Bàn về design

Đăng lúc: Chủ nhật - 24/02/2019 12:34 - Người đăng bài viết: Nguyen Quoc Chinh
.

.

Design: Trước đây ở nước ta thường gọi là “Mỹ thuật công nghiệp”, “mỹ thuật ứng dụng”, “mỹ thuật thực dụng”, “mỹ nghệ”, “Tạo dáng công nghiệp”. Trong bài này dùng từ Design hàm nghĩa nói tới mọi hoạt động nghệ thuật có chiều rộng. De-sign là tên gọi chung cho các nước và là tên gọi của một ngành nghệ thuật mới. Có nhiệm vụ sáng tạo, thiết kế các sản phẩm mỹ nghệ và tổ chức lại trong cách nhìn, xây dựng môi trường thẩm mỹ.
Design có gốc từ tiếng ý là Designo – Thời Phục Hưng dùng từ này để chỉ công việc phác họa hay vẽ nói chung. Đến thế kỷ 16 – 17 dùng sang tiếng Anh để chỉ sự kế hoạch hay phác thảo cho một sản phẩm công nghiệp. Năm 1952, tại hội nghị ICSID ( Hội đồng Mỹ thuật công nghiệp thế giới) công nhận từ Design do học viên Jacque Vienno ở Pháp đề xuất làm tên gọi cho nghề mới này.


Design đang có mặt mọi nơi. Khái niệm này xuất hiện trong không gian, vì thế có thể nói nó hiện diện trong sinh hoạt của con người. Giống như văn học và nghệ thuật, Design ngày trở thành một chủ đề thường gặp trong các chủ đề có mục văn hóa là những tên tuổi nổi tiếng như Charles Eames (1907 – 1978) Walter Gropius (1883 – 1969), Charles R.Mackintosh (1868 – 1928), Ettore Sottsass (1917) v.v… Ngày nay, Design được công nhận như là một lĩnh vực của lịch sử văn hóa. Những triển lãm Design lớn, cũng như các triển lãm nghệ thuật khác ngày càng thu hút số lượng khách tham quan.
Trong công nghiệp, Design là yếu tố quyết định kiểu dáng của sản phẩm. Không những thế, Design còn có tầm quan trọng trong chính sách thương mại, đóng vai trò quyết định sự lớn mạnh của Công ty. Trong thời đại công nghệ cao, chỗ đứng của sản phẩm trong thị trường không chỉ còn là chất lượng và giá cả. Giá cả của sản phẩm phần lớn chỉ là chi phí nguyên liệu và tiền lương. Vì vậy sự khác biệt duy nhất của sản phẩm trong cạnh tranh được nhờ vào hoạt động De-sign. Sự thâm nhập của Design vào sản xuất là việc làm tích cực, kích thích và cải tiến sản xuất.
 
1 / Design tổ chức môi trường thẩm mỹ nơi ở, nơi lao động. Ở nơi lao động có thẩm mỹ, thói quen tự giác của người lao động được thay đổi và nâng cao, trở thành lao động tự nguyện. Tự nguyện lao động giúp người lao động thắng nổi những cơn dày vò thường xuất hiện, đổi được hình thức lao động bắt buộc thành lao động sáng tạo. Hướng tới vẻ đẹp nơi sản xuất, đồng nghĩa với trọng tâm công việc là làm ra các sản phẩm có chất lượng toàn vẹn.
2 / Design được coi như người bạn đường của công nghiệp, tọa cho sản phẩm một vè đẹp giống như một tác phẩm nghệ thuật, được cảm nhận khi nhìn, khi sử dụng. Khi cải thiện hình dáng một sản phẩm để có sự hòa hợp của vẻ ngoài với cấu trúc bên trong, nhà Design vẫn phải xác định nhiều mặt thuộc kỹ thuật, xác định độ ồn của máy nổ, sự nhẫn nại của máy tiện, vẻ hăm hở của máy khoan, nhưng không phải để tìm ra những sai số kỹ thuật mà để tạo nên một cỗ máy có vẻ đẹp như một sinh thể. Chính vì thế, với việc đi tìm vẻ đẹp cho một sản phẩm, Design được coi như một hoạt động hữu hiệu để cải tiến sản xuất và nâng cao chất lượng hàng hóa. De-sign là một hoạt động nghệ thuật kiểu mới bao gồm các kiến thức khoa học, công nghệ kinh tế, nghệ thuật. Design hình thành trên cơ sở những thành tựu của khoa học kỹ thuật hiện đại và trên cơ sở của những tương quan mới, để giải quyết những vấn đề có liên quan đến sự tổng hợp kỹ thuật và mỹ thuật, ở trình độ đã đạt tới mức độ cao và khả năng sản xuất lớn.
 
Design tạo các hình thức giao tiếp mới, thông qua vật phẩm mới nhờ ứng dụng, tổ chức sản xuất có khoa học, nhờ tiêu chuẩn hóa và quy cách hóa, nhờ sự tăng trội tính đa dạng của hàng hóa trong không gian và cuối cùng, Design nhằm đạt tới sự tương ứng của sản phẩm với các yêu cầu của người mua và người tiêu dùng. Thông qua hình dáng của mình, sản phẩm đã trở thành vật tải thông tin về công dụng và ý nghĩa xã hội. Từ điểm này, mà người ta dễ nhận ra, Design chính là cầu nối giữa sản xuất và thương mại, Design là bộ phận thống nhất của Marketing. 
Chính De-sign là “cách nhìn” về thiết kế mỹ thuật theo quan điểm người tiêu dùng, nó đem lại cho hàng hóa các tính chất Market-ing. Tại hội nghị quốc tế London 1966 có ý kiến đã cho rằng Design thống nhất với các lợi ích hoặc hữu dụng mà người tiêu dùng thu nhận được khi mua sản phẩm. Và ở Mỹ do Design được hiểu hơn về mối tương quan giữa con người và sản phẩm, nên nhiều tập đoàn công nghiệp đã mời các Designer tham gia vào kế hoạch hóa sản phẩm, vào việc nghiên cứu thị trường, vào công việc tổng kết kế hoạch hóa sản phẩm, vào việc nghiên cứu thị trường, vào công việc tổng kết kế hoạch hóa và quy hoạch hóa của hãng. Theo cách hiểu đầy đủ của vấn đề này, thì phần lớn công việc đối với sản phẩm đều dựa trên quan niệm sản phẩm là bộ phận của phức hợp Marketing (bao gồm cả hình dáng và bao bì). Thiết kế Design không phải là thiết kế kỹ thuật đơn thuần, nhằm mục đích hoàn thiện hoặc vận hành thuần túy hệ thống kỹ thuật và cũng không phải là công tác thiết kế mỹ thuật biểu thị niềm hưng phấn của họa sĩ, nó là việc làm mà thông qua đó sản xuất được nối liền với thị trường. Thường người thiết kế sản phẩm phải có giác quan thứ sáu về người mua hàng đại chúng, không thiết kế sản phẩm từ yêu cầu biểu thị cá nhân mình. Chính nhu cầu sáng tác chân thực Design. Tuy nhiên, việc tạo hình dáng sản phẩm vẫn phải theo quy luật phát triển thẩm mỹ. Đó là mục đích, xét về thực tế thì thẩm mỹ có cả trong hành động mua bán. Mua bán giờ đây không chỉ là hành động kinh tế đơn thuần mà có cả hành động thẩm mỹ.

 
Sự có mặt của Design đã giúp cho sản xuất thu lượm nhiều điều tốt đẹp. Vào những năm giữa thế kỷ 19, Michacl Thonet thử nghiệm với quy trình uốn cong gỗ, theo hình tròn, hình chữ S dưới sức ép của hơi nước. Những chiếc ghế mà ông tạo ra phù hợp một cách lý tưởng với quy trình sản xuất trong các nhà máy, đồng thời có thể tháo lắp và vận chuyển. Số lượng ghế tung ra thị trường ngày một nhiều, đỉnh cao là nhà máy ở Frankenberg mỗi ngày sản xuất được 4000 sản phẩm. kiểu dáng của chiếc ghế do Thonet sáng chế mang ký hiệu số 14 có sức sống lâu dài từ cuối thập niên 50 – 70 của thế kỷ 19, ngày nay vẫn được trưng bày tại các triễn lãm quốc tế và các sản phẩm vẫn được sản xuất cho các nhà sưu tập và cho các bảo tàng.
 
Còn ở Ý, do có thành công trong ngành sản xuất thép, và cùng với nó, ra đời nền sản xuất vận dụng như ô tô, máy chữ, xe máy. Xe Vespa Scooter và Fiat 500 của Ý rất nổi tiếng, khiến đã có một thời, cả dân Mỹ và Châu Âu đều muốn có giầy và váy của italia, đi xe Vespa Scooter hay xe Lambretas và uống cà phê Espresso.
Bên cạnh một sản phẩm nổi tiếng, còn có sự tồn tại và nổi tiếng của một tên tuổi. Raymond Loewy được coi là một nhà tạo dáng người Mỹ tinh túy. Ý tưởng của ông đã tạo nên một hình ảnh của lối sống Mỹ và khiến ông đã trở thành một Designer thành công nhất trong thế kỷ 20, Loewy có niềm say mê với công nghệ hiện đại, ông muốn làm tương thích người tiêu dùng với công nghệ, thông qua vẻ đẹp của dình dáng. Ông cũng muốn là Designer tiên phong đặt tác phẩm của mình trong thị trường hiện đại và giới thiệu sản phẩm của mình ra quảng đại quần chúng thông qua các chiến dịch quảng cáo rầm rộ. Ông đã làm lại nhiều sản phẩm, tạo cho chúng một bề ngoài hấp dẫn và mới hơn, đẹp hơn để tăng doanh số và lợi nhuận. Phương châm của ông là “không bao giờ bằng lòng”. Trong các thập kỷ bẩy và tám mươi, khi người tiêu dùng càng trở nên khó tính, thì khẩu hiệu không bao giờ bằng lòng”, “hàng xấu bán không chạy”, càng đúng đắn hơn bao giờ hết. Với các thiết kế nổi tiếng, như Mý copy của hãng Gestener, đầu máy xe lửa SI của hãng xe lửa Pennsylvania, thùng đựng Co-cacola, logo hãng Shell, bao bì và quảng cáo cho Lucky Strike, xe bus Greyhound, ông đã được người Nga mời tạo dáng ô tô Moskvitch. Nước Mỹ đã tỏ ra tích cực đối với hoạt động Design. Design Mỹ có khách hàng ở hơn 20 nước. Design đã tạo được ước mơ Mỹ. Nó đã sáng tạo những giá trị tượng trưng của hình dáng vật phẩm phân biệt hình thể trong mối liên quan với ý nghĩa của chúng, ấn tượng mạnh mẽ và đặc biệt về hình thể đang là khả năng hiện nay của người tiêu thụ. Hình dáng của vật dụng hiện đại trong sinh hoạt, nếu tách khỏi công dụng hữu ích của nó, hoàn toàn có thể thụ cảm như một tác phẩm điêu khắc hoặc hội họa trừu tượng, khi mà trước kia nghệ thuật trừu tượng đã chuẩn bị cho sự ra đời của Design, thì đến lượt mình, Design lại tạo cơ sở cho một khuynh hướng mới trong nghệ thuật.

 
Nhìn sự phát triển của Design và trên khung cảnh đổi mới của xã hội, thì một cách nhìn Design như tên gọi mỹ thuật công nghiệp cần phải thay đổi. Thay đổi không phải chỉ ở phương diện từ ngữ, mà là nội hàm công việc.
Design không đồng nghĩa với trang trí và cũng không cần phải là ứng dụng mỹ thuật vào sản xuất. Cần phải thấy sự tiến triển của de-sign gắn bó với sự tiến bộ của sản xuất, là kết quả nảy sinh, phát triển của nhu cầu tiêu dùng và biểu hiện tính cách của người tạo dựng môi trường văn hóa thẩm mỹ thời đại. Với Design ở nước ta thỉnh thoảng lại dội lên những cổ động, như triễn lãm mẫu thiết kế sản phẩm, lời hô hào trên báo chí, nhưng tới bây giờ nền kinh tế đã mở cửa Design vẫn chưa trở thành bộ phận hữu cơ của nền sản xuất công nghiệp. Lời kêu gọi của các cơ sở sản xuất phải có mẫu, mã hàng mới. Nhưng nào thấy ai “tự nguyện” đầu tư cho nghiên cứu và ứng dụng Design vào sản phẩm của mình. Thường là sao chép mẫu mã của nước ngoài, nếu không thì nằm chờ để ký hợp đồng gia công. Ngành may, tuy đã có nhiều cuộc thi sáng tác thời trang, nhưng vẫn ở trong tình trạng may gia công. Vì còn nỗi lo kinh tế liệu cơ sở sản xuất có tồn tại tốt không? Với đồng lương gia công ít ỏi nên không thể đầu tư cho Design. Về phía đào tạo, cũng cần có thay đổi để những Designer thực thụ có nghề De-sign, xóa dần sự ngăn cách giữa đào tạo với sản xuất.
Muốn vậy, Design phải trở thành nguồn gốc tích lũy của các trào lưu cách tân văn hóa và kinh tế. Đầu tư cho Design phải có chiều sâu, ngoài nối tiếp tờ truyền thống xa xưa, còn phải biết đăt nó vào dòng phát triển của nền công nghiệp. Trong quan niệm, chúng ta chỉ đặt Design (thường vẫn đặt nó vào chuyên ngành nghệ thuật ứng dụng) vào lĩnh vực nghệ thuật , nhưng tiếc thay các nhà quản lý văn hóa cũng chẳng làm gì cho De-sign tốt hơn. Còn trong thời kinh tế đang hòa nhập toàn cầu, các nhà kinh tế mong muốn có sự cân bằng trong xuất và nhập khẩu. Từ lãnh đạo đến các doanh nghiệp đều thấy phải có mẫu hàng mới trong xuất khẩu. Cứ theo sự phân tích trên, thì Design có vị trí quan trọng với công việc này. Nhưng cần có một thái độ và sự quan tâm đúng đắn cho sự phát triển của Design trong ngành công nghiệp sản xuất của chúng ta.

Thực tế, với sự đóng góp của các nhà thiết kế Design, một số mặt hàng như đồ gốm, giầy da, quạt máy, đồ gỗ, đồ thủ công mỹ nghệ đã phần nào để chúng len chân vào thị trường tiêu thụ. Song vẫn là cung cách làm việc với tư duy ngắn hạn- vụ mùa. Design không thể đứng bên lề sản xuất, Nhà nước cũng cần có chính sách khuyến khích với Design (tối thiểu cũng được một phần như các ngành nghệ thuật khác). Thời điểm nền kinh tế mở cửa, cần nhanh chóng nắm lấy “nhịp đập của Design” mới thắng nổi những cơn dày vò của thị trường cạnh tranh khắc nghiệt. Với bài viết này, khi kết thúc đọng lại trong tôi điều suy nghĩ: từ chối Design hôm nay sẽ là suy sụp kinh tế ngày mai và ảnh hưởng xấu đến nền văn hóa thẩm mỹ cũng như đời sống tinh thần trong mục tiêu phát triển xã hội văn minh.
PGS.TS.Nguyễn Ngọc Dũng
 
 
 
 

 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết