã tham gia một cách tích cực, hiệu quả vào quá trình này. Design đã và đang tồn tại, đồng thời tác động mạnh mẽ đến các quá trình, các lĩnh vực của hoạt động kinh tế như: thiết kế mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm, bao bì sản phẩm; thiết kế quảng cáo, xúc tiến thương mại, thiết kế tạo lập môi trường thẩm mỹ trong sản xuất…Tất cả những hoạt động ấy của DESIGN là cơ sở để nâng cao hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội .

         Design là nghệ thuật - có vị trí quan trọng đối với xã hội

Từ trước đến nay phân chia thành văn học và nghệ thuật. Aristoteles [2] đã viết quyển thơ ca, ông phân biệt một thể loại nghệ thuật ứng với một ngôn ngữ riêng. Thế kỷ 18, Hegel[3] trong quyển thẩm mỹ học của mình (nhà tư tưởng lớn người Đức) ông dành một chương lớn để viết về ngành nghệ thuật. Lúc đó chưa có mỹ thuật công nghiệp. Mỹ thuật công nghiệp có trong sách của Kagant “Các hình thái nghệ thuật” ông phân chia các loại nghệ thuât như bảng tuần hoàn của Mendeleep trong đó có nghệ thuật thị giác trong đó có: kiến trúc, điêu khắc, hội hoạ, nghề thủ công. Trong cuộc sống hàng ngày năng lượng tiêu hao ở con mắt lớn hơn tất cả. Trong lĩnh vực này cần đến họ đề cập đến vấn đề cái đẹp, cái đẹp là phạm trù cơ bản trọng tâm của Mỹ học được coi là thước đo của con người, tiểu chuẩn để chỉ phẩm chât người theo định nghĩa của các nhà Mỹ học thì đẹp là cái hoàn thiện, cái đang phát triển tất yếu của nó, vật đẹp là vật mang đến cho ta những cảm xúc dễ chịu. Như vậy đẹp là sự đánh giá của con người về bản thân mình là sự tác động có tính thanh cao tự thân bên trong của con người gắn với quá trình cải tạo tự nhiên và bản thân dần dần con người biết duy trì cái đẹp để chỉ tất cả những gì dấy lên ở con người những cảm xúc, cảm hứng tốt lành”.
Thực tế, theo khái niệm của triết học về văn hóa “Văn hóa là tất cả những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình hoạt động thực tiễn” thì sản phẩm của thiết kế mỹ thuật (TKMT) là những sản phẩm hàm chứa những giá trị về văn hóa. Bất cứ một sản phẩm nào được hình thành từ hoạt động TKMT có giá trị phục vụ đời sống dân sinh cộng đồng, đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu của con người trong bất cứ lĩnh vực nào từ kinh tế, chính trị…đều được coi là sản phẩm văn hóa và có giá trị về mặt văn hóa xã hội. Bản thân những con người tham gia hoạt động TKMT ấy đều được coi là những con người giữ vai trò quan trọng trong hoạt động sáng tạo văn hóa thẩm mỹ. Khi xem xét hoạt động TKMT trong mối quan hệ với hoạt động văn hóa xã hội là chúng ta chỉ tìm hiểu, nghiên cứu hoạt động TKMT đặt trong mối quan hệ với các vấn đề văn hóa xã hội mà thôi. Trên thực tế thì hoạt động TKMT luôn biểu hiện sự tồn tại và có mối quan hệ mật thiết với nhiều lĩnh vực, phương diện của cuộc sống. Và để hiểu được vai trò giá trị của hoạt động TKMT đối với đời sống xã hội một cách rõ nét nhất, chúng ta phải tìm hiểu sự tác động của sản phẩm thiết kế đến các vấn đề trong đời sống xã hội của con người.
Thứ nhất, chúng ta xem xét sản phẩm TKMT đáp ứng thỏa mãn nhu cầu vật chất tinh thần của con người. Khi một người thừa nhận và sử dụng một sản phẩm nào đó thuộc loại hình Design, điều đó có nghĩa là sản phẩm ấy đã thỏa mãn nhu cầu cho người tiêu dùng về mặt sử dụng và tình cảm qua thái độ sử dụng. Nhà thiết kế muốn thiết kế của mình được người tiêu dùng chấp nhận thì nhà thiết kế phải hiểu về đối tượng tiêu dùng sản phẩm của mình là ai (tâm lý, giới tính, lứa tuổi, ngành nghề, thói quen tiêu dùng, đặc điểm văn hóa…) để thiết kế cho phù hợp. Một mặt nhà thiết kế phải nghiên cứu về chính sản phẩm mà mình thiết kế về mặt công năng: nghiên cứu về mặt công năng là nghiên cứu về những vấn đề để mang lại sự tối ưu nhất cho giá trị sử dụng của thiết kế.
Thứ hai, chúng ta xem xét sản phẩm TKMT phản ánh trình độ tư duy nhận thức của con người. Chúng ta có thể phân tích và xem xét bất cứ một sản phẩm thiết kế nào của Design cũng đều hàm chứa phản ánh trình độ tư duy nhận thức của xã hội, của thời đại. Nhìn vào sự xuất hiện hàng loạt những bàn ghế là sản phẩm thủ công mỹ nghệ nội thất như: mây, tre,…chúng ta có thể nhận thấy nhận thức, tâm tư tình cảm của người tiêu dùng nhận thức được những giá trị thẩm mỹ mang tính đặc trưng của sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống.
Thứ ba, chúng ta xem xét sản phẩm TKMT có mang lại giá trị nâng cao trình độ tư duy, nhận thức và giáo dục thẩm mỹ cho con người hay không và mức độ như thế nào. Mỗi sản phẩm của TKMT là kế quả sáng tạo mang tính tri thức trí tuệ người và gián tiếp thông qua sản phẩm ấy đã hàm chứa giá trị nhận thức tư duy cho người tiêu dùng. Một đồ chơi được thiết kế dành cho trẻ là những sản phẩm được thiết kế với chủ đích nhằm giáo dục nhận thức và rèn khả năng tư duy cho trẻ. Nhưng trong cuộc sống tồn tại biết bao sản phẩm quanh môi trường sống của con người cũng gián tiếp làm cho con người hiểu biết về thế giới vật chất và khả năng của thiên nhiên vũ trụ và con người. Qua phương tiện máy thu hình và ăng ten ta hiểu biết sự tồn tại sóng trong không gian…Thông qua những sản phẩm thiết kế đồ họa xử lý ánh sáng trong không gian, ta hiểu được giá trị của KHKT công nghệ kỹ thuật số…
Thứ tư, sản phẩm TKMT là phương tiện thông tin phục vụ giao tiếp và phản ánh những hình thức giao tiếp mang đặc thù văn hóa xã hội của từng dân tộc. Bản thân sản phẩm thiết kế mỹ thuật đã chứa đựng những ký mã ngôn ngữ thông tin đặc biệt của màu sắc, hình khối, đường nét, bố cục, chất liệu, kiểu dáng… Và thông qua những đặc trưng “ngôn ngữ” ấy mà mỹ thuật ứng dụng đã tham gia vào mọi hoạt động của cuộc sống. Nhưng những kết quả sáng tạo ấy luôn mang giá trị văn hóa Việt Nam vì nó được sáng tạo bởi người Việt và phục vụ nhu cầu cho chính những con người mang tâm hồn và phong cách thẩm mỹ Việt Nam.
Thứ năm, sản phẩm TKMT là công cụ tham gia vào công tác quản lý tổ chức nhà nước và cộng đồng và sinh hoạt cộng đồng. Trong hoạt động văn hóa chính trị thì sản phẩm thiết kế mỹ thuật là một phương tiện tuyên truyền, triển khai thông tin một cách hữu hiệu. Từ hoạt động thông tin quảng cáo phục vụ lợi ích dân sinh cộng đồng đến công tác quản lý tổ chức nhà nước … Từ hoạt động kinh tế đến văn hóa giáo dục và cuộc sống sinh hoạt của con người. Và ngày nay công nghệ thông tin phát triển nên bên cạnh những sản phẩm mỹ thuật ứng dụng thông thường còn có các sản phẩm sử dụng trên các phương tiện như: Internet, truyền hình, máy ảnh kỹ thuật số, bảng biển điện tử, ánh sáng hình ảnh bằng laser…
Tóm lại Design là hoạt động nghệ thuật và nghệ thuật là yếu tố của văn hoá, giải quyết vấn đề văn hoá, vấn đề cái đẹp.

3. Những đặc tính của Design cần thiết cho sáng tác sản phẩm

Con người luôn luôn hướng tới cái đẹp bởi vì sự đòi hỏi thỏa mãn nhu cầu về cái đẹp là một đặc trưng thuộc bản chất của con người. Trong quá trình phát triển, nhu cầu thẩm mỹ của con người đòi hỏi ngày càng cao, càng nhiều và đa dạng, đã thúc đẩy Design cũng phải phát triển không ngừng để đáp ứng những nhu cầu đó. Và như vậy Design phải đảm bảo nhiệm vụ sáng tạo đi liền với chế tác và sản xuất, với mục tiêu đáp ứng ngày một tốt hơn về nhu cầu vật chất và tinh thần cho con người. Điều đó cho thấy hoạt động Design chứa đựng trong nó tính thẩm mỹ, tính ích dụng, tính kinh tế, tính phổ biến, tính thời đại, tính giáo dục (tính nhân văn) tính dân tộc (tính văn hóa),

Tính thẩm mỹ

“Văn hóa thẩm mỹ là một hệ thống chỉnh thể bao hàm bên trong nó những năng lực tinh thần thực tiễn, đặc biệt giúp cho con người có khả năng hoạt động theo qui luật của cái đẹp, nhằm cảm thụ, nhận thức, đánh giá và sáng tạo nên các giá trị thẩm mỹ” [Văn hóa thẩm mỹ và nhân cách - TS Lương Quỳnh Khuê].
Tính thẩm mỹ trong Design (Mỹ thuật ứng dụng (MTƯD)) là những hiện tượng thẩm mỹ hay vẻ đẹp biểu hiện và hàm chứa trong các sản phẩm vừa mang giá trị vật chất vừa mang giá trị tinh thần. Nó biểu hiện trình độ tổng hợp phát triển cao của văn hóa xã hội, là trình độ của con người trong thưởng thức, đánh giá và sáng tạo các giá trị thẩm mỹ. Ở sản phẩm MTƯD tính thẩm mỹ thể hiện ở hình khối, màu sắc, chất liệu và giá trị ích dụng của sản phẩm. Trong đó các yếu tố nói trên được kết hợp một cách hài hòa tạo nên tính chính thể của sản phẩm. Những sản phẩm ấy do con người tạo ra để phục vụ nhu cầu thị hiếu của con người và chính chúng tạo nên môi trường thẩm mỹ cho con người và vừa có ý nghĩa thẩm mỹ hóa, giáo dục, định hướng thẩm mỹ, chính con người.
Tính ích dụng
Mỗi sản phẩm của MTƯD được tạo ra đều nhằm phục vụ cho con người trong cuộc sống, sinh hoạt, lao động sản xuất về mặt vật chất và tinh thần. Thường thì sản phẩm MTƯD luôn luôn hướng tới việc thỏa mãn con người song song cả về phương diện vật chất và tinh thần. Về phương diện vật chất sản phẩm mỹ thuật trở thành những công cụ phương tiện, được sử dụng phục vụ cho con người theo những mục đích, hoàn cảnh không gian nhất định. Mỗi một phương tiện có những phương thức sử dụng và vận dụng riêng vào cuộc sống. Tính ích dụng của sản phẩm MTƯD thể hiện ở giá trị công năng, giá trị sử dụng để tạo ra hiệu quả năng xuất lao động hay chất lượng trong sinh hoạt phục vụ nhu cầu cuộc sống. Về phương diện tinh thần của sản phẩm MTƯD được xem xét ở vấn đề sản phẩm ấy mang lại cho người tiêu dùng những giá trị ngoài giá trị về mặt vật chất hay không, có làm thỏa mãn nhu cầu của người sử dụng hoặc mua sắm thông qua thái độ tình cảm của họ.
Như chúng ta đã biết một sản phẩm ra đời bao giờ cũng phục vụ một mục đích của con người. Người thiết kế chính vì thế nên luôn luôn đặt ra tính ứng dụng lên hàng đầu khi thiết kế một sản phẩm nào đó. Trong cuộc sống xã hội một sản phẩm khi mất đi tính ứng dụng thì sẽ bị biến mất và không còn tồn tại trong cuộc sống. Ví dụ: các bốt điện thoại công cộng - một điển hình về văn hóa ở Anh - ngày nay đã mất đi tính ứng dụng khi mà nó bị thay thế bởi điện thoại di động; hay như các đầu máy dùng băng đĩa VHS hay VCD - DVD hiện nay đã bị thay thế bởi các thiết bị nghe nhìn kỹ thuật số. Sự phát triển của điện thoại thông minh làm con người dần dần thay đổi cách tiếp cận với internet. Thay vì vào máy tính giờ đây người ta dần dần sử dụng điện thoại. Vậy vì sao các sản phẩm bị mất đi tính ứng dụng của nó? Với sự phát triển về kĩ thuật và công nghệ, các xu hướng công nghệ sẽ tạo điều kiện cho một sản phẩm tích hợp các tính ứng dụng của sản phẩm khác. Ví dụ: điện thoại di động vừa là máy chụp ảnh, vừa là đồng hồ.v.v…điều này dẫn đến các sản phẩm bị cũ mang tính ứng dụng bị chiếm mất bởi các sản phẩm mới có tích hợp tính ứng dụng của sản phẩm cũ. Trường hợp thứ hai đó là lỗi của công nghệ khiến cho sản phẩm mang công nghệ lỗi thời bị thay thế bởi các sản phâm mới với công nghệ hiện đại: thiết bị băng nghe catset hiện đã được thay thế bằng thiết bị công nghệ mới với công nghệ nhạc kỹ thuật số mp3. Hiện nay với sự bùng nổ về công nghệ và kĩ thuật, vòng đời của sản phẩm ngày càng ngắn đi điều này đòi hỏi người thiết kế luôn luôn phải biết cập nhập về kỹ thuật cũng như công nghệ qua đó có thể đáp ứng và phục vụ nhu cầu thiết kế và áp dụng tính ích dụng cho sản phẩm.

            Tính kinh tế

 Thế giới đồ vật ấy càng tiếp tục được thay đổi hoàn thiện hơn khi chúng trở thành hàng hóa và tham gia vào guồng quay của sự vận hành kinh tế: tiền - hàng - lợi nhuận. Điều đó có nghĩa là sản phẩm của mỹ thuật ứng dụng hướng tới hiệu quả kinh tế và mang lại hiệu quả về mặt kinh tế khi những sản phẩm ấy được tạo ra đạt các tiêu chí, chỉ số về chất lượng và giá thành của sản phẩm. Sản phẩm mỹ thuật ứng dụng được áp dụng vào sản xuất công nghiệp phải mang lại lợi nhuận cho nhà sản xuất và nhiều ích lợi cho người tiêu dùng: khả năng đáp ứng nhu cầu cho nhiều người, giá thành sản xuất hạ, tính ưu việt trong sử dụng cao (có nhiều tính năng trên cùng một sản phẩm, góp phần tái sản xuất cao…).
Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, khi công nghệ không hẳn là thế mạnh và chính yếu tạo tính chất cạnh tranh thì hoạt động thiết kế trong MTƯD lại lên ngôi và giữ một phần vai trò quyết định đến sự thành công của công ty trong hoạt động sản xuất và kinh doanh.

Tính phổ biến

Sản phẩm MTƯD được làm ra bao giờ cũng phải bao gồm các yếu tố: đẹp, ích dụng, thuận tiện phù hợp, luôn đáp ứng được những đòi hỏi trong cuộc sống sáng tạo và chế tạo. Cùng một loại sản phẩm, nhưng càng những thế hệ sản phẩm ra sau càng ưu việt hơn: công năng ích dụng hiệu quả hơn, hình dáng, kiểu cách đẹp hơn. Chính vì vậy, ngay từ xa xưa khi con người sáng tạo ra một vật dụng có tính hữu ích và tác động tích cực đến đời sống con người thì đều được con người tiếp nhận chuyển giao một cách nhanh chóng. Và ngày nay khi cách mạng thông tin đã đưa con người xích lại gần nhau hơn cùng với sự phổ biến về khoa học kỹ thuật công nghệ trong thời kỳ công nghiệp phát triển thì tính phổ biến trong sản phẩm MTƯD được tính bằng giờ, bằng phút giây. Chúng ta dễ dàng thấy, cùng một loại sản phẩm nhưng chúng ta có thể thấy chúng hiện diện bất cứ nơi nào trên thế giới - nơi mà con người có nhu cầu sử dụng chúng.
Còn ngày nay, có sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại thì sự chuyển giao thường diễn ở cả hai hình thức: trọn vẹn (phổ biến nguyên vẹn, thường là với máy móc công nghệ) và biến đổi (phổ biến biến đổi phù hợp, thường là với sản phẩm tiêu dùng). Và có thể nói, tính phổ biến là đường đi mang tính tất yếu của sản phẩm MTƯD.

Tính thời đại

Mỗi thời đại đều để lại những dấu ấn riêng của mình. Tính thời đại khi xem xét trên sản phẩm MTƯD thì thực sự thể hiện trên rất nhiều phương diện như: tri thức trí tuệ, nhu cầu thị hiếu, kỹ thuật khoa học công nghệ và thông tin…
Tự ngàn xưa, khi con người biết tạo ra công cụ lao động sản xuất và những đồ dùng vật dụng phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt của con người thì trong chính bản thân những đồ vật ấy đã in dấu ấn về kỹ thuật trong khả năng sáng tạo của con người. Và theo quá trình phát triển của xã hội cùng với sự phát triển trong tư duy và nhận thức của con người thì thế giới đồ vật - những sản phẩm sáng tạo của con người cũng theo đó mà thay đổi. Con người trong lịch sử đã vận dụng những tri thức do mình phát hiện để cải tạo thế giới đồ vật phục vụ cho chính cuộc sống của con người ngày càng hoàn thiện hơn. Và ngày nay, khi cuộc cách mạng thông tin cùng với sự ra đời của công nghệ kỹ thuật số thì bất cứ sản phẩm nào từ lớn đến bé, từ to đến nhỏ, từ sản phẩm mang tính thiết yếu hay thứ yếu, người ta đều có thể lượng giá được tính chất chi phối và dấu ấn của kỹ thuật khoa học công nghệ hàm chứa trong sản phẩm MTƯD.

Tính giáo dục

Con người là một thực thể sinh thành. Các phẩm chất của mỗi con người là những giá trị do chính họ tạo nên trong cuộc sống sinh trưởng và phát triển của mình với sự trưởng thành của những tư chất mà con người đó nhận được từ sự di truyền của các thế hệ trước. Và môi trường văn hóa nói chung và môi trường MTƯD nói riêng với các sản phẩm là kết quả sáng tạo của con người -“thiên nhiên thứ hai” sẽ là yếu tố tạo cho nhân cách con người phát triển. Và tùy vào yêu cầu của từng thời đại mà bản thân sản phẩm MTƯD - môi trường nhân tạo do con người sáng tạo ra góp phần đáp ứng những yêu cầu của thời đại. MTƯD kích thích sự phát triển tư chất ở con người bằng giá trị của cái đẹp trong sản phẩm. Và từ đó xuất hiện những năng lực ở con người, mang lại giá trị nhân văn cho chính con người.

Tính dân tộc

Tính dân tộc có thể được nhận thấy ở sản phẩm MTƯD. Khi phân tích chỉnh thể sản phẩm luôn luôn ở hai mặt là: Tính mỹ thuật và tính ích dụng. Trong đời sống công nghiệp hiện đại ngày nay thì khó tách từng mặt bản thể của nó. Những bề dày mỹ thuật cổ truyền Việt Nam như đồ gốm, đồ đồng chẳng hạn, chúng luôn toát lên phong cách nghệ thuật (tạo dáng, chất liệu, trang trí, màu men) dấu ấn thời đại và tinh thần thẩm mỹ dân tộc cũng thể hiện rõ nét. Ông cha để lại những tinh hoa mỹ thuật trên nhiều ngành truyền thống, cái nghĩa ích dụng và đẹp rất được chú ý. Trong sáng tạo một mặt tìm cái đẹp, một mặt chú trọng đến tính hợp lý trong sử dụng: bền, đẹp, thuận tiện, tất cả toát ra sự giản dị, tao nhã trong sáng. Nó được sàng lọc và kế thừa từ đời này sang đời khác và được phát huy, phát triển chứ không hoàn toàn lặp lại. Bởi vậy tuy là đồ vật dụng, nhưng ta thấy sự gửi gắm trong sản phẩm là cả tinh thần sáng tạo, lao động và cả tình cảm của con người với tâm hồn của cộng đồng dân tộc trong đó. Bởi nó có khả năng gợi cảm xúc và thích thú trong sử dụng và nhu cầu thưởng lãm. Chẳng hạn các đồ dùng nội ngoại thất của các cung điện, kiến trúc cổ, các đồ gốm, khảm ghép, thảm, vườn cảnh, đồ sơn, đồ mây tre đan...đầy thẩm mỹ dân tộc. Cái đó được truyền cảm và tạo dáng, vào trang trí, hoa văn, men màu...không ít những họa sĩ đã thể hiện cảm xúc vẽ lên những đồ dùng MTƯD bằng những hình hoa văn, chim, hoa, hình người và cả những yếu tố tranh lên sản phẩm MTƯD. Và mỗi sản phẩm mỹ thuật ứng dụng bao giờ cũng có xuất xứ chứng minh giá trị văn hóa tinh thần, trí tuệ, của một dân tộc nào đó. Thông qua chúng, ta tìm thấy sức mạnh khả năng lưu giữ và biểu kiện những giá trị tâm hồn tình cảm con người - những chủ nhân sáng tạo (thuộc về một dân tộc nào đó).
4. Dẫn chứng minh họa, chuyên ngành thiết kế Đồ họa, Thiết kế Nội thất, Thiết kế thời trang - Khoa Tạo dáng công nghiệp, Trường Đại học Mở Hà Nội
Thiết kế đồ họa (Graphic design)
          Thiết kế đồ họa là một nghề đòi hỏi sự kết hợp của nhiều yếu tố như nghệ thuật, hình ảnh, từ ngữ, ý tưởng, truyền thông để truyền tải thông tin đến xã hội. Những nhà thiết kế đồ họa là những người truyền đạt ý tưởng thông qua hình ảnh và thiết kế để truyền cảm hứng, để thu hút, và để quyến rũ người tiêu dùng.
          Những nhà thiết kế đồ họa là những người làm nghệ thuật có mục đích, họ sử dụng hình ảnh, biểu tượng, từ ngữ để giao tiếp trực quan với người tiêu dùng.
          Thiết kế đồ họa có mặt ở khắp mọi nơi, nó luôn luôn sát cạnh và có ảnh hưởng đến người tiêu dùng, đặt người tiêu dùng ở vị trí trung tâm của mọi sáng tạo.
Một số bài thiết kế đồ họa của sinh viên khoa Tạo dáng công nghiệp,
Trường đại học Mở Hà Nội


                                                            Sự ấp áp trong Thiết kế bao bì sản phẩm mứt tết



                                       Thông điệp trong Thiết kế poster chương trình Giờ trái đất
 
Thiết kế Nội thất (Interior design)
          Thiết kế nội thất là chuyên ngành xây dựng không gian sống, ăn ở và làm việc.. phục vụ nhu cầu phát triển của xã hội
          Thiết kế nội thất không chỉ là thẩm mỹ. Đó là quá trình tìm kiếm các giải pháp thiết kế sáng tạo cho môi trường nội thất lý tưởng, đồng thời góp phần mang đến sự an toàn và sức khỏe của con người. Tôn chỉ, mục đích cuối cùng trong công việc của những nhà thiết kế nội thất là nâng tầm chất lượng của cuộc sống
          Thiết kế nội thất là một nghề đòi hỏi cần phải đáp ứng được yếu tố sinh hoạt giao tiếp, ứng xử mọi hoạt động của con người bên trong nhà (không gian bên trong của mọi công trình)
          Thiết kế nội thất là một quá trình - một hành trình tìm kiếm không ngừng nghỉ của sự sáng tạo. Kết quả của quá trình đó chính là mang đến những cảm hứng trong không gian sống cho con người trong xã hội hiện nay
          Với tôn chỉ “truyền ngọn lửa đam mê” trong quá trình giảng dạy thiết kế nội thất, các giảng viên Khoa Tạo dáng Công nghiệp, Trường Đại học Mở Hà Nội đã tạo dựng lên những nhà thiết kế nội thất tương lai - những người sẽ dựng xây lên không gian sống lý tưởng cho xã hội.
Đồ án thiết kế nội thất của sinh viên Khoa Tạo dáng Công nghiệp,
Trường Đại học Mở Hà Nội


                                                    Nguồn cảm hứng từ vật liệu tre lứa trong Thiết kế nội thất Spa,



                                                        Vũ điệu Tây Nguyên trong Thiết kế nội thất cafe Ban Mê
 
Thiết kế Thời trang (Fashion design)
          Thiết kế thời trang cần đáp ứng được yếu tố nhu cầu trang phục của con người phù hợp với giao tiếp, ứng xử, sinh hoạt trong xã hội.
          Nhà thiết kế thời trang là những người có niềm đam mê thời trang mãnh liệt, có sự tinh tế trong phong cách. Họ sử dụng sự sáng tạo và kỹ thuật của mình để tạo nên những bộ trang phục làm đẹp cho con người, cho xã hội. Họ có khả năng nắm bắt sự phong phú, sự đa dạng của thế giới xung quanh, từ đó viết nên một câu chuyện về thời trang, về trang phục.
          Thiết kế thời trang giữ một vị trí đặc biệt trong thế giới của chúng ta. Tài năng và tầm nhìn của các nhà thiết kế đóng một vai trò lớn trong việc tạo nên cái đẹp, cái thẩm mỹ cho môi trường sống, cho văn hóa và cho cả xã hội.
 
Một số bài thiết kế thời trang của sinh viên Khoa Tạo dáng Công nghiệp,
Trường Đại học Mở Hà Nội



           Bộ sưu tập Đất Việt, giải nhất cuộc thi "Tìm kiếm tài năng Thiết kế Châu Á 2017 - Air Asia Runway Designer Search



Tài liệu tham khảo:
  1. Lê Huy Văn - Trần Văn Bình (2003), Lịch sử Design, Nxb Xây dựng, Hà Nội
  2. Nguyễn Lan Hương (2018), Vai trò ca M thut ng dng trong đi sng và trong đào to, Tạp chí khoa học và Đào tạo ĐH Công nghệ Sài Gòn, số 01, tr.25-29.
  3. Nguyễn Ngọc Dũng (2012), Bàn v thut ng Design, Tạp chí Nghiên cứu Mỹ thuật, số 3,4/12, tr.12-15.
  4. Nguyễn Ngọc Dũng (2002), Design vì cuộc sống, Tham luận Hội thảo Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần 2.
 
Địa chỉ tác giả: Trường Đại học Mở Hà Nội
Email: huongnguyentdcn@hou.edu.vn



[1] Federico Zaragoza (sinh ngày 27 tháng 1 năm 1934 tại Barcelona) là một nhà khoa học, học giả, chính trị gia, nhà ngoại giao và nhà thơ người Tây Ban Nha. Ông từng là tổng giám đốc của UNESCO từ năm 1987 đến 1999. Ông hiện là chủ tịch của Tổ chức Văn hóa Hòa bình
[2] Aristoteles (384 - 322 TCN) là một nhà triết học và bác học thời Hy Lạp cổ đại. Di bút của ông bao gồm nhiều lĩnh vực như vật lý họcsiêu hình họcthi vănkịch nghệâm nhạcluận lý họctu từ học (rhetoric), ngôn ngữ họcKinh tế họcchính trị họcđạo đức họcsinh học, và động vật học
[3] Georg Wilhelm Friedrich Hegel (1770 -  1831) là một triết gia người Đức. Suy nghĩ của ông trở thành điểm khởi đầu cho nhiều dòng chảy khác trong lý thuyết khoa họcxã hội học và lịch sửThần họcchính trịluật học và lý thuyết nghệ thuật và thường định hình các lĩnh vực khác của văn hóa và đời sống trí tuệ.

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết