1. Thực trạng về đào tạo các ngành MTUD
Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế toàn cầu, sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ thông tin cùng những phát minh khoa học trên thế giới đã tác động sâu rộng và làm thay đổi mạnh mẽ nhiều phương diện và mở ra hàng loạt vấn đề cần được giải quyết. Đó cũng là những cơ hội cho các ngành học nắm bắt thời cơ và bắt nhịp xu hướng phát triển trên thế giới và khu vực. Đào tạo Mỹ thuật nói chung và mỹ thuật ứng dụng nói riêng là yêu cầu đặt ra từ thực tiễn cũng như từ phương diện lý luận chuyên ngành mỹ thuật ứng dụng hiện nay.
“Mỹ thuật ứng dụng” hay “Mỹ thuật công nghiệp” bắt nguồn từ thuật ngữ “Design” được sử dụng ở Việt Nam từ những thập kỷ 70 của thế kỷ XX, khi mỹ thuật nước nhà tiếp cận với nền Design của Cộng hòa dân chủ Đức và Liên Xô cũ . Mỹ thuật ứng dụng là một lĩnh vực thuộc phạm vi Nghệ thuật - Kinh tế - Kỹ thuật2 “Thiết kế Design không phải là thiết kế kỹ thuật đơn thuần, nhằm mục đích hoàn thiện hoặc vận hành thuần túy hệ thống kỹ thuật và cũng không phải là công tác thiết kế mỹ thuật biểu thị niềm hưng phấn của họa sĩ, nó là việc làm mà thông qua đó sản xuất được nối liền với thị trường” 3. Hiện nay, theo nhu cầu của xã hội nhiều trường tập trung đào tạo các chuyên ngành thuộc lĩnh vực Mỹ thuật ứng dụng như Thiết kế Kiến trúc (architech design), Thiết kế Nội thất (interior design), Thiết kế Đồ họa (graphic design) thông tin truyền thông, Thiết kế Thời trang (fashion design) và Thiết kế tạo dáng sản phẩm (product design).
Trước những năm 1985, đào tạo Mỹ thuật ứng dụng chủ yếu là bản thiết kế vẽ tay các sản phẩm (mang tính chất thủ công) và gần như không quan tâm đến thị trường tiêu thụ, thị hiếu người dùng, địa chỉ nhận sản xuất.... Sau năm 1986, khi Việt Nam chuyển đổi mô hình kinh tế đã tạo cơ hội cho Mỹ thuật ứng dụng có cơ hội phát triển. Nhưng phải từ thập kỷ 90 trở đi, các cơ sở đào tạo Mỹ thuật ứng dụng bắt đầu bắt nhịp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 (3.0), sử dụng công nghệ thông tin, máy vi tính kết nối mạng internet. Hiện nay có gần 40 cơ sở đào tạo công lập và dân lập trong cả nước về Mỹ thuật ứng dụng4 .
Phần lớn các cơ sở đào tạo Mỹ thuật ứng dụng đều có những điểm tương đồng trong việc thiết kế chương trình đào tạo đặc biệc về tin học gồm tin học cơ bản và tin học chuyên ngành (các phần mềm Photoshop, CorelPainter, Autocad, IIIustrator, 2D, 3Dmax) với thời lượng môn học từ 45 tiết đến 90 tiết cho chương trình đào tạo 5 năm “Cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư (4.0) mở ra nhiều cơ hội nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm; tạo ra sự thay đổi lớn về hình thái kinh doanh dịch vụ; tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo… tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn và đẩy tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ số và Internet đồng thời cũng là cơ hội lớn cho sản xuất công nghiệp với trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến” 5.
Trong cuộc sống, chúng ta luôn gặp các hình ảnh quảng cáo ở khắp nơi, từ quảng cáo biển hiệu, quảng cáo tấm lớn đường cao tốc, quảng cáo cầu thang máy, ôtô, đến các quảng cáo ở siêu thị, trên truyền hình, trang mạng... Sự cạnh tranh của nền kinh tế mở, việc thay đổi thị trường tiêu dùng, của thị hiếu của khách hàng liên tục đòi hỏi các mẫu mã thiết kế mới phải thay đổi. Nhu cầu về nhân lực cho thị trường nhân sự ngành mỹ thuật ứng dụng ngày càng tăng. Nhiều cơ sở mới mở ngành mỹ thuật ứng dụng để đào tạo. Một số ngành mới, thuật ngữ mới ra đời, trường hợp chuyên ngành mỹ thuật đa phương tiện/Multimedia6 là một ví dụ7 . Nhiều cơ sở nhanh chóng đào tạo chuyên ngành ”hot” này như FPT, Arena, Quốc tế KENT, Đại học Hoa Sen, Đại học Văn Lang, Cao đẳng trang trí Mỹ thuật Đồng Nai, Viện Phim hoạt hình… Trong khi đó phần lớn các cơ sở có truyền thống đào tạo mỹ thuật tạo hình và mỹ thuật ứng dụng uy tín trong cả nước như Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Đại học Mở Hà Nội, Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương… đều “chậm chân” và lúng túng trong việc triển khai những ngành mới.
Trong khi đó, công nghệ thông tin thay đổi đã phái sinh nhu cầu về nguồn nhân lực mỹ thuật đa phương tiện để phục vụ cho các công ty quảng cáo, Đài phát thanh, truyền hình, các tòa soạn, nhà xuất bản, công ty sản xuất phim, video, trò chơi, phần mềm, website.... Mỗi một cuộc cách mạng công nghệ đều đem đến thay đổi về kỹ thuật, sản phẩm công nghệ phục vụ thị trường khác nhau. Điều này đòi hỏi các nhà thiết kế phải hiểu và có khả năng ứng dụng trong việc thiết kế sản phẩm. Trên thực tế, nhiều hoạ sĩ sử dụng các phần mềm kỹ thuật số như là một công cụ cần thiết để làm việc, khi sản phẩm thiết kế trên thị trường thay đổi như thiết kế game, app ứng dụng (trên máy tính và điện thoại), sản phẩm mỹ thuật 3D… đã có sự phân cấp năng lực và thị trường từ nhân lực thiết kế. Do vậy, việc tự nâng cao chuyên môn, cập nhật các sản phẩm công nghệ và kỹ thuật mới để có thể thực hiện được các hợp đồng thiết kế theo nhu cầu xã hội hay không còn phụ thuộc vào nhu cầu tự thân của các hoạ sĩ.
2. Công nghệ là nền tảng để hiện thực hóa các ý tưởng thiết kế sáng tạo nghệ thuật
Cuộc cách mạng công nghiệp (1.0) đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất, diễn ra cuối thế kỷ 18. Cuộc cách mạng công nghiệp (2.0) lần thứ 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt, diễn ra vào cuối thế kỷ 19. Cuộc cách mạng công nghiệp (3.0) lần thứ 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất, máy vi tính xuất hiện và được nối mạng internet thì chúng ta bước vào kỷ nguyên của cuộc cách mạng tin học hóa, diễn ra vào giữa thế kỷ 20. Cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư (4.0) đang tiếp nối từ cuộc cách mạng công nghiệp lần 3 là sự kết hợp các công nghệ đã làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học, xuất hiện năm 2013 trong một báo cáo của chính phủ Đức.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang hiện diện trong hầu hết các lĩnh vực cuộc sống của chúng ta từ y học chụp chiếu soi, mổ nội soi, mổ robot; ngân hàng thanh toán qua thẻ, qua internet; dịch vụ như taxi Uber, Grab, dịch vụ giao hàng… Đối với ngành mỹ thuật ứng dụng, công nghệ thông tin luôn là công cụ hỗ trợ đắc lực giúp người thiết kế nội thất vẽ mặt bằng, mặt cắt, không gian 3D; giúp các hoạ sĩ thiết kế đồ họa chuyển từ hình tĩnh đến hình động trong quảng cáo, làm phim, trò chơi game; giúp các nhà thiết kế thời trang trong công nghệ in dập hoạ tiết 3D, máy tạo chất liệu vải… cho thấy công nghệ thông tin không những là công cụ hỗ trợ cho các ngành nghề mà nó còn là một ngành chủ lực, mũi nhọn, có tính thời đại trong phát triển của cuộc cách mạng công nghệ.
3. Cơ hội và thách thức
Cơ hội
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được nhìn nhận phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ, làm thay đổi mọi lĩnh vực của cuộc sống trong xã hội và tạo “cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; giảm đáng kể chi phí giao dịch; cơ hội đầu tư hấp dẫn và đầy tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ số và Internet…”8 . Đây cũng là cơ hội cho đào tạo ngành mỹ thuật ứng dụng tiếp thu nâng cao phương pháp giảng dạy, có thể kết nối và tham quan các bảo tàng mỹ thuật ảo/trực tuyến trên thế giới nhờ internet, có thể toạ đàm quốc tế giữa các nhà thiết kế trên toàn cầu qua webcam…
Cơ hội việc làm nhiều hơn khi các công ty và các dịch vụ ra đời, từ thiết kế danh thiếp, logo công ty hay tờ rơi, tờ gấp quảng cáo cho thương hiệu đến những việc làm mới phát triển trong vài năm gần đây như: Thiết kế trò chơi, thiết kế Website, làm phim hoạt hình 2D, 3D, thiết kế truyền thông tương tác… Bên cạnh đó, các ngành truyền thống như thiết kế Nội thất, thiết kế Kiến trúc, thiết kế Thời trang cũng được hưởng lợi từ các ứng dụng công nghệ kết nối toàn cầu, dễ dàng hơn cho việc tham khảo tư liệu từ ý tưởng sáng tạo đến tiêu thụ sản phẩm, đến dịch vụ xuất phát từ nhu cầu đa dạng của thị trường…
Thách thức
Cùng với tiến bộ khoa học - công nghệ sản phẩm vật chất ngày càng nhiều, thì văn minh tinh thần, giá trị truyền thống, đạo đức có thể sẽ ngày càng giảm dần, điều này rất ảnh hưởng đến các nhà thiết kế trẻ khi chạy theo công nghệ phát triển ý tưởng sáng tạo nhanh nhưng sản phẩm của họ không còn đảm bảo được các yếu tố: hữu dụng, thẩm mỹ cao, tính dân tộc. Như vậy, những sản phẩm đó không thỏa mãn các điều kiện hữu dụng toàn diện về giá trị cao về mặt sử dụng, tính nghệ thuật hấp dẫn - đây là xu thế thời đại, vì chỉ những sản phẩm nào bộc lộ được rõ nét bản sắc dân tộc, ghi được dấu ấn tài năng và phong cách độc đáo của người thiết kế và có tính hội nhập cao mới được thị trường hiện đại toàn cầu chấp nhận. “Nếu không bắt kịp nhịp phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam sẽ phải đối mặt những thách thức như: tụt hậu về công nghệ, suy giảm sản xuất, kinh doanh; dư thừa lao động có kỹ năng và trình độ thấp, gây phá vỡ thị trường lao động truyền thống, ảnh hưởng tới kinh tế đất nước; mất an toàn, an ninh thông tin, xâm phạm bản quyền, thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao. Đẩy công nghệ lạc hậu từ các nước phát triển sang các nước chậm phát triển” .9
4. Một số giải pháp phát triển đào tạo ngành Mỹ thuật ứng dụng
Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin như hiện nay, việc đào tạo nguồn nhân lực ngành Mỹ thuật ứng dụng đáp ứng cho nhu cầu xã hội cần một số giải pháp cụ thể như sau:
Loại hình đào tạo: Kết hợp đào tạo nâng cấp với đào tạo lại và bồi dưỡng nâng cao trình độ; mở lớp tại doanh nghiệp; kết hợp đào tạo dài hạn, trung hạn và ngắn hạn... Tăng cường mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo chuyên đề và theo yêu cầu của người học theo phương châm Học tập suốt đời.
Chương trình đào tạo: thiết thực, linh hoạt và cập nhật; Kết hợp đào tạo với nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; Kết hợp nhà trường với xã hội thông qua doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Bên cạnh đó, quan tâm xây dựng các chương trình phù hợp với phương thức đào tạo trực tuyến e-learning. Hệ thống các môn tin học chuyên ngành như Photoshop, CorelPainter, Autocad, IIIustrator, 2D, 3D Max ... Mở mã ngành mới trên cơ sở cập nhật công nghệ, phần mềm phục vụ đào tạo ngành. Mở các chương trình ngắn hạn (cấp chứng chỉ) nhằm mở rộng và nâng cao kiến thức cho sinh viên ở chuyên ngành khác.
Nội dung và phương pháp giảng dạy: cần hệ thống các kiến thức môn học, mạnh dạn bỏ những nội dung bài học cũ và lạc hậu, bổ sung kịp thời những tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới và hiện đại. Phương pháp giảng dạy cần đổi mới theo hướng tích cực hóa quá trình dạy và học, tạo điều kiện cho người học phát huy tính chủ động, sáng tạo trong học tập, dựa trên yêu cầu, nguyện vọng, khả năng và điều kiện của mỗi người. Phương pháp giảng dạy tích cực không tập trung vào việc truyền tải thông tin mà chú trọng nhiều hơn vào giảng dạy phương pháp (dạy cách học) để người học có thể tự học, tự nghiên cứu và hình thành thói quen chủ động có tư liệu kết nối toàn cầu.
Đội ngũ cán bộ giảng dạy: đây là một trong những nhiệm vụ then chốt trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Cán bộ giảng dạy cần có năng lực chuyên môn cao và thành thạo ít nhất một ngoại ngữ, thường xuyên đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy phù hợp với thực tế trong nước và bắt nhịp với quốc tế, có khả năng công nghệ thông tin thành thạo, cập nhật biên soạn các giáo trình phục vụ cho phương thức đào tạo ngắn hạn, đào tạo e-learning trực tuyến… Cán bộ giảng dạy phải thường xuyên tự học, tự nâng cao trình độ để có thể giảng dạy nhiều môn học, nhiều chuyên đề khoa học và tham gia nghiên cứu khoa học. Cán bộ giảng dạy phải có khả năng và điều kiện tiếp cận thông tin mới và các phương tiện kỹ thuật hiện đại của công nghệ thông tin để hòa nhập nhanh chóng với thực tế và hội nhập công nghệ 4.0 với thế giới.
Cơ sở vật chất: cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao trong thời kỳ mới, nâng cấp máy tính, phần mềm học tập cho việc học tin học chuyên ngành, học tập ngoại ngữ, đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm, trang bị thư viện số và các phương tiện nghe - nhìn phục vụ giảng dạy và học tập khác. Nhà trường cần đưa công nghệ thông tin trở thành công cụ chủ yếu và phổ biến phục vụ giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học cũng như triển khai công nghệ đào tạo trực tuyến cho MTƯD.
Tóm lại, chúng ta đang sống trong thời đại thông tin toàn cầu hóa với nền kinh tế hậu công nghiệp và nền kinh tế tri thức. Điều đó không có nghĩa là bỏ xa văn minh tinh thần, giá trị truyền thống. Chúng ta phải xây dựng một xã hội trên nền văn hóa của dân tộc, tận dụng sự phát triển của khoa học công nghệ để phát triển kinh tế, đào tạo Mỹ thuật ứng dụng vẫn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc./.
[1] Nguyễn Ngọc Dũng, Bàn về thuật ngữ Design, Tạp chí Nghiên cứu Mỹ thuật, số 3,4/12, 2012, tr.12-15.
[2] Nguyễn Lan Hương, Vai trò của Mỹ thuật ứng dụng trong đời sống và trong đào tạo, Tạp chí khoa học và Đào tạo ĐH Công nghệ Sài Gòn, Số 01, 2018, tr.25-29.
[3] Nguyễn Ngọc Dũng, Bàn về thuật ngữ Design, Tlđd, tr.12.
[4] Hoàng Minh Phúc, Hợp tác đào tạo và sử dụng nhân lực giữa cơ sở giáo dục và doanh nghiệp trong lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng - Một nhu cầu tất yếu trong giai đoạn hiện nay, Hội thảo Khoa học, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, 2017, tr.76-82
[5] Từ Mạnh Lương, Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với lĩnh vực Văn hóa Nghệ thuật, Hội thảo khoa học, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 2018.
[6] Thuật ngữ Multimedia xuất hiện từ những năm 70 của thế kỷ XX, cho đến nay đã nhiều lần thay đổi nghĩa. Ở Việt Nam, thuật ngữ này được tác giả Đỗ Trung Tuấn bàn luận trong cuốn Giới thiệu về Đa phương tiện trong đó giới thiệu khái quát về Multimedia, mô tả các dạng Multimodia, các tình huống dùng Multimedia. Gần đây, thuật ngữ này được TS Nguyễn Đức Sơn bàn luận trong luận án Tiến sĩ và các bài nghiên cứu về truyền thông đa phương tiện. Thuật ngữ Multimedia là sự kết hợp giữa văn bản, âm thanh, video, hình ảnh, đồ hoạ… (tức là bao gồm yếu tố mỹ thuật).
[7] Nguyễn Lan Hương, Mỹ thuật đa phương tiện và quá trình đào tạo ở Việt Nam, Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, số 378, 2015, tr.55-58.
[8] Từ Mạnh Lương, Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với lĩnh vực Văn hóa Nghệ thuật, Hội thảo khoa học, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 2018.
[9] Từ Mạnh Lương, Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với lĩnh vực Văn hóa Nghệ thuật, Hội thảo khoa học, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 2018.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Ngọc Dũng (2012), Bàn về thuật ngữ Design, Tạp chí Nghiên cứu Mỹ thuật, số 3,4/12, tr.12-15.
2. Nguyễn Lan Hương (2015), Mỹ thuật đa phương tiện và quá trình đào tạo ở Việt Nam, Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, số 378, tr.55-58.
3. Nguyễn Lan Hương (2018), Vai trò của Mỹ thuật ứng dụng trong đời sống và trong đào tạo, Tạp chí khoa học và Đào tạo ĐH Công nghệ Sài Gòn, số 01, tr.25-29.
4. Từ Mạnh Lương (2018), Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với lĩnh vực Văn hóa Nghệ thuật, Hội thảo khoa học, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
5. Hoàng Minh Phúc (2017), Hợp tác đào tạo và sử dụng nhân lực giữa cơ sở giáo dục và doanh nghiệp trong lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng - Một nhu cầu tất yếu trong giai đoạn hiện nay, Hội thảo Khoa học, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, tr.76-82.
PGS.TS. Nguyễn Lan Hương
Ý kiến bạn đọc