Phong cách tượng người chim chùa Phật Tích

Đăng lúc: Chủ nhật - 24/02/2019 10:51 - Người đăng bài viết: Nguyen Quoc Chinh
.

.

Năm 1944, trong cuộc khai quật ngôi tháp cổ ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh), đã phát hiện được hai pho tượng Kinnari (một đánh trống cơm và một gẩy đàn) bằng đá còn khá nguyên vẹn (hiện được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam). Sau này, vào những năm 60 – 70 của thế kỷ trước, lại phát hiện thêm một tượng Kinnari ở chùa Long Đọi (Hà Nam) và nhiều mảnh vỡ tượng người chim ở Chương Sơn (Nam Định). Người chim đánh chũm chọe ở chùa Long Đọi còn tương đối nguyên vẹn, cao 0,50m, người chim đánh trống cơm chùa Phật Tích có to hơn một chút, nhưng do bị gãy một đoạn đuôi, nên chỉ còn cao 0,40m, là tượng đẹp nhất trong loại tượng này. Các tượng khác có nhỏ hơn một chút; ví dụ, tượng người chim đánh đàn chùa Phật Tích cao 0,27m.
                            

Tượng người chim và các tượng đá khác được phát hiện năm 1944
 
     Tuy chỉ mới phát hiện được với một số lượng không nhiều, nhưng các nhà nghiên cứu đã nhận thấy các pho tượng đá người chim này được thể hiện theo một kiểu dáng khá thống nhất và cùng có những nét rất chung . Ngay khi được phát hiện vào năm 1944, nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Việt Nam người Pháp Louis Bezacier, người phụ trách cuộc khai quật ở chùa Phật Tích (tỉnh Bắc Ninh), đã có những đánh giá và nhận xét đáng lưu ý. Theo ông, ba hình tượng điêu khắc được phát hiện tại Phật Tích là Hộ pháp (Lokapala), người chim (Kinnari) và Kim cương (Vajrapala) đã chỉ rõ, chẳng những có chịu ảnh hưởng Trung Quốc thời Đường, mà nhất là ảnh hưởng Ấn Độ đưa tới xứ Bắc Kỳ, hiện nay chưa biết chính xác bằng con đường nào, song miền Trung Á là một chặng đường không phải là kém quan trọng. Cũng theo Louis Bezacier, một đặc điểm có thể nói là chủ yếu thấy trên các hình tượng điêu khắc này (tức những điêu khắc đá mà L.Bezacier cho là cổ nhất của nghệ thuật Việt Nam và thuộc ngôi tháp cổ được xây dựng ở chùa Phật Tích vào thời Đường) là những hình hoa nhỏ có năm, sáu, bảy hay tám cánh chạm rải rác trên hình tượng. Thế nhưng, ở người chim, cũng những hình hoa đó, nhưng to hơn, được làm trang sức trên búi tóc và được kết thành dải hoa để giữ lấy tóc phía trên trán. Louis Bezacier cho rằng kiểu trang sức hoa như của các người chim Phật Tích là đặc điểm nhận thấy trên nhiều hình tượng điêu khắc và hội họa của miền Trung Á(1). 
      Mấy chục năm sau, trên cơ sở phân tích và so sánh thêm với một số pho tượng được phát hiện thêm ở một vài nơi khác, nhà nghiên cứu Chu Quang Trứ đã có một khái quát khá cô đúc và đầy đủ về các tượng người chim đã được phát hiện như sau: “Tất cả các tượng người chim đều đứng trên đế liền khối với tượng, đế tạc thành chiếc đấu vuông thót đáy. Người chim đậu chắc trên đế bệ, đuôi uốn cong hất lên cao, rõ ràng ở thế tĩnh, song đôi cánh lại mở rộng như đang quạt gió, gợi ra một tư thế động. Cánh xòe nhưng không dang ngang, lại dựng đứng áp sát thân, nên đảm bảo cho bố cục ở khối đóng kín, có đường viền rõ ràng. Chố khác nhau của các tượng này, cơ bản là ở các nhạc cụ (trống cơm, chũm chọe và đàn) có hình dáng khác nhau, nhưng đều được gắn với ngực nhân vật, ở phía trước rất rõ ràng và gọn gàng. Nhìn đằng trước, tượng được cấu tạo hai nửa phải và trái đăng đối, có dạng khối tam giác lớn lồng lên tam giác nhỏ (bệ và bụng) nên tĩnh mà lại động, chắc chắn nhưng chồng chềnh; nếu nhìn ở sườn bên thì lại có dạng một múi cam dựng đứng với cung cong quay vào phía trong, các đường vạch xếp lớp cánh và các long cánh, long đuôi cũng phụ họa theo gây ấn tượng về một sự khới động muốn cho người chim bốc lên. Tượng có khuôn mặt đầy đặn, hiền từ, các chi tiết trên mặt đều sang sủa, tóc tết thành búi trên đỉnh và được dải băng hoa buộc lại trên trán; ẩn hiện dưới những bông hoa cài trang điểm. Tượng có cổ cao ba ngấn, bộ ngực nở nang, tay tròn mập và đôi chân chim ngắn khỏe với những móng sắc bám lấy bệ. Tượng tập trung khai thác khối, song cũng chú ý nhiều đến trang trí – nhất là trên đầu tóc và phần thân mang lốt chim, vì thế vừa nẩy căng vừa tươi mát.”. Như Louis Bezacier cho rằng các tượng người chim ở Phật Tích là các tượng của ngôi tháp (nhưng là ngôi tháp thời Lý), Chu Quang Trứ viết “nếu liên tưởng đến tháp men thờ chùa Chò (Vĩnh Phú) có tượng người chim dang cánh, thì có thể nghĩ các tượng người chim bằng đá đều được đặt ở mặt ngoài của ngôi tháp Phật giáo, trên những chạc đỡ mái thuộc những tầng khác nhau, nên có kích thước khác nhau, nhưng đều chung cách tạo dáng và bố cục.”(2).
     Sang thế kỷ XXI, vào năm 2008, nhân đợt trùng tu lớn, các nhà khảo cổ học đã tiến hành khai quật lại khu vực ngôi tháp gạch cổ thời Lý. Do khai quật với quy mô lớn hơn so với diện tích mà ông Louis Bezacier đã đào trước đây, nên lần này, các nhà khảo cổ đã phát hiện được rất nhiều hiện vật điêu khắc đá, trong đó có hàng chục tượng người chim. Tuy số lượng thêm nhiều, nhưng, nhìn chung các tượng mới được phát hiện, về cơ bản, đều giống với hai tượng người chim trước đây cả về kích thước, hình dáng, cấu trúc và các họa tiết trang sức trên đầu tóc và y phục. Thế nhưng, do có số lượng nhiều, nên, qua các tượng được phát hiện mới lần này, chúng ta biết thêm được những nhạc cụ và đồ vật mà các người chim ở Phật Tích cầm trước ngực. Với những phát hiện mới năm 2008, ngoài một tượng cầm quyển kinh, chúng ta có thể thấy nhiều nhạc cụ khác nhau trong tay các người chim: khèn, ống sinh, trống cơm, nhị hồ, trống đế, đàn tì bà, tiêu và sáo(3).
               

Một số tượng người chim phát hiện năm 2008
 
Những phát hiện mới năm 2008 đã càng thêm khẳng định cho một kiểu dáng, thậm chí, theo chúng tôi, một phong cách tượng người chim của nền mỹ thuật cổ Việt Nam. Chúng tôi cho rằng, hoàn toàn có cơ sở để đặt tên cho phong cách nghệ thuật tượng người chim này của nghệ thuật cổ Việt Nam là phong cách Phật Tích. Mặc dầu số lượng đã được phát hiện lên đến con số hàng chục, nhưng có thể xác định được những nét đặc trưng sau đây của các tượng người chim Phật Tích: 1. Những người chim Phật Tích là những nhạc công đang cùng đứng bên nhau xung quanh bốn mặt ngoài ngôi tháp Phật để tấu nhạc ngợi ca Phật, Pháp, chứ không phải là các cặp đôi người chim (kinnara và Kinnari) thường được kể trong các truyền thuyết Phật giáo ; 2. Tượng đứng thẳng trên đế vuông thót đáy liền khối với tượng, đuôi uốn cong hất lên cao ở phía sau, đôi cánh mở rộng dựng đứng áp sát thân, cả thân người nhô mạnh ra phía trước, hai tay đưa ra ôm hoặc cầm một nhạc cụ, đầu ngẩng cao và nhìn thẳng ra phía trước; 3. Thân mình căng tròn, khuôn mặt bầu phúc hậu với đôi mắt xếch nhỏ, cặp lông mày cao thanh tú (ở một số tượng, có nét trông như hình chim én), sống mũi cao, chiếc miệng nhỏ với cặp môi mọng cong duyên dáng, tóc vấn ngược thành một búi tròn to trên đỉnh đầu; 4. Những hình hoa tròn nhỏ nhiều cánh được cài trên búi tóc, được kết thành dải trên trán để giữ mái tóc và được xâu thành chuỗi đeo trên cổ… Không chỉ tạo ra cả một phong cách, mà, theo chúng tôi, phong cách nghệ thuật tượng người chim của Phật Tích nói riêng và cả nghệ thuật thời Lý nói chung cũng rất riêng và khác hẳn những kiểu người chim trong các phong cách nghệ thuật cổ của cả khu vực phía nam châu Á, như Ấn Độ, Sri Lanka, và Đông Nam Á. Không xuất hiện trên điêu khắc là những thiên thần dâng hoa hoặc chơi nhạc ở hai bên các biểu trưng của Phật như Stupa (bảo tháp), Bodhi-Drumas (cây Bồ Đề), Dharmacakras (Pháp luân) như thường thấy trong nghệ thuật Ấn Độ; không được thể hiện thành cặp đôi vợ chồng (kinnara và kinnari) đứng canh hai bên cây đời (Kalpataru) như trên các phù điêu đá đền Prambanan thế kỷ IX ở đào Java (Indonesia); không mô tả câu chuyện tình ly kì giữa cô gái người chim Manohara với chàng hoàng từ Suddana bằng điêu khắc như ở ngôi tháp Phật giáo vĩ đại Borobudu thế kỷ IX ở đảo Java (Indonesia) và trên các bức tranh tường Phật giáo ở các ngôi chùa của Thái Lan, Lào, Campuchia và Mianma…(4), các tượng người chim của Phật Tích đều là những hình nhạc công được tạc thành pho tượng độc lập đứng thẳng trên chiếc bệ vuông liền khối bên dưới. Không chỉ không phải là những hình phù điêu hay tranh vẽ cũng như không phải là các đầu đao đỡ mái như trong các nền nghệ thuật cổ của các nước phía nam châu Á, mà người chim Phật Tích còn đều là các tượng tròn được tạc rời với kích thước, hình dáng và cấu trúc giống nhau, kiểu như theo một mô hình hay mô típ chung, rồi mới đem đặt lên trên đỉnh các cột hay diềm mái bao quanh để trang trí cho phần trên các tầng (các tượng ở các tầng trên có kích thước nhỏ hơn) của một kiến trúc (có thể là một tháp vuông nhiều tầng) Phật giáo.

     

Kinnara Prambanan (Indonesia). Dvaravati (Thái Lan) và Chămpa, (Việt Nam)
   
     Như vậy, giờ đây, với hàng chục hiện vật được phát hiện năm 2008, chúng ta đã hoàn toàn có cơ sở để khẳng định về một phong cách tượng người chim rất riêng của di tích chùa Phật Tích nói riêng và của cả một giai đoạn nghệ thuật Lý nói chung. Ngoài ra, như chúng tôi đã phân tích, có thể khẳng định, do có những nét đặc thù rất riêng, nên phong cách tượng người chim Phật Tích gần như khác hẳn các phong cách cũng như các kiểu tượng người chim của các nền nghệ thuật cổ khu vực Nam Á, trong đó có Ấn Độ và Đông Nam Á. Về sự khác biệt này, ngay từ năm 1944, khi chỉ mới phát hiện có một hiện vật, nhà nghiên cứu nghệ thuật cổ Việt Nam người Pháp Louis Bezacier đã nhận thấy ngay. Như chúng tôi đã trích dẫn, theo L.Bezacier, ba hình tượng điêu khắc được phát hiện tại Phật Tích là Hộ pháp (Lokapala), người chim (Kinnari) và Kim cương (Vajrapala) đã cho thấy, không chỉ có ảnh hưởng Trung Quốc thời Đường, mà còn có cả ảnh hưởng Ấn Độ. Tuy không rõ những ảnh hưởng này đã được đưa tới miền bắc Việt Nam bằng con đường nào, song  Louis Bezacier cho rằng miền Trung Á là một chặng đường không phải là kém quan trọng. Cũng theo Louis Bezacier, một đặc điểm có thể nói là chủ yếu thấy trên các hình tượng điêu khắc này là những hình hoa nhỏ có năm, sáu, bảy hay tám cánh chạm rải rác trên hình tượng. Riêng ở người chim, cũng những hình hoa đó, nhưng to hơn, được làm trang sức trên búi tóc và được kết thành dải hoa để giữ lấy tóc phía trên trán. Louis Bezacier cho rằng kiểu trang sức hoa như của các người chim Phật Tích là đặc điểm nhận thấy trên nhiều hình tượng điêu khắc và hội họa của miền Trung Á. Rất tiếc là, nhà nghiên cứu người Pháp lại chỉ dừng lại ở một nhận định khá là chung chung. Mặc dầu vậy, theo chúng tôi, đây là một cảm nhận, có thể nói là rất chuyên môn và rất quan trọng để nghiên cứu. Thế nhưng, vì nhiều lý do, các nhà nghiên cứu Việt Nam sau này lại không để ý đến gợi ý của Louis Bezacier, mà có xu hướng đi tìm mối quan hệ và sự ảnh hưởng của nghệ thuật Chămpa trong các tượng người chim thời Lý. 
      Giờ đây, trên cơ sở phân tích một loạt các tượng với một số lượng khá nhiều, chúng tôi nhận thấy cảm nhận của Louis Bezacier về ảnh hưởng Trung Á đến tượng người chim Phật Tích là có cơ sở. Theo tôi, không chỉ các hình hoa trang trí, mà một số chi tiết tạo hình khác trên tượng người chim Phật Tích là chịu ảnh hưởng của Trung Á, mà cụ thể là của nền nghệ thuật Phật giáo của vương quốc Phật giáo Khotan (người Trung Quốc gọi là Nguyệt Chi hay Nhục Chi) tồn tại từ đầu công nguyên đến thế kỷ XI tại lòng chảo Tarim ở Trung Á (nay thuộc Tân Cương, Cam Túc, Trung Quốc. Vào giữa thế kỷ VII, Vương quốc Nguyệt Chi bị nhà Đường thôn tính. Trong những thế kỷ thuộc Đường, nghệ thuật Phật giáo Khotan đã để lại nhiều di sản quan trong và nổi tiếng như các tác phẩm điêu khắc, các bích họa ở Kucha và chùa hang Kizil. Như các nhà nghiên cứu đã nhận thấy, nghệ thuật Phật giáo Khotan là sự kết hợp hài hòa của nghệ thuật Phật giáo Trung Á thời Kushan và nghệ thuật Trung Hoa thời Đường. Trên các hình điêu khắc và đặc biệt là trên các bich họa (ở Kizil) của nghệ thuật Khotan, những hình hoa nhỏ, như ở tượng người chim Phật Tích, luôn xuất hiện làm các trang trí trên đầu tóc, quần áo của các nhân vật khác nhau. Ngoài ra, trong nghệ thuật Khotan, ở các hình người, chiếc mũi được thể hiện nhọn hơn, đôi mắt được thể hiện xếch nhiều hơn so với lệ thường ở nền hội họa Ấn Độ. Cũng theo các nhà nghiên cứu, đôi mắt nhỏ, cái miệng bé cặp lông mày cao hình chim én cũng là những nét đặc trưng của nghệ thuật Nguyệt Chi. Ngoài ra, theo quan sát của chúng tôi, phần thùy tai (dái tai) lớn kéo dài tới tận vai và được thể hiện gần như độc lập với tai ở các tượng người chim Phật Tích rất giồng thùy tai của một số nhân vật quan trọng nhất của Phật giáo như Đức Phật, Mahakashyapa (Đại Ca Diếp) trên tranh tường chùa hang Kizil(5). Nếu đẩy xa hơn nữa đến thời Kushan, chúng tôi còn nhận thấy hình dáng, cấu trúc, chức năng và các nhạc cụ của những tượng người chim Phật Tích có nhiều nét gần với năm tượng nhạc công thế kỷ II-III ở khu di tích Phật giáo Airtam (nước Cộng hòa Uzbekistan) đang cùng hòa tấu năm âm thanh linh thiêng của nhà Phật (panchamahashabda)(6). 
     

Bồ tát Kucha (Bảo tàng Guimet), Bích họa Kizil và nhạc công Airtam 

     Như vậy, một lần nữa có thể khẳng định, những cảm nhận của Louis Bezacier về những ảnh hưởng của nghệ thuật Trung Quốc thời Đường và của Ấn Độ vùng Trung Á trên hình tượng người chim Phật Tích là có cơ sở. Thế nhưng, chúng tôi muốn nhấn mạnh thêm là hai ảnh hưởng trên không phải đi từ hai hướng Ấn Độ và Trung Hoa, mà là từ một nơi, từ nền nghệ thuật Phật giáo Khotan, đã đến miền bắc Việt Nam. Và, theo chúng tôi, chính những ảnh hưởng của nghệ thuật Phật giáo Khotan đã góp phần tạo nên một phong cách tượng người chim rất đặc biệt của Phật Tích nói riêng và của thời nhà Lý nói chung.  
 Chú thích
1. Louis Bezacier, Essais sur l’art Annamite, Hanoi, 1944, tr. 218-219
2. Chu Quang Trứ, Tượng cổ Việt Nam với truyền thống điêu khắc dân tộc, Nxb.Mỹ thuật, Hà Nội, 2001, tr.69-72.
3. Thích Đức Thiện, Phật Tích – di sản văn hóa Phật giáo, Nxb.Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2014, các hình minh họa từ 44 đến 54. 
4. Có thể tham khảo: Sherman E.Lee, A History of Far Eastern Art, New York, 1964. Vittorio Roveda, Images of the Gods – Khmer Mythology in Cambodia, Laos & Thailand, River Books, Bangkok, 2005. 
5. E.Lee, A History of Far Eastern Art, New York, 1964 (bản dịch tiếng Việt của Trần Văn Huân, Nxb. Mỹ thuật, Hà Nội, 2007, tr.174-179, hình 195,196.
6. B.A.Staviski, Nghệ thuật Trung Á thời cổ đại (TK.VI trước CN – TK VIII CN), Nxb.Mỹ thuật, Matxcơva, 1974 (tiếng Nga), tr.93, h.67-71.
- PGS.TS.Ngô Văn Doanh -


 




 
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết