1. Chính trị văn hóa ở Việt Nam từ năm 1858-1945
1.1. Chính trị Việt Nam trước năm 1858-1945
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam với lý do triều đình Huế ngược đãi các giáo sĩ và cự tuyệt không nhận quốc thư của Pháp đòi tự do buôn bán. Năm 1859, khi không thắng nổi quân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của nhà Nguyễn, thực dân Pháp đã quay vào Nam Bộ và tiến công thành Gia Định. Triều đình nhà Nguyễn phân vân, có phái chủ chiến, có phái chủ hoà. Năm 1862, thực dân Pháp đã chiếm được các tỉnh thành ở Gia Định như Định Tường, Biên Hoà, Vĩnh Long. Năm 1867,chúng lại chiếm nốt ba tỉnh miền Tây, mở đầu đặt ách thống trị ở Nam Bộ.
Năm 1882, Pháp đánh Hà Nội. Năm 1883, đánh vào kinh thành Huế. Ngày 25- 8- 1883, triều Nguyễn đã phải ký tại Huế một “Hiệp ước hoà bình” (còn gọi là hiệp ước Harmand). Hiệp ước này chính thức đánh dấu thời kỳ, 1883-1945, toàn bộ Việt Nam trở thành thuộc địa của Thực dân. Bắt đầu từ đây Việt Nam bị ép tiếp thu văn hóa với phương Tây. Sự giao lưu văn hoá giữa Việt Nam và phương Tây tác động mạnh mẽ vào hệ tư tưởng của người Việt Nam. Gần một trăm năm dưới sự đô hộ của người Pháp, ở Việt Nam đã tồn tại và xuất hiện nhiều hệ tư tưởng khác nhau, tác động lẫn nhau, tự biến đổi qua từng hoàn cảnh môi trường xã hội…tạo nên một hệ tư tưởng chính trị phức tạp.
Nhìn về tiến trình văn hóa và lịch sử Việt Nam, các hệ tư tưởng, chính trị như Phật gái. Nho giáo…vào Việt Nam từ hàng nghìn năm trước vẫn tồn tại ở xã hội, về mặt bằng chung cơ bản là xóm làng với những người nông dân quanh năm lam lũ chân lấm tay bùn các hệ tư tưởng chính trị không vượt qua khỏi lũy tre làng…Phật giáo, Nho giáo đã và đang tồn tại như một hệ tư tưởng có vị thế đặc biệt ở Việt Nam.
Từ tấm lòng yêu nước, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin rồi đưa vào Việt Nam, lãnh đạo nhân dân đặc biệt biệt là giai cấp công nhân và nông dân…Phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân ngày càng lan rộng và có tổ chức. Ba tổ chức cộng sản ra đời ở Bắc Kỳ, Trung và Nam Kỳ. Đến ngày 3 tháng 2 năm 1930, Nguyễn Ái Quốc chủ trì hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản thành một Đảng Cộng sản duy nhất. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đánh dấu “Một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử tư tưởng chính trị và cách mạng ở nước ta. Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản đã trưởng thành và có đủ sức lãnh đạo cách mạng”, đồng thời nó cũng khẳng định sự hiện diện của một hệ tư tưởng, chính trị mới ở Việt Nam.
1.1.2. Văn hóa Việt Nam trước năm 1858-1945
Trước năm 1858 ở Việt Nam văn duy trì văn hóa quân chủ Nho giáo phong kiến lạc hậu. Từ năm 1858 khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha đổ bộ tấn công Đà Nẵng sau đó là Sài Gòn thì văn hóa Việt Nam có nhiều thay đổi từ năm 1858 - 1945 nhìn chung văn hóa Việt Nam giai đoạn này có hai giai đoạn đặc trưng văn hoá lớn; Tiếp xúc giao thoa văn hoá Việt - Pháp một cách cưỡng ép. Giao lưu văn hoá tự nhiên Việt Nam với thế giới bên ngoài đặc biệt là với phương Tây.
Để có tầng lớp tri thức cho chính quyền thuộc địa, thực dân Pháp đã mở các cơ sở đào tạo như: Năm 1897, mở trường Hậu bổ ở Hà Nội, cải tổ trường Quốc Tử Giám ở Huế, mở trường sư phạm sơ cấp ở Hà Nội. Ngoài trường học, người Pháp còn mở một số cơ sở nghiên cứu khoa học như Viện vi trùng học ở Sài gòn (1891), ở Nha trang (1896), Hà Nội (1900), trường Viễn Đông Bác Cổ (1898)...1901 lập trường mỹ nghệ Thủ Dầu một với bốn bộ môn: gỗ, điêu khắc, khảm xà cừ, đúc đồng. 1907 lập trường mỹ nghệ Biên Hoà đào tạo về gốm, sứ và đúc đồng. 1913 lập trường nghệ thuật bản xứ Gia Định sau đó thay đổi tên liên tục, 1920 mở rộng địa bàn ra Bắc, lập trường nghệ thuật thực hành ở Hà Nội, làm đồ mộc, chạm bạc, đúc đồng…1925 thành lập trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương, đây là ngôi trường đào tạo nhiều các họa sỹ góp mặt làm thay đổi nền văn hóa nghệ thuật của Việt Nam sau này.
1.1.3. Những tác động vào hội họa Việt Nam trước năm 1945
Bắt đầu từ năm 1925. Trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương được thành lập, đây là ngôi trường đầu tiên đào tạo nghệ sỹ tạo hình cho toàn Đông Dương và đây cũng là cái nôi đầu tiên của nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại. Ngôi trường này là nơi giao lưu văn hóa Đông – Tây một cách khá bài bản và diễn ra một cách bài bản nhất.
Ở đây những họa sỹ thế hệ đầu của người Việt Nam đã tiếp thu xu hướng mỹ thuật hiện đại của châu Âu và kết hợp với nghệ thuật truyền thống Việt Nam hàm chứa những yếu tố tương đồng một cách ngẫu nhiên. Ta có thể thấy những ngôn ngữ tạo hình đặc trưng của hai trường phái dã thú và ấn tượng, Lập thể ở phương Tây gần như một sự hữu duyên năng tương ngộ giữa những chạm khắc đình làng, những mảng màu của tranh dân gian Đông Hồ, Kim Hoàng, Hàng Trống, cùng với những đồ tín ngưỡng dân gia như hàng mã dùng trong việc thờ cúng tín ngưỡng của người Việt.
Khi nghiên cứu về cách dùng màu của chủ nghĩa dã thú ở phương Tây, mới thấy, người Việt từ xa xưa trong dòng tranh dân gian Đông Hồ, Kim Hoàng (Hà Nội) đã có những bức tranh giấy dó nhuộm màu đỏ thắm. Trên đó, in những hình vẽ con lợn, con gà…tạo nên màu sắc rực rỡ tươi sáng, mang nhiều nét trang trí không kém gì màu sắc trong tranh của các họa sỹ nổi tiếng của phương Tây như; Henri Matisse, Andre Derain, Maurice de Vlaminck,…Những người đi tiên phong trong hội họa dã thú của Pháp. Cũng như hình tượng chạm khắc, người, hổ…ở điêu khắc đình làng Việt Nam, thì những hình tượng chạm khắc đó cũng được diễn tả với tinh thần của chủ nghĩa lập thể trước phương Tây. Ví dụ Tác phẩm “Đánh cờ” ở đình Ngọc Canh (Vĩnh Phúc) Tác phẩm nam nữ khoả thân được khắc chạm trong đình Phù Lão, Lạng Giang Bắc Giang. Tác phẩm“Uống rượu” ở đình Ngọc Canh (Vĩnh Phúc). Điều này có thể cho rằng yếu tố nghệ thuật dân gian Việt Nam có nhiều yếu tố tương đồng với nền nghệ thuật châu Âu hiện đại, đã giúp cho cuộc tiếp xúc giao lưu giữa hội họa Pháp và nghệ thuật dân gian Việt Nam đạt tới một thành tựu cao.
H1. Tác phẩm.“Đánh cờ” ở đình Ngọc Canh (Vĩnh Phúc)
Tuy nhiên mối quan hệ tiếp xúc với hội họa phương Tây không phải đợi đến năm 1925 mới sảy ra mà nó có từ khi chưa có trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương, đó là trường hợp của họa sỹ Lê Văn Miến. Ông được coi là người đi đầu của nền hội hoạ Việt Nam. Năm 1888 được Vua Đồng Khánh cử sang Pháp học, ông học hai trường trong đó có trường mỹ thuật Paris từ 1891 - 1895. Ở Pháp ông tiếp thu được những kiến thức hội hoạ hiện đại, năm 1895 ông về nước, và đã trở thành cầu nối nghệ thuật truyền thống với nghệ thuật hiện đại. Lê Văn Miếu sáng tác không nhiều song tác phẩm của ông bị thất lạc gần hết. Ở Bảo tàng mỹ thuật còn sưu tầm được hai bức " Chân dung cụ Tú mền ", " Bình văn ", ở Huế cũng giữ được hai bức " Chân dung cụ ông và cụ bà Nguyễn Khoa Luận ". Sáu bức không nhiều ngoài những tranh chân dung, chỉ một bức " Bình văn " đã phản ánh sinh hoạt học đường đầu thế kỷ XX nhằm giác ngộ tinh thần yêu nước cho học sinh.Những tác phẩm này đã đánh dấu một mốc mới cho nền mỹ thuật Việt Nam trước khi có trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương.
Thế kỷ XX, đã chứng kiến nhiều sự thay đổi của nền mỹ thuật trên thế giới với nhiều trào lưu hiện đại, hậu hiện đại...thì ở Việt Nam, mỹ thuật mới chỉ bắt đầu và thực sự bắt đầu khi người Pháp mở trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương. Khi những thế hệ họa sỹ đầu tiên được đào tạo chính quy một cách cơ bản có hệ thống theo chương trình mang tính hàn lâm của phương Tây, kết hợp với nghệ thuật đương thời lúc đó là trường phái Ấn tượng. Các họa sỹ người bản địa còn được các ông thày ngoại hướng dẫn tìm hiểu các nền nghệ thuật của các nước lân cận như Trung Quốc, Nhật Bản…Ngoài vấn đề học hỏi phương Tây và các nước lân cận các ông thày ngoại còn hướng cho các họa sỹ Việt Nam đi vẽ thực tế ở ngoài trời, vẽ đình đền miếu mạo đây là cách tiếp thu trực tiếp bản sắc và những giá trị truyền thống của đất nước. Những bài học mà những ông thày người Pháp đã truyền đạt, đã được các học trò người Việt đúc kết thành công ở gọc độ thẩm mỹ, đây là một bước tiến dài trong nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại, thoát khỏi tầm nhìn dân gian và lạc hậu về quan niệm cái đẹp của người Việt đã kéo dài hàng trăm năm trước. Mở ra một cách nhìn mới, một chân trời mới của một thế hệ mới, vào thế giới rộng lớn của nền mỹ thuật trên thế giới.
Có thể nói rằng trước năm 1925 các họa sĩ Việt Nam lớp đầu chưa có khái niệm rõ rệt về hội họa. Họ hướng về cái đẹp đi tìm cái đẹp bằng những cảm nhận mơ hồ. Không tính đến mỹ thuật truyền thống thì rõ ràng ngày ấy hội họa hiện đại ở Việt Nam chưa có gì. Năm 1930 lớp hoạ sỹ đầu tiên của Việt Nam tốt nghiệp. Năm 1931, những tác phẩm của lớp họa sĩ mới được đào tạo ở Trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương ra mắt lần đầu tại Triển lãm đấu xảo ở Paris.
Ta có thể điểm qua các tác phẩm được sáng tác từ giai đoạn 1930 - 1945 gắn liền với nhiều biến cố lịch sử, năm 1930. Đã sảy ra nhiều biến cố lịch sử như cuộc vận động cách mạng dân chủ tư sản, đã tác động lớn trong văn học nghệ thuật, giữa hai xu hướng hiện thực và lãng mạn, nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh. Nền nghệ thuật hội 1930 - 1945 cũng tạo nên những phong cách nghệ thuật đa dạng, hai xu hướng sáng tác chính vẫn là lãng mạn và hiện thực đã định hình diện mạo nền hội hoạ cận đại Việt Nam. Xu hướng lãng mạn chủ yếu các họa sỹ tập trung vẽ giai cấp tư sản, tiểu sản chủ đề chính là những thiếu nữ thành thị mặc áo dài thướt tha với khuôn mặt đài các với các dáng đứng, ngồi nhàn nhã, thanh thản đến lạnh lùng, đang ngồi ngắm hoa hoặc nhìn vào một cái gì đó như mông như mơ…Ví dụ như tác phẩm của họa sỹ Tô Ngọc Vân. Thiếu nữ bên hoa huệ (sơn dầu) 1943 Hai thiếu nữ và em bé (Sơn dầu) 1944…Hai tác phẩm này là tác phẩm tiêu biểu cho giai đoạn cuối của ông theo xu hướng lãng mạn.
Giai đoạn 1930 - 1945 tranh phong cảnh của Tô Ngọc Vân đã đạt đến đỉnh cao nghệ thuật hội họa. Thiên nhiên trong tranh ông thơ mộng nhẹ nhàng, êm ái với màu sắc tinh tế uyển chuyển êm ái. Gợi cho người xem tính hiện thực của cuộc sống, với khả năng thiên bẩm cộng với lối tư duy độc đáo, ông đã tách mình ra khỏi ảnh hưởng của lối vẽ sơn dầu Châu âu và tạo cho mình một phong cách riêng, được kết tinh từ nghệ thuật truyền thống của Việt Nam và phong cách tạo hình phương Tây.
H3.Tô Ngọc Vân “Thiếu nữ bên hoa huệ”sơn dầu ,
H4. Trần Văn Cẩn “Em Thúy” 1943 Sơn dầu
Ngoài Tô Ngọc Vân ra còn có một số họa sỹ khác cũng theo xu hướng lãng mạn như; hoạ sỹ Trần Văn Cẩn Năm 1943, sáng tác bức tranh "Em Thuý" Tác phẩm "Em Thuý" được giải nhất tại triển lãm tranh 1943. Bức tranh này toát lên phong cách riêng của ông, sự cảm nhận cũng như thể hiện vẻ đẹp lên tác phẩm. Một vẻ đẹp nhẹ nhàng, trong sáng tinh tế. Dưới bàn tay tài hoa của người nghệ sỹ ông đã phô diễn được hết mọi khả năng kỹ thuật vẽ sơn dầu, phát huy được thế mạnh của sơn dầu trong tranh ông đã khai thác thành công trong việc diễn tả ngoại hình, chiều sâu tâm lý của nhân vật một cách tinh tế. Ông sử dụng lối vẽ sơn dầu mỏng và mềm mại như lối vẽ của Raphaen danh họa thời Phục hưng. Ngoài ra ta còn thấy ông sử dụng một vài kỹ thuật và cách vẽ tranh lụa. Với thủ pháp, kỹ thuật ấy, ông đã thể hiện thành công một vẻ đẹp trong sáng, hồn nhiên, thơ ngây của một bé gái. Với khuôn mặt trái xoan, xinh xắn, cặp mắt to tròn đen lánh như hai hạt nhãn, tạo nên một vẻ thông minh, dịu dàng, phúc hậu của một cô gái đang bước vào tuổi dậy thì. Nổi bật lên trong sự phối hợp không gian nhiều mảng màu với gam màu ấm nóng, pha chút lạnh nhẹ tạo cảm giác hồn nhiên, thoải mái, là bộ váy trắng, tao nhã của. Từ chiếc vòng tay, mái tóc, chiếc ghế với mảng đậm đến khuôn mặt trắng hồng, hòa vào không gian tạo nên một nhịp điệu hài hoà, cân đối…
Gần như đối lập với xu hướng lãng mạn, xu hướng hiện thực trong hội hoạ phát triển khá mạnh. Đề tài chủ yếu của xu hướng này là những cảnh sinh hoạt nông thôn với cảnh lao động lam lũ cực nhọc của người dân. Tuy nhiên giai đoạn này ta chưa thấy nghệ thuật hội họa cất lên tiếng nói chính trị hay tố cáo xã hội.Nhìn lại mỹ thuật Việt Nam, giai đoạn1930 - 1945 là một thời kỳ có nhiều biến động và phân hoá sâu sắc. Đó là một bước phát triển nhanh chóng của hội hoạ Việt Nam. Nó phản ánh một thực trạng xã hội trước một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử cách mạng tháng Tám 1945 là tiền đề cho mỹ thuật thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
2. Những thay đổi về chính trị văn hóa ở Việt Nam từ năm 1945 - 1954
2.1. Chính trị ở Việt Nam từ năm 1945- 1954
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đánh dấu sự hình thành ở nước ta một hệ thống chính trị cách mạng mới. Đứng đầu là chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, đã trở thành đảng cầm quyền, là trung tâm đoàn kết toàn dân trong công cuộc đấu tranh để xây dựng và bảo vệ chế độ dân chủ cộng hoà.
Chính quyền cách mạng còn non trẻ, chưa được củng cố. Đảng và nhân dân Việt Nam chưa có kinh nghiệm giữ chính quyền. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chưa nước nào công nhận và đặt quan hệ ngoại giao. Cách mạng Việt Nam ở trong tình thế bị bao vây, cô lập.
Quân đội các nước đế quốc, dưới danh nghĩa quân Đồng minh giải giáp quân đội Nhật Bản, lần lượt kéo vào Việt Nam.Từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc có gần 20 vạn quân Trung Hoa dân quốc. Theo sau Trung Hoa Dân quốc là Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc), Việt Nam cách mạng đồng minh hội (Việt Cách) xúc tiến thành lập một chính phủ bù nhìn. Nhằm tiêu diệt Đảng Cộng sản, phá tan Việt Minh, lật đổ chính quyền cách mạng còn non trẻ của nhân dân Việt Nam.
Nạn đói cuối năm 1944 đầu năm 1945 chưa được khắc phục. Nạn lụt lớn, làm vỡ đê ở 9 tỉnh Bắc Bộ, tiếp theo đó là hạn hán kéo dài ruộng đất không thể cày cấy được. Ngân sách Nhà nước hầu như trống rỗng, Chính quyền cách mạng chưa quản lí được ngân hàng Đông Dương. Trong khi đó quân Trung Hoa Dân quốc tung ra thị trường các loại tiền của Trung Quốc đã mất giá, càng làm cho nền tài chính thêm rối loạn.
Ngày 6/1/1946, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tổ chức cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội trong cả nước. Thắng lợi của Tổng tuyển cử bầu Quốc hội có ý nghĩa to lớn, thể hiện ý chí và quyết tâm của nhân dân Việt Nam xây dựng một nước Việt Nam thống nhất. Ngày 2/3/1946, Quốc hội Khoá I Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà họp phiên đầu tiên. Ngày 9/11/1946, Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được Quốc hội thông qua.
Quân đội quốc gia Việt Nam ra đời (5/1946). Lực lượng dân quân tự vệ được củng cố để phát triển. Viện Kiểm soát nhân dân và Toà án nhân dân được thành lập. Bộ máy chính quyền nhà nước được kiện toàn, trở thành công cụ sắc bén phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Ngày 23/9/1945, được sự giúp sức của quân Anh, thực dân Pháp nổ súng đánh úp trụ sở Uỷ ban Nhân dân Nam Bộ và cơ quan tự vệ Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần hai. Ngay khi thực dân Pháp trở lại xâm lược, nhân dân miềnNam đứng lên kháng chiến.
Ngày 6/3/1946, bác Hồ thay mặt Chính phủ Việt Nam kí với G. Xanhtơni, đại diện Chính phủ Pháp bản Hiệp định sơ bộ: Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một quốc gia tự do, có chính phủ, nghị viện, quân đội và tài chính riêng, nằm trong Liên bang Đông Dương, thuộc khối Liên hiệp Pháp. Chính phủ Việt Nam đồng ý cho 15.000 quân Pháp ra miền Bắc làm nhiệm vụ giải giáp quân Nhật và rút dần trong thời hạn 5 năm. Hai bên ngừng mọi xung đột ở miền Nam đi đến cuộc đàm phán chính thức.
Ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, thực dân Pháp mở các cuộc tiến công. Ở Bắc Bộ, hạ tuần tháng 11/1946, quân Pháp tiến công ở Hải Phòng, Lạng Sơn, cho quân đổ bộ lên Đà Nẵng, sau đó chiếm đóng Hải Phòng. Tháng 12 /1946, Pháp gây hấn ở Hà Nội, chiếm trụ sở Bộ Tài chính, gây ra vụ thảm sát ở phố Hàng Bún (Khu phố Yên Ninh)…Ngày 18/12/1946, quân Pháp gửi tối hậu thư đòi giải tán lực lượng tự vệ chiến đấu, để cho Pháp làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự ở Hà Nội, nếu không chúng sẽ giành toàn quyền hành động vào sáng ngày 20/12/1946.
Ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc. Ngày 21/7/1954, Hiệp định Giơnevơ được kí kết. Pháp buộc phải chấm dứt chiến tranh xâm lược Đông Dương, rút hết quân đội về nước, kết thúc chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương, đáp ứng nguyện vọng hoà bình của nhân dân Việt Nam. Ở Việt Nam: Quân đội Nhân dân Việt Nam và quân Pháp tập kết ở hai miền Bắc, Nam, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới quân sự tạm thời. Việt Nam sẽ tiến tới thống nhất bằng cuộc tổng tuyển cử tự do trong cả nước, được tổ chức vào tháng 7/1956. Cùng với chiến dịch Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ 1954 kết thúc cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc, song chưa trọn vẹn vì mới giải phóng được miền Bắc. Miền Bắc được giải phóng, chuyển sang giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa, tạo cơ sở cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
2.2. Văn hóa Việt Nam từ năm 1945- 1954
Nhìn ở góc độ văn hoá học, chiến tranh là “giai điệu” không bình thường trong cuộc sống. Tính chất không bình thường này sẽ chi phối mọi phương diện trong đời sống văn hoá xã hội của dân tộc từ nội dung đến các thể loại hình văn hóa nghệ thuật. Ngay từ những năm chưa giành được chính quyền, Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam Nam) đã chú trọng đến văn hoá. Năm 1943, bản Đề cương văn hoá Việt Nam của Đảng được công bố. Bản đề cương nhấn mạnh ba nguyên tắc vận động của cuộc vận động văn hoá là: dân tộc hoá, đại chúng hoá và khoa học hoá. Đó là định hướng quan trọng cho sự ra đời của nền văn hoá nghệ thuật mới ở giai đoạn sau năm 1945. Ngày 24/11/1946, Hội nghị văn hoá toàn quốc lần thứ hai họp tại chiến khu Việt Bắc. Đồng chí Trường Chinh lúc ấy là Tổng bí thư của Đảng đã trình bày bản báo cáo Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hoá Việt Nam. Có thể nói đây là văn kiện lý luận đầu tiên mà Đảng ta đã vận dụng chủ nghĩa Mác- Lê, để giải quyết một số lĩnh vực thuộc văn hoá Việt Nam.
Sự lãnh đạo của Đảng với đường lối văn nghệ xuyên suốt (Bản đề cương văn hóa năm 1943) là yếu tố trọng yếu chấm dứt sự phân hóa phức tạp của văn hóa ở nước ta dưới ách thực dân, tạo nên một nền văn hóa nghệ thống nhất sau năm 1945. Do bị áp bức đô hộ kéo dài mấy chục năm, cộng với chính quyền non trẻ vừa ra đời lại phải kháng chiến để bảo vệ nền độc lập, vì thế kinh tế nghèo nàn, chậm phát triển, điều kiện giao lưu văn hóa bị hạn chế. Lúc này Việt Nam (chủ yếu tiếp xúc và chịu ảnh hưởng văn hóa các nước xã hội chủ nghĩa như; Liên Xô và Trung Quốc…)Trong hoàn cảnh như thế, văn hóa nghệ thuật giai đoạn 1945- 1954 cũng có những bước phát triển và đạt được nhiều thành tựu, đóng góp vào lịch sử nghệ thuật và tạo được những giá trị riêng biệt. Trong giai đoạn này có những sáng tác phản ánh không khí hồ hởi mê say khi đất nước mới dành được độc lập, ca ngợi “cuộc tái sinh thần kỳ”của dân tộc, về văn học có (Tình sông núi của Mai Ninh, Ngọn quốc kì của Xuân Diệu, Vui bất tuyệt của Tố Hữu…)
Từ cuối 1946 trên mặt trận văn hóa nghệ thuật tập trung phản ánh cuộc kháng chiến chống Pháp. Nghệ thuật gắn bó sâu sắc với đời sống cách mạng và kháng chiến; hướng đến phẩm chất tốt đẹp của tầng lớp công nông binh, với niềm tin tất thắng của kháng chiến chống Pháp cứu nước. Chú trọng phong trào văn hoá, văn nghệ, nghệ thuật quần chúng, hướng dẫn nghệ sỹ hoạt động theo hướng phục vụ kháng chiến. Tạo cơ sở văn hoá cho chế độ dân chủ, làm tiền đề cho công cuộc xây dựng CNXH.
Nhìn lại quá trình văn hoá nghệ thuật, cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX chúng ta thấy. Gần một trăm năm. Từ Nam ra Bắc, từ thành thị đến nông thôn, văn hoá Việt Nam đã có những thay đổi lớn lao. Từ thơ Đường sang thơ mới, từ văn vần sang văn xuôi, từ chữ Hán, chữ Nôm đến chữ Quốc ngữ, từ nghệ thuật dân gian truyền thống ảnh hưởng học hỏi và tiếp thu nền nghệ thuật tạo hình phương Tây hiện đại, dẫn đến nền nghệ thuật hội họa hiện thực lãng mạn, không quan tâm đến chính trị, bước sang phục vụ chính trị… tất cả đều đi trên một con đường giải phóng đất nước độc lập dân tộc, tiến tới hoà nhập với thế giới.
2.3. Sự đổi về chính trị văn hóa dẫn đến thay trong nghệ thuật hội họa Việt Nam giai đoạn 1945 - 1954
2.3.1.Sự thay đổi về đề tài của các họa sỹ
Từ khi trường Cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương mở khóa học đầu tiên 1925 cho đến năm1945, gần như tất cả các họa sỹ nhà điêu khắc điều đứng ngoài các vấn đề chính trị, hoặc không tham gia trực tiếp vào các phong trào giải phóng dân tộc, chống thực dân Pháp, lúc này họ chỉ để tâm vào những tác phẩm lãng mạn nhẹ nhàng trầm lắng cô đọng lại thành nỗi buồn man mác mơ hồ trong các tác phẩm. Giai đoạn này các họa sỹ được giáo dục bằng hệ ý thức tự do được du nhập từ phương Tây lúc này người nghệ sỹ đứng ngoài ý tưởng của nhân dân và thời đại, họ cho rằng họ không có vai trò cải tạo xã hội cụ thể. Cách mạng tháng tám thành công đã làm thay đổi hoàn toàn hệ tư tưởng của các họa sỹ. Nghe theo lời kêu gọi của Chủ Tịch Hồ Chí Minh toàn quốc kháng chiến đã xác định đường lối rõ ràng cụ thể cho tầng lớp nghệ sỹ và nghệ thuật. Từ vai trò của nghệ thuật, đối tượng sáng tác, quan điểm và mục đích nghệ thuật được xây dựng dựa trên ý tưởng phục vụ kháng chiến, phục vụ nhân dân và kiến quốc. Giới trí thức nói chung và họa sỹ nói riêng bắt đầu có sự phân rã. Phần lớn họ tham gia vào kháng chiến với lòng yêu nước nồng nàn. Một số họa sỹ di cư ra nước ngoài sáng tác và sinh sống, một bộ phận nhỏ đi con đường riêng của mình như Nguyễn Gia Trí, là một ví dụ điển hình…
Trước và trong thời điểm chuyển giao 1945-1946 những người có tiếng như họa sỹ Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Trần Phú Duyên...đã ra nước ngoài. Đa số các họa sỹ còn lại lên chiến khu Việt Bắc, bằng mọi nẻo đường, các họa sỹ giàu lòng yêu nước cùng ra vùng tự do kháng chiến. Tùy từng hoàn cảnh, điều kiện, nguyện vọng, họ có mặt ở nhiều vị trí khác nhau. Rừng xanh, núi đỏ, mưa rơi, khói lửa bom đạn trong cuộc kháng chiến trường kỳ họ đi vào cuộc sống, bám sát thực tế, khắc phục khó khăn, thiếu thốn để hoàn thành tốt nhiệm vụ của người nghệ sỹ kháng chiến.
Cách mạng tháng 8 thành công đã tác động mạnh mẽ vào hệ tư tưởng của các họa sỹ. Họ đã tự nguyện rời bỏ thói quen thẩm mỹ thị dân, và sinh hoạt thành thị với các thiếu nữ thướt tha tà áo dài, chuyển đổi phương pháp sáng tác, để có được sự chuyển hướng này các họa sỹ đã phải tự đấu tranh, tự phá vỡ những mâu thuẫn dằng xé trong từng nội tâm mỗi họa sỹ. Điều này ta còn thấy ở trong văn học hơi hướng của thi ca lãng mạn tiền chiến còn luẩn khất trong thơ ca đầu kháng chiến. Sau Cách mạng cuộc triển lãm mỹ thuật toàn quốc đầu tiên năm 1946, tại Nhà hát Lớn cho thấy những tư tưởng cũ vẫn còn đọng lại bên cạnh dòng tư tưởng mới. Tuy nhiên còn có rất nhiều những sáng tác mới đã đánh dấu sự hình thành và phát triển đầu tiên của nền nghệ thuật cách mạng. Như tác phẩm của Tô Ngọc Vân: "Bác Hồ làm việc tại Bắc Bộ Phủ" sơn dầu, Trần Văn Cẩn "Xuống đồng" Dương Bích Liên, "Bình dân học vụ", hay Lương Xuân Nhị "Cây đuốc sống Lê Văn Tám" Tại thời điểm này chúng ta thấy những gương mặt mới như Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái...thế hệ sau của trường Mỹ thuật Ðông Dương, mà sau này tên tuổi của họ đã trở thành những bậc thầy của nền mỹ thuật Việt Nam sau hòa bình.
Bức thư Hồ Chủ Tịch gửi các họa sỹ “Văn hóa nghệ thuật là một mặt trận. Anh chị em là chiến sỹ trên mặt trận ấy...” Cùng với triển lãm tranh, còn có cơ quan tuyên huấn của Đảng tích cực định hướng rèn luyện tư tưởng, đường lối nghệ thuật, giúp người nghệ sỹ đi theo Cách mạng đúng hướng. Chủ nghĩa hiện thực XHCN được đề cao. Khi tiêu chí của nghệ thuật và vai trò nghệ sĩ đã được xác định: Văn nghệ cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận đó, giai đoạn này hội họa gắn liền với những vấn đề cũng như hơi thở của cuộc sống đương thời.
Do hoàn cảnh kháng chiến nguyên vật liệu vẽ tranh vẽ khan hiếm, vì vậy chất liệu gỗ và đã là dễ kiếm và phổ thong nhất, tranh khắc gỗ và in đá rất phát triển. Có thể kể đến tranh của Trần Văn Cẩn "Cùng nhau đi hùng binh" mang đậm tính dân gian khắc họa hình theo lối trẻ thơ. Tô Ngọc Vân Tranh "Bác Hồ làm việc tại Bắc Bộ Phủ". Dần dần hình tượng lãnh tụ, người nông dân, anh vệ quốc...được khắc họa rõ nét, như những tính cách mộc mạc chân thực của người Việt Nam với đầy đủ bản tính nông dân và lòng quả cảm trong bảo vệ tổ quốc hiện dần trong tranh đồ họa và hội họa sau hòa bình nhiều năm như những hồi ký về chiến tranh bằng hình ảnh.
H9.Tô Ngọc Vân “Hà nội vùng đứng lên”(Khắc gỗ 1946)
Các ký họa mầu nước của danh họa Tô Ngọc Vân về những người nông dân đốt đuốc, thắp đèn đi học bình dân học vụ, đấu tố địa chủ vô cùng sinh động đầy tính hiện thực, mang hơi thở cuộc sống và chân thực tới mức cảm động. Họa sĩ đã thay đổi chủ đề, đề tài, lột xác hoàn toàn so với chính ông ở giai đoạn trước. Những tác phẩm khác như "Ðuổi giặc trong rừng", "Khi giặc vừa qua" của ông cho thấy sự theo đuổi một thứ nghệ thuật đồ sộ có tính bi tráng mà tiếc thay ông không thực hiện được (Tô Ngọc Vân hy sinh năm 1954). cấu trúc bố cục chặt chẽ. Tác phẩm sơn mài của Sỹ Ngọc "Cái bát" (1949) khắc họa bà cụ nông dân đứng quạt cho anh chiến sỹ uống nước là hình ảnh đẹp đẽ bền chặt khó quên về tình quân dân, quân với dân như cá với nước tình mẫu tử muôn đời. Suốt cuộc chiến, tranh của Nguyễn Sáng không được đánh giá cao, nhưng đến năm 1953 với tác phẩm "Giặc đốt làng tôi" và sau hoà bình là "Kết nạp Ðảng tại Ðiện Biên Phủ"
Có thể nói sự thay đổi về chính trị cũng như hoàn cảnh văn hóa xã hội giai đoạn 1945- 1954 đã tác động mạnh mẽ đến các tầng lớp trí sỹ trong nước đặc biệt là giới văn nghệ sỹ, làm thay đổi tư tưởng cũng như chủ đề, đề tài sáng tác của các họa sỹ, có thể các họa sỹ không làm được nhiều như mong đợi, giữa hoàn cảnh của cuộc chiến trường kỳ kéo dài suốt chín năm, nhưng những năm tháng ở rừng, trên chiến hào, đồng cam cộng khổ cùng nhân dân và bộ đội đã để
H11 Tô Ngọc Vân"Bác Hồ làm việc tại Phủ Bắc Bộ "
H12. Tô Ngọc Vân “thắp đèn đi học bình dân học vụ”
Những tác phẩm của các họa sỹ khác bằng chất liệu bột mầu về thủ đô kháng chiến, như du kích của Nguyễn Ðỗ Cung, mang tính khái quát và một lại những dấu ấn khó quên của những người nghệ sỹ cầm bút ra mặt trận. Khi hòa bình lập lại họ tìm về những ký ức xưa bằng những băn khoăn trăn trở để rồi lại tái hiện nó bằng các tác phẩm hội họa. Ngày nay, khi quay về chín năm kháng chiến, người ta thường tự hỏi trong hoàn cảnh như nhà thơ Tố Hữu viết
“Mấy tầng mây gió lớn mưa to
Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ
Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát
Dù bom đạn xương tan, thịt nát
Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh...”
"sốt rét, mưa rừng", "bắp nương sẻ nửa, chăn sui đắp cùng", các họa sĩ đã vẽ như thế nào, ở đâu, vẽ cho ai để làm gì…? Họ đã băn khoăn về một thứ hội họa phục vụ chính trị phục vụ giai cấp phục vụ nhân dân, hay họ vẽ để phục vụ cái tôi của chính mình... Mấy tuýp sơn dầu, vài hộp thuốc nước cũ từ thời đi học, còn chủ yếu là vài cây chì than…để trong ba lô con con cóc vượt qua hết những gian khổ và thiếu thốn ấy. Bằng lòng yêu nước và tình yêu hội họa cộng với những thay đổi lớn trong tư tưởng mỗi họa sỹ để họ vẽ ra những tác phẩm phục vụ xã hội phục vụ Đảng và quần chúng nhân dân.
Kết luận
Mỹ thuật Việt Nam cuối thế kỷ XIX đến năm 1954 nằm trong một quá trình chuyển biến và phân hoá quan trọng trong lịch sử cận đại Việt Nam. Thế kỷ XIX với nhà Nguyễn một triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam, đã đặt đất nước ta vào hoàn cảnh mới, sự giao tiếp với phương Tây và ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa đã tạo lập một nền nghệ thuật đa dạng mang nhiều yếu tố phức tạp bên ngoài. Tuy vậy, nét nghệ thuật cổ truyền vẫn được bảo lưu qua các công trình kiến trúc, điêu khắc, mỹ thuật dân gian. Mỹ thuật Việt Nam từ 1925 đến 1954 là nền mỹ thuật bản lề của hai thế kỷ, nó đã chứng kiến sự thay đổi về văn hóa nghệ thuật. Trong đó nghệ thuật hội họa cho thấy sự lột xác về đề tài, nội dung lẫn phong cách sáng tác của từng họa sỹ. Điều này cho thấy những tác động của văn hóa chính trị vào hội họa là rất lớn.
ThS.NCS Trần Quốc Bình
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Văn Cường. Sự tiếp biến văn hóa qua hội họa Việt Nam giai đoạn 1925- 1945. Tạp chí VHNT số 383, tháng 5-2016
2. Phan Cẩm Thượng. Mỹ thuật thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1945-1954 http://www.talawas.org
3. Đường lối xây dựng hệ thống chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nguồn https://tusach.thuvienkhoahoc.com/wiki
Ý kiến bạn đọc