Thiết kế nội thất nhà ở

Đăng lúc: Thứ ba - 25/10/2016 02:25 - Người đăng bài viết: Le Trong Nga
.

.

Nhà ở là loại hình kiến trúc - nội thất, là phần bên trong kiến trúc để mỗi gia đình cư trú, sử dụng hàng ngày, là môi trường do con người sử dụng vật chất, kỹ thuật, không gian…tạo ra để thỏa mãn các yêu cầu cho người sử dụng.
THIẾT KẾ NỘI THẤT NHÀ Ở
                     TS. Nguyễn Lan Hương
 
     Nhà ở là loại hình kiến trúc - nội thất, là phần bên trong kiến trúc để mỗi gia đình cư trú, sử dụng hàng ngày, là môi trường do con người sử dụng vật chất, kỹ thuật, không gian…tạo ra để thỏa mãn các yêu cầu cho người sử dụng. Vì vậy thiết kế nội thất luôn luôn phát triển và tồn tại cùng với sự phát triển của xã hội, xu hướng phát triển ngày càng cao, đòi hỏi sự phục vụ cho đời sống con người cũng cao theo, đáp ứng được nhu cầu và sự thỏa mãn của các thành viên trong gia đình sống trong không gian nội thất.

Hình 1: Nội thất nhà ở
    Mỗi thành viên gia đình sau những giờ làm việc, học tập… căng thẳng lại được về không gian sống mà họ cho là ấm cúng thoải mái nhất - vì thế thiết kế nội thất nhà ở càng trở nên quan trọng. “Thiết kế nội thất là một loại hình nghệ thuật nhằm tổ chức môi trường thẩm mỹ nơi ăn, ở, lao động, sinh hoạt, nghỉ ngơi của con người, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội trong lĩnh vực nghệ thuật. Trang trí nội, ngoại thất đóng vai trò hình thành phong cách, nếp sống của mỗi quốc gia, mỗi tộc người trong xã hội. Khi thiết kế nội thất nhà ở phải đề cập đến mọi vấn đề liên quan như tâm sinh lý, lứa tuổi, văn hóa giao tiếp, ứng xử cũng như những phong tục tập quán của từng dân tộc.” [trg 5 - TLTK1].
     “Quá trình thiết kế nhà ở là quá trình tư duy tổng hợp để giải quyết các nhu cầu của nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội. Sản phẩm cuối cùng là một mô hình nhà ở đáp ứng được nhu cầu và lối sống của gia chủ, đồng thời cũng thể hiện được khả năng sáng tạo của nhà thiết kế. Nghĩa là nó phải đáp ứng được những tiêu chí cơ bản là Đẹp, Ích dụng và Bền vững, nhưng đồng thời cũng thể hiện được xu hướng, phong cách, ý tưởng mà nhà thiết kế muốn gửi gắm. Vì thế, người thiết kế phải luôn cập nhật những thông tin từ nhu cầu xã hội, điều kiện kinh tế, lối sống, tính đa dạng của môi trường, sự thay đổi của khoa học và kỹ thuật v.v...” [trg 5 - 
TLTK1].
     Tìm hiểu chung về nhà ở giúp cho sinh viên có kiến thức tổng quát nhất, củng cố năng lực sáng tạo và một số kỹ năng cơ bản trong thiết kế nội thất.

HƯỚNG DẪN PHƯƠNG PHÁP THIẾT KẾ
     Khi Thiết kế nội thất nhà ở, người thiết kế cần làm gì?
I. Kế hoạch chuẩn bị cho thiết kế
     Trước khi thiết kế chúng ta cần nghiên cứu 3 vấn đề chính
1.1. Lứa tuổi 
     Trong thiết kế nội thất nhà ở, lứa tuổi là một trong yếu tố quan trọng nhất mà người thiết kế cần nghiên cứu kỹ (có nhiều cách phân chia độ tuổi, nhưng để người làm thiết kế có cách nhìn cơ bản) chúng ta phân chia làm 3 mức độ:
     - Độ tuổi dưới lao động (từ 0 đến 9 tuổi): Độ tuổi này thích được nghịch, thích đông vui, ồn ào, thích ánh sáng, thích màu sắc rực rỡ (hay gọi theo chuyên môn mầu cơ bản, màu mạnh…).

Hình 2: Nội thất phòng ở cho lứa tuổi 0 đến 9
 
     - Trong độ tuổi lao động (15 tuổi - 59 tuổi): Độ tuổi này so với độ tuổi dưới lao động (từ 0 đến 9 tuổi) có nhiều thay đổi, yêu cầu giảm nhẹ hơn từ mầu sắc tới tiếng ồn. Vì đây là độ tuổi chủ chốt, trụ cột của xã hội nên khi thiết kế cần phân tích kỹ hơn, kết hợp với nhiều ngành nghề chuyên môn khác (ví dụ như học sinh, sinh viên, người đi làm nhiều ngành nghề khác nhau).

Hình 3: Nội thất phòng ngủ cho lứa tuổi 15 đến 59

    - Độ tuổi trên lao động (60 tuổi trở lên), đây là độ tuổi được nghỉ ngơi, tuổi này ngược hẳn với độ tuổi dưới lao động, họ thích yên tĩnh, sống chậm hơn, không ồn ào, mầu sắc không quá rực, quá sáng.

Hình 4: Nội thất phòng ngủ cho lứa tuổi trên 60
1.2. Thành phần
     Thành phần chính là việc xem xét, nghiên cứu kỹ các thành viên trong gia đình để chúng ta có cách nhìn bao quát nhất
     - Bao nhiêu người sinh sống
          + Gia đình nhỏ: 2 - 4 người
          + Gia đình trung bình: 3 - 6 người
          + Gia đình lớn : 7- 8 người
          + Gia đình lớn trên 9 người
      - Bao nhiêu lứa tuổi (thế hệ trong gia đình)
      - Bao nhiêu công việc (học sinh, sinh viên, cán bộ, hưu trí…)
1.3. Lối sống
     Lối sống được tạo thành bởi nhiều các yếu tố: phong tục tập quán, vùng miền, môi trường khí hậu, dân tộc, nghề nghiệp (công nhân, viên chức, trí thức, doanh nghiệp…)
     Lưu ý: Khi thành phần trong gia đình có nhiều người, chúng ta nên chọn đối tượng thiết kế chính, thường là chủ căn hộ (nên có nội dung đăt hàng, giao nhiệm vụ cho người thiết kế)

II. Chọn kiến trúc (hồ sơ kiến trúc)
     Chúng ta cần quan tâm tới mục (I), (cần có quy hoạch kiến trúc - chọn được một căn hộ trong quy hoạch kiến trúc).

Hình 5: Mặt bằng tầng 1 biệt thự phố
     - Căn hộ
          + Kiểu nhà
          + Tính riêng biệt và thống nhất của ngôi nhà
          + Hướng nhà
     - Lựa chọn loại căn hộ (phân loại nhà ở)
          + Nhà ở nông thôn
          + Nhà ở biệt thự
          + Nhà ở liền kề
          + Nhà ở chung cư
     - Đặc điểm căn hộ
          + Vị trí 
          + Diện tích
          + Địa hình
          + Giao thông
          + Môi trường
    - Không gian sống (tương ứng các phòng nội thất cần thiết kế)
          + Ăn - phòng ăn, bếp
          + Sinh hoạt - phòng khách
          + Làm việc - phòng làm việc
          + Nghỉ ngơi - phòng ngủ
          + Vui chơi - sinh hoạt chung
     ……..
Lưu ý: khi thiết kế các không gian trên cần nghiên cứu các trang thái, hoạt động của con người (ecgonomi - nhân trắc học)

III. Những yêu cầu cơ bản của thiết kế
(Trong bài viết tiếp theo)
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Thiết kế nội thất nhà ở - NXB Khoa học kỹ thuật - năm 2016 - TS. Nguyễn Lan Hương, ThS Nguyễn Bích Liễu.
2. Thiết kế nhà chung cư ở Việt Nam hiên nay- tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 381-2016- TS. Nguyễn Lan Hương
3. Ánh sáng màu sắc trong trang trí nội thất nhà ở - tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 383-2016- TS. Nguyễn Lan Hương
4. Kiến trúc nhà ở - NXB Xây dựng - năm 2010 - Đặng Thái Hoàng
5. Kiến trúc nhà ở - NXB Xây dựng - năm 2012 - GS.TS.KTS. Nguyễn Đức Thiềm  
6. Thiết kế nhà ở - NXB Xây dựng - năm 2012 - PGS.TS.KTS. Trần Xuân Đỉnh 
7. PGS.TS.KTS Nguyễn Đức Thiềm - 2004 - Nguyên lý thiết kế kiến trúc nhà dân dụng - NXB Khoa học kỹ thuật, Hà Nội.
8. Bộ xây dựng - 1997 - Tuyển tập (tập IV) Tiêu chuẩn xây dựng của Việt Nam - NXB Xây dựng, Hà Nội 
9. Các tạp chí trong và ngoài nước về nội thất, kiến trúc nhà ở 
10. Các bài hướng dẫn thiết kế  đồ án sinh viên khoa Tạo dáng công nghiệp 
 
 
 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết